1.3.3.1. Vị trí trường THPT trong hệ thống giáo dục quốc dân
Trường THPT là cơ sở giáo dục nối tiếp cấp trung học cơ sở thuộc bậc trung học của hệ thống giáo dục quốc dân. Cấp THPT gồm 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12. Đây là cấp học vừa trực tiếp tạo nguồn cho bậc cao đẳng, đại học nói riêng, vừa góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực.
Giáo dục trung học phổ thông là khâu đặc biệt quan trọng, giúp học sinh củng cố và phát triển kết quả giáo dục trung học cơ sở, hoàn thành học vấn phổ thông, hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp. Giáo dục trung học phổ thông giữ vai trò “bản lề” của cả một đời người. Tuỳ theo kết quả học tập, rèn luyện, sự phấn đấu và nguyện vọng, học sinh có thể lựa chọn một hướng đi thích hợp cho mình. Nhà trường có nhiệm vụ chuẩn bị một cách tốt nhất, dù cho lựa chọn hướng đi nào, học sinh cũng có đủ trình độ, bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng học tập và công tác tốt. Bậc trung học phổ thông là nơi tạo ra những hạt giống tốt cho các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học và đội ngũ lao động có văn hoá cho địa phương, đất nước, đó chính là nguồn lực người. Hiện nay, chất lượng giáo dục là một vấn đề mà toàn xã hội đã và đang quan tâm. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước ta phải đối diện với yêu cầu của sự phát triển KT- XH nhanh, mạnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đứng trước một thử thách cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Do vậy giáo dục phải đổi mới và đi trước một bước, tạo tiền đề cho sự phát triển KT- XH. Bậc trung học phổ thông đóng vai trò hết sức quan trọng và cần phải được trú trọng nâng cao hơn nữa vai trò của trung học phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.
1.3.3.2. Một số đặc điểm cơ bản của HĐDH ở trường THPT. Điều 2, Chương I trong Luật Giáo dục 2005 đã ghi:
Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng
lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [24, tr 20].
Để đạt được mục tiêu này nhà trường cần phải tổ chức các hoạt động dạy học, hoạt động lao động, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, v.v… trong đó hoạt động dạy học là hoạt động trung tâm. Bởi hoạt động chủ yếu với thời gian ngắn nhất, đạt hiệu quả nhất, tối ưu nhất của nhà trường nhằm hình thành nhận thức của con người chính là hoạt động dạy học. Hoạt động này được tiến hành một cách có tổ chức, có kế hoạch với nội dung dạy học được lựa chọn đã góp phần hình thành nhân cách HS.
Trong nhà trường THPT hoạt động dạy học là hoạt động chủ đạo và hoạt động đó phải được sự hướng dẫn có tổ chức của GV trong một môi trường giáo dục chuyên biệt. Hoạt động dạy học là hoạt động trung tâm của nhà trường còn thể hiện cả GV và HS đều hướng chung vào mục đích và là nhiệm vụ của dạy học là phát triển toàn diện nhân cách cho HS.
Ở bậc học THPT, đối tượng lao động trực tiếp của người GV là HS ở độ tuổi từ 15 đến 17 (ở trường THPT miền núi độ tuổi từ 15 -19 tuổi). HS ở tuổi này có đặc điểm tâm sinh lý riêng. Đây là lứa tuổi bắt đầu phát triển nhân cách một cách đầy đủ và bộc lộ khả năng rất lớn. Do đó, GV phải luôn có tình yêu thương, sự tôn trọng, đối xử công bằng, dân chủ, khách quan và khéo léo trong ứng xử với các em. Bằng công cụ lao động là tri thức và phẩm chất của mình, người GV tác động vào HS đặc biệt là trí tuệ, nhân cách cần rèn luyện ở các em. Phẩm chất và năng lực, đức và tài càng cao thì sức thuyết phục HS càng lớn.
HĐDH ở trường THPT được thể hiện qua hoạt động dạy của GV với những bộ môn chuyên sâu về từng lĩnh vực mà họ được đào tạo. Vì thế HĐDH của họ là quá trình sư phạm tổng thể, là sự kết hợp thống nhất giữa dạy học và giáo dục. Mục đích của HĐDH này là cải tiến và hoàn thiện hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn của HS, hình thành ở HS phẩm chất và nhân cách theo yêu cầu của xã hội đã đặt ra.
Hoạt động học là quá trình tự điều khiển nhằm chiếm lĩnh khái niệm khoa học, HS tự giác, tích cực dưới sự điều khiển của thầy nhằm chiếm lĩnh khái niệm khoa học.
Trong HĐDH người GV trường THPT dạy chuyên sâu về một lĩnh vực, nó đòi hỏi người GV THPT phải có kiến thức vừa rộng vừa sâu và phải có được các năng lực: năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực tổ chức, năng lực tự hoàn thiện v.v… Bên cạnh đó, có được tri thức và năng lực GV không chỉ để dạy về môn học mình đảm nhiệm mà họ còn phải dạy cho HS kỹ năng học, kỹ năng tự học, kỹ năng tự nghiên cứu - đây là đặc trưng của HĐDH ở trường THPT. HĐDH nhằm mục đích tạo ra "cái mới", cái chưa hề có trong kinh nghiệm của HS. Hoạt động dạy và học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nó bổ sung cho nhau.
Vì vậy, để hạn chế những khó khăn trong quá trình lĩnh hội những cái mới, những cái chưa hề có và không ngừng gia tăng hiệu quả học tập, cần thiết phải dạy các em cách học, cách tư duy độc lập, bước đầu làm quen với việc tự học, tự nghiên cứu. Thông qua dạy học người GV hình thành cho HS THPT những tri thức và những phẩm chất có tính chuẩn mực, là hành trang quan trọng cho các em bước vào cuộc sống trực tiếp cũng như tiếp tục học lên các bậc học cao hơn.
Tiểu kết:
Qua việc tìm hiểu lý luận liên quan đến đề tài nghiên cứu, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau:
Vấn đề quản lý HĐDH được nhiều tác giả nghiên cứu. Nhưng phần đa nội dung đề tài chỉ mới mang tính địa phương, riêng lẻ và phần nào còn thiên về lý thuyết. Thực tiễn quản lý trường học có rất nhiều hiệu trưởng giỏi đã có nhiều giải pháp đóng góp cho việc quản lý HĐDH một cách hiệu quả, đây là điểm tựa làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài.
Với việc khái quát những điều cơ bản của lịch sử nghiên cứu về quản lý HĐDH, cùng với những khái niệm cơ bản của quản lý, quản lý giáo dục, quản lý nhà trường, quản lý nhà trường THPT.
Để thực hiện tốt việc quản lý HĐDH, hiệu trưởng nhà trường phải bắt đầu từ quản lý các tổ chuyên môn, và từng GV, giáo viên chủ nhiệm và các đoàn thể nhà trường (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi đoàn giáo viên), phải phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ HS, phải căn cứ vào thực trạng của các yếu tố tác động đến QTDH của cơ sở giáo dục để tìm ra các giải pháp quản lý HĐDH cho phù hợp đặc điểm trường THPT Thái Hoà.
Trên đây là những vấn đề về cơ sở lý luận, để đưa ra các giải pháp mang tính hợp lý và khả thi, vấn đề cần phải nghiên cứu thực trạng quản lý hoạt động dạy học của hiệu trưởng ở các trường THPT thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An.
CHƯƠNG 2.