- Võ Thị Diệu cúng 5 hào
3.1.1. Giá trị lịch sử
Mỗi di tích ra đời đều có một nguồn gốc khác nhau, trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử không giống nhau. Nhưng sự hình thành của các di tích đều gắn liền với một hay vài sự kiện, nhân vật tiêu biểu của dân tộc, của địa phương. Phần lớn các di tích trên địa bàn thành phố Vinh đã có lịch sử hơn một thế kỷ, vì thế, hệ thống di tích này đã tồn tại cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc qua từng thời kỳ và chứng kiến những biến động lớn lao cũng như những thăng trầm mà lịch sử dân tộc đã trải qua. Có những di tích đã có lịch sử hàng trăm năm, trước khi thành phố Vinh hình thành, cũng có những di tích chỉ mới ra đời cách đây hơn một thế kỷ, thậm chí là vài chục năm trở lại đây; nhưng một điều có thể khẳng định là chúng đã sống cùng dân tộc và trường tồn cho đến ngày nay. Vì thế, các di tích đều chứa đựng những giá trị lịch sử quý báu và sâu sắc.
Lịch sử Việt Nam đã từng trải qua nhiều đau thương và mất mát, có những thời kỳ huy hoàng nhưng cũng có những thời kỳ chìm trong đêm trường nô lệ. Dân tộc Việt Nam trải qua bao thăng trầm đã tạo nên một nền văn hoá đa dạng, phong phú, kết tinh từ nền văn hoá của 54 dân tộc anh em. Cùng với các công trình văn hoá khác, hệ thống di tích lịch sử văn hoá là một trong những thành tựu tiêu biểu của nền văn hoá Việt Nam. Trong quá trình hình thành và tồn tại của mình, trải qua bao thời gian, do thời tiết, do chiến tranh… nên các di tích không thể giữ nguyên dáng vẻ như ban đầu. Dần dần, cùng với sự hồi sinh của đất nước, các di tích cũng được tôn tạo và xây dựng lại để không mất đi những giá trị vốn có của nó, trả lại diện mạo cho các di tích. Số phận của các di tích gắn liền với số phận của dân tộc. Mặc dù đó chỉ là những vật thể vô tri vô giác nhưng đó lại là những bằng chứng quý báu và
hùng hồn cho những trang sử vẻ vang, oanh liệt mà đầy bi thương của lịch sử dân tộc.
Các di tích đền, chùa, miếu, đình… vốn là những nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần, nơi thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân, nhưng khi có chiến tranh, chúng lại trở thành địa bàn đóng quân của bộ đội ta, là địa điểm hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng, là nơi quần chúng nhân dân tập trung tổ chức mít tinh, biểu tình đòi các quyền lợi cơ bản về tay mình, đòi lật đổ chính quyền của địch và lập nên chính quyền do nhân dân làm chủ. Những sự kiện đó không làm mất đi “tính thiêng” của các di tích. Dù trong chiến tranh, các di tích được sử dụng ít nhiều vì mục đích quân sự nhưng không làm mất đi những nét đẹp văn hoá chứa đựng trong lòng mỗi di tích. Vẫn là những nơi thờ Phật, thờ Thánh, thờ Thành hoàng làng nhưng trong dòng thác cách mạng, trong hoàn cảnh chiến tranh, các di tích còn là những địa điểm để
“chiến đấu”.
Đình Trung trong cụm di tích làng Đỏ Hưng Dũng - trụ sở của chính quyền Xô Viết xã Hưng Dũng trong thời kỳ cách mạng 1930 - 1931 - vừa là nơi sinh hoạt hội hè, vừa là nơi tổ chức các buổi mít tinh, biểu tình của nhân dân làng Đỏ chống lại sự hách dịch, nhũng nhiễu của bọn quan lại trong làng và đòi các quyền lợi chính đáng về tay mình. Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đình Trung là địa điểm đóng quân bí mật của nhiều đơn vị bộ đội ta.
Nằm ở ngoại ô thành phố, di tích chùa Cần Linh được coi là địa điểm hết sức thuận lợi để xây dựng các trận địa pháo trong thời kỳ chiến tranh phá hoại. Đây là nơi bám trụ của trung đoàn 280, đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 trên bầu trời miền Bắc, góp phần cùng quân và dân thành phố Vinh đánh bại những đòn tấn công bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đã lấy chùa Diệc làm địa điểm để hoạt động yêu nước. Năm 1926, tại đây, thầy và trò trường Quốc học Vinh đã làm lễ cầu siêu cho cụ Phan Chu Trinh và đòi thực dân Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu. Vài
năm sau đó, trong thời kỳ cách mạng 1930-1931, đây là địa điểm ẩn náu bí mật của các chiến sĩ cách mạng, nhất là khi cách mạng thoái trào (1932-1935) và sau khi khởi nghĩa Đô Lương thất bại (năm 1941).
Các di tích lịch sử còn là nơi chứng kiến những sự kiện tiêu biểu của nhân dân thành phố Vinh, của tỉnh Nghệ An. Có những di tích ra đời gắn liền với những sự kiện lớn lao, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tiêu biểu nhất là di tích Phượng Hoàng Trung Đô được vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn làm nơi xây dựng kinh đô của đất nước. Mặc dù Phượng Hoàng Trung Đô chưa được xây dựng một cách hoàn thiện nhưng sự kiên đó đã chứng tỏ vai trò và vị trí của mảnh đất thành Vinh đối với sự phát triển bền vững và lâu dài của dân tộc trong con mắt chiến lược của nhà quân sự thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Năm 1804, thay vì xây dựng thành cổ Vinh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Nghệ An, nhà Nguyễn đã lấy địa điểm này làm căn cứ quân sự và phòng thủ chiến lược để chống sự xâm lược của ngoại bang. Vì thế, trong những năm cuối của thế kỷ XIX, thành cổ Vinh là thành trì chống lại sự tàn phá của thực dân Pháp. Ngày 14/7/1901, nơi đây diễn ra sự kiện quan trọng, đó là cuộc đánh chiếm vào thành Nghệ An của Phan Bội Châu và các đồng chí của ông nhằm vào đúng ngày kỷ niệm nước cộng hoà Pháp. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng nó đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu anh dũng và thái độ cương quyết của nhân dân ta trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Đây còn là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng và chứng kiến sự giam cầm, tra tấn cũng như sự trung kiên, bất khuất của họ, tiêu biểu như: Nguyễn Thị Thanh, Lê Viết Thuật, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Văn Cung…
Là một di tích lịch sử - văn hoá, thành cổ Vinh chứa đựng nhiều giá trị: lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, khoa học và văn hoá.
Thành Vinh là lỵ sở, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự của tỉnh Nghệ An. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, thành cổ Vinh trở thành nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và của đất nước. Đó là nơi nghênh tiếp những
nhà khoa bảng của xứ Nghệ, nơi chứng kiến sự hi sinh anh dũng của những người yêu nước như Hầu Tạo, Đội Cung và các đồng chí của ông, nơi giam giữ những người cộng sản kiên trung, bất khuất; nơi quần chúng nhân dân tổ chức lễ truy điệu cho cụ Phan Chu Trinh và đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, nơi phải ghánh chịu những thiệt hại từ bom đạn kẻ thù. Đặc biệt, trong hai lần về thăm quê, nơi đây là điểm gặp gỡ của chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân, đồng bào tỉnh nhà, chứng kiến những tình cảm xúc động mà Người giành cho quê hương yêu dấu của mình. Trải qua hơn hai thế kỷ, mặc dù vết tích không còn lại nhiều, nhưng thành cổ Vinh vẫn mãi trường tồn với thời gian, vẫn là chứng tích hùng hồn cho một giai đoạn lịch sử đầy bi thương và anh dũng của dân tộc.
Thành cổ Vinh là một trong những thành cổ còn sót lại trên đất Nghệ An, tiêu biểu cho kiến trúc thành luỹ thời Nguyễn. Thành được xây dựng bằng các vật liệu: đá ong, gạch sò, gạch vồ, mật đỏ, vôi vữa… tạo độ bền vững cho công trình. Thành được kiến trúc theo kiểu Vô băng, xây theo hình lục giác gồm 6 cạnh. Từ kết cấu tường thành, hào thành, cổng thành đến việc bố trí các pháo đài, lô cốt, đại bác trong và xung quanh thành đã chứng tỏ đây là một thành luỹ mang tính chất phòng thủ chiến lược. Trải qua bao thời gian, mặc dù đã không còn nguyên vẹn như xưa nhưng thành cổ Vinh vẫn mang dáng vẻ uy nghi, cổ kính và là niềm tự hào của nhân dân thành phố Vinh.
Thành cổ Vinh không chỉ là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của Nghệ An mà nơi đây còn là địa chỉ văn hoá lý tưởng cho nhân dân thành phố. Trong khu vực nội thành có các cơ quan văn hoá như: nhà văn hoá trung tâm tỉnh, sân vận động Vinh, bảo tàng tổng hợp Nghệ An, bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, nhà thi đấu thể dục thể thao… Ngày nay, thành cổ Vinh trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của đại bộ phận nhân dân thành phố Vinh và hàng năm thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến tham quan và tìm hiểu về thành cổ.
Có những di tích vốn là địa điểm đấu tranh trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước trong những thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX như: nhà máy
điện Vinh, ngã ba Bến Thuỷ, ngã ba Quán Lau… Những di tích ghi dấu những sự kiện quan trọng, gắn liền với những vị anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hoá, được nhân dân ngưỡng mộ và tôn vinh như các ngôi đền (đền Hồng Sơn, đền Quang Trung, đền Tiên Cảnh…), các lăng mộ (mộ Đậu Yên, mộ Đậu Khâm, mộ Nguyễn Văn Cung…), những địa điểm là nơi Bác Hồ gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân thành phố Vinh và Nghệ An trong hai lần người về thăm quê (năm 1957 và 1961).
Cụm di tích nhà thờ họ cũng chứa đựng những giá trị lịch sử quý báu. Đó là những dòng họ lớn, nổi tiếng về truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học với những con người có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của lịch sử dân tộc. Trong đó có những người từng giữ những trọng trách trong bộ máy quan lại của triều đình phong kiến, những tấm gương đấu tranh anh dũng và bất khuất. Những dòng họ đó tiếp nối truyền thống của cha ông, ngày nay vẫn sản sinh ra những thế hệ con cháu tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước như: họ Hoàng, họ Uông, họ Nguyễn, họ Phạm…
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những bước thăng trầm, có thời kỳ phát triển đến đỉnh cao nhưng cũng có những thời kỳ suy thoái. Và hệ thống di tích lịch sử - văn hoá với tư cách là những nhân chứng lịch sử, ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã chứng kiến và thậm chí là nơi xuất phát những sự kiện quan trọng, những biến động lớn lao cùng dân tộc. Vì thế, các di tích chứa đựng trong đó những giá trị lịch sử vô cùng quý giá. Chúng mãi mãi trường tồn cùng với sự lớn mạnh của dân tộc, được các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau giữ gìn và phát huy.