THÔNG Ở THỊ XÃ THÁI HÒA, TỈNH NGHỆ AN 2.1 KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI Ở THỊ
2.5.2. Những hạn chế.
Hiệu trưởng các nhà trường chưa được đào tạo cơ bản về QL, không được bồi dưỡng thường xuyên về công tác QL. Trong quá trình thực hiện công tác QL, các Hiệu trưởng chủ yếu tự học, tham khảo kinh nghiệm là chính, hầu hết còn thiếu cơ sở khoa học QL. Công tác kế hoạch hóa mặc dù đã tuân thủ đúng các bước, song các Hiệu trưởng chưa vận dụng hết trí tuệ tập thể, vì vậy còn mang tính chủ quan cá nhân.
Cán bộ QL chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi nắm tình hình soạn giảng, kiểm tra hồ sơ. Việc bồi dưỡng năng lực soạn bài cho giáo viên thực hiện chưa tốt. Hiệu trưởng chưa thực sự quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên mà chủ yếu trông đợi vào các kỳ tập huấn của Bộ hay của Sở Giáo dục và Đào tạo. Chưa có kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, số giáo viên giỏi chưa nhiều, sự hợp tác của giáo viên chưa cao, chậm đổi mới phương pháp, chưa tích cực khai thác sử dụng thiết bị dạy học. Còn nhiều giáo viên chưa tự giác trong việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhà trường đã tổ chức các hoạt động thao giảng, dự giờ thăm lớp, rút kinh nghiệm ở tổ chuyên môn nhưng còn hạn chế, nặng về hình thức, còn nể nang trong đánh giá và mang tính chất phong trào ở từng thời điểm. Việc dự giờ đột xuất rất ít.
Việc xây dựng tiêu chuẩn giờ dạy, giờ học để kiểm tra đánh giá chưa thực sự được chú trọng. Công tác chỉ đạo sinh hoạt tổ chuyên môn còn đơn điệu nặng nề về hành chính chưa thực sự có hiệu quả. Việc sinh hoạt chuyên đề hầu như ít được đề cập đến trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn.
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn trong nhà trường được thực hiện chưa thường xuyên và còn mang tính hình thức, phiến diện, chưa phản ánh thực chất. Do đó kết quả kiểm tra đánh giá không đầy đủ, thiếu chính xác, dẫn đến việc xử lí thông tin không khách quan, thiếu công bằng.
Việc đánh giá học sinh trong các trường đã có những chuyển biến rõ rệt qua cuộc vận động hai không, song vẫn cần nỗ lực tăng cường kiểm tra giám sát để việc đánh giá học sinh ngày càng thực chất hơn.
Số học sinh có động cơ học tập tốt chưa nhiều, chưa có phương pháp học tập, chưa quen với cách học theo phương pháp mới.
Nhà trường đã quan tâm tới việc mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Tuy nhiên thiết bị dạy học chưa thật sự đồng bộ, nhiều thiết bị được cấp chất lượng thấp. Mặt khác hầu hết các trường đã có cán bộ thư viện, cán bộ chuyên trách thiết bị thí nghiệm nhưng chưa được đào tạo chính quy.
Công tác tổ chức làm đồ dùng dạy học, sử dụng thiết bị dạy học chưa được quan tâm đúng mức, công tác QL việc giáo viên sử dụng thiết bị dạy học chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng giáo viên còn dạy chay nhiều, chưa có biện pháp mạnh để xử lí đối với những giáo viên không sử dụng thiết bị dạy học theo yêu cầu của nội dung chương trình.
Việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa được chú ý đúng mức. Công tác xã hội hóa chỉ tập trung vào việc huy động đóng góp vật lực của các lực lượng xã hội, ít chú ý vào việc huy động trí lực của các lực lượng xã hội để bàn bạc phương pháp giáo dục học sinh.
Trong việc phối hợp chỉ đạo giữa Hiệu trưởng và cán bộ QL cấp dưới đã nảy sinh ra hai vấn đề:
Vấn đề thứ nhất, khi giao cho cấp dưới một số quyền và công việc, Hiệu trưởng hầu như khoán trắng cho cán bộ QL cấp dưới, điều này dễ dẫn đến buông lỏng QL, Hiệu trưởng không kiểm soát được.
Vấn đề thứ hai, Hiệu trưởng giao quyền cho cán bộ QL cấp dưới lại không định rõ chức năng trách nhiệm, quyền hạn của họ nên dễ dẫn đến ỉ lại, dựa dẫm và kết quả là hiệu quả QL thấp do sự phối hợp chỉ đạo không chặt chẽ, hài hòa.