Thành cổ Vinh

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 81 - 88)

- Võ Thị Diệu cúng 5 hào

2.6. Thành cổ Vinh

2.6.1. Nguồn gốc lịch sử

Thành cổ Vinh là một công trình kiến trúc tiêu biểu dưới thời Nguyễn, được xây dựng kiên cố vào năm 1831, nằm trên địa phận 2 xã Yên Trường và Vĩnh Yên, tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc, nay thuộc địa bàn các phường Cửa Nam, Đội Cung, Quang Trung của thành phố Vinh, Nghệ An.

Năm 1804, Gia Long ra chỉ dụ cho rời Trấn sở của Nghệ An tõ Lam Thành - Phù Thạch đến xã Vĩnh Yên, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên và xây thành Trấn ở đó. Vì là thủ phủ của Nghệ An nên thành này gọi là thành Nghệ An, nhân dân địa phương gọi là thành Vinh. Mặt khác, do thành được xây theo hình 6 cạnh, trông giống như con Rùa nên còn có tên là thành Con Rùa (thành Qui hình).

Thành phố Vinh thuộc hạ lưu sông Lam, trước đây là một vùng đầm lầy hoang vắng, cây cối rậm rạp, hoang vu. Từ xa xưa, vùng này đã trở thành nơi cư trú của người Việt cổ với một nền văn minh nông nghiệp phát triển khá sớm. Việc phát hiện mặt trống đồng có hoa văn đẹp tại núi Quyết có niên đại cách ngày nay 3000 đến 2500 năm (thuộc văn hoá Đông Sơn) đã chứng minh điều đó. Vùng đất này có một vị trí khá thuận lợi, là đầu mối giao thông quan trọng trên trục đường Bắc Nam cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Từ Vinh có thể sang Lào theo đường 7 và đường 8, lại nằm gần cửa biển, cửa sông nên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự. Theo nhiều tài liệu thư tịch cổ, trải qua các triều đại phong kiến, Vinh có sự biến đổi về địa hình, giới hạn cũng như địa danh.

Thời Âu Lạc (năm 179 TCN), nước ta chia làm hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân, vùng đất Vinh thuộc quận Cửu Chân.

Thời Hán, nước ta có tên Giao Châu, chia làm 9 quận, từ quận chia làm nhiều huyện, Nghệ An lúc đó thuộc huyện Hàm Hoan, sở đóng tại Phù Thạch.

Thời kỳ độc lập tự chủ (năm 938), Đại Việt chia thành 10 đạo, sau đổi thành lộ, phủ, châu. Năm Thiên Thanh thứ 3 đời Lý Thái Tông (1036), lộ Hoan Châu được đổi thành lộ Nghệ An. Các triều đại về sau gọi những vùng đất như thế là trấn, đạo, thừa tuyên. Lam Thành là trấn sở của Nghệ An.

Thời Lê, Vĩnh Doanh được coi là tiền đồn của trấn Nghệ An.

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Vinh là nơi chứng kiến những trận giao tranh ác liệt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Vì vậy, Vĩnh Doanh trở thành nơi tập trung kho tàng về quân lương, quân dụng là địa điểm đóng tân binh và hành dinh cho hiệp trấn để bảo vệ kho tàng.

Thế kỷ XVIII, bằng con mắt của một nhà quân sự chiến lược, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chọn vùng đất Nghệ An làm nơi xây dựng kinh đô, làm gốc rễ sâu bền cho sự phồn thịnh của đất nước. Ông đã giao cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô trên núi Dũng Quyết, thuộc xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc.

Năm 1802, nhà Nguyễn được thành lập. Năm 1804, Gia Long cho xây dựng trấn thành Nghệ An. Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thành Nghệ An được xây dựng lại với quy mô kiên cố hơn, như một pháo đài quân sự với khả năng phòng thủ cao.

Như vậy, ngay từ thời cổ, trung, cận đại và cho đến ngày nay, Vinh luôn được coi là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng và là trung tâm của tỉnh Nghệ An. Chính vì lẽ đó, thành Vinh ra đời nhằm tạo ra một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một tỉnh, làm căn cứ quân sự và phòng thủ chiến lược chống ngoại bang. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, thành Vinh trở thành một thành trì chống lại các phong trào yêu nước của nhân dân nhằm lật đổ triều đình phong kiến lạc hậu, thối nát và đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Đó là chứng tích hùng hồn cho một giai đoạn lịch sử đầy bi thương mà oanh liệt của dân tộc ta.

2.6.2. Kiến trúc

Năm 1804, thành Vinh được xây dựng khá thô sơ, ban đầu là bằng đất, nhà cửa, đồn trại trong thành cũng bằng tranh, tre, vách đá. Đến năm 1831, Minh Mệnh cho xây dựng lại kiên cố hơn bằng đá ong, gạch sò, gạch vồ, mật đỏ.

Thành được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống phương Đông kết hợp với lối kiến trúc thành trì có tính chất phòng ngự phương Tây (kiểu Vô băng). Thành Vinh được nhiều sách sử mô tả khá cụ thể. Trong cuốn “Tìm

trong di sản văn hóa xứ Nghệ [36, 21], tác giả Đào Tam Tĩnh trích dẫn: “Thành tỉnh Nghệ An ở địa phận hai xã Yên Trường và Vĩnh Yên, huyện Chân Lộc, chu vi 603 trượng, cao 1 trượng 1 thước 5 tấc, mở 3 cửa, hào rộng 7 trượng, sâu 8 thước… năm Gia Long thứ 3… đắp thành bằng đất; năm Minh Mệnh thứ 12, đổi xây đá ong”.

Trong khi đó, tác giả Hyppolyte Le Breton trong tác phẩm của mình

“An Tĩnh cổ lục” (Le Vieux An - Tĩnh) [14, 131] đã mô tả: “Thành Vinh hình 6 cạnh, do đó nhân dân gọi là thành “Con Rùa”, chu vi 630 trượng (1 trượng bằng 10 thước, tức là 0, 42 x 10 = 4,20m) cao 1 trượng. Trên tường thành là một tường phụ cao 2 thước 50. Hào thành lúc đầu sâu 8 thước nhưng dần dần bị bồi lấp và hiện nay phần lớn đã thành ruộng. Tường gia cố hào xây bằng đá phiến Bến Thuỷ. Tường thành ngoài được xây bằng đá ong Nam Đàn. Tường thành trong bằng đá sò Phủ Diễn. “Sông đào Vạch” cũng đào đồng thời với khi xây thành, mục đích chính là gia cố cho những hào thành. Công trình này bắt đầu vào năm Gia Long thứ 3 (1803) và hoàn thành năm Gia Long thứ 8 (1809). Kênh đào xuất phát từ kẻ Đước, chảy về Xuân Hồ (hay Nộn Hồ), rồi chảy khoảng 100 m qua phía Nam thành, trước toà sứ, ở đây sông chảy thẳng và sau nhiều khúc quanh sông chảy vào sông Lam… Thành có bốn cổng nhưng cổng Bắc đã bịt lại nếu không sẽ có ma do những ác thần quấy nhiễu”.

Thời kỳ Pháp thuộc, Vinh là lỵ sở của tỉnh Nghệ An, với kết cấu thành cao, hào sâu, với những lô cốt, vọng gác, thành Vinh mang tính chất và ý nghĩa của một công trình phòng thủ chiến lược nhiều hơn là cơ quan hành chính của chính quyền địa phương. Thành Vinh có diện tích 420.000 m2, chu vi 2520 m, bao gồm 2 vòng thành: vòng thành ngoài và vòng thành trong, cách nhau 13,4 m, có 3 cổng: Tiền, Tả, Hữu. Cấu trúc của thành theo hình lục giác có 6 cạnh và 6 góc, mỗi cạnh dài 400m, mỗi góc là một trạm gác.

Vòng thành ngoài gồm 3 phần: móng, thân và nữ tường. Móng tường thành có hình thang, đáy lớn là 1,6 m, đáy bé là 1,08 m, sâu 0,4 m, xây bằng đá xanh. Thân tường thành cao 4,6 m, đến thời Tự Đức xây cao thêm 0,48 m. Tường được xây bằng đá ong với nhiều kích cỡ khác nhau lấy từ Diễn Châu,

Nam Đàn. Tường thành có dạng hình thang, chân tường dày 1,6 m, phía trên dày 1 m. Phía trong thành có bậc thang bằng đất dễ dàng lên xuống. Nữ tường cao 1 m, là những đoạn tường thấp, xây gián đoạn thành ụ trên mặt tường thành, mỗi ụ cách nhau 5 m, có chỗ nhô ra, có chỗ thụt vào để quân lính lợi dụng làm vật che chắn khi canh gác hoặc chiến đấu. Trên mặt tường thành được bố trí khẩu thần công và các công sự chiến đấu.

Vòng thành trong cao 2,68 m, sâu 0,2 m, đáy dưới dày 1,2 m, đáy trên dày 0,92 m, cứ cách 5 m lại xây một ụ đất (nữ tường) cao 1 m.

Trong nội thành xây dựng các công trình: dinh thự của các quan cai trị địa phương, trại lính, nhà giam, lô cốt, bốt gác, nhà kho.

Cổng thành được kiến trúc theo kiểu vòm cuốn (đặc điểm nổi bật của kiến trúc thành luỹ thời Nguyễn), xây bằng gạch đất nung với kích thước mỗi viên dài 30 cm, rộng 15 cm, dày 6 cm. Trên mỗi cổng đều có vọng lâu được kết cấu theo kiểu chồng diêm mái uốn cong, lợp ngói âm dương, phần gỗ được chạm trổ và sơn cẩn thận, bên trong treo trống canh. Lối vào của cổng thành được kiến trúc theo kiểu vòm cuốn bao gồm 3 lớp, lớp ngoài và lớp trong cùng được cuốn dọc, lớp chính giữa cuốn ngang và được xây cao hơn. Phần dưới xây rộng hơn phần trên mỗi bên 12 cm. Các cổng được đóng kín bởi những cánh cửa bằng gỗ lim rất chắc chắn (mỗi cổng có 2 cánh) chỉ mở theo giờ qui định. Mỗi cổng thành đều được bố trí lính gác thường xuyên nên người ngoài không dễ gì đột nhập được. Phía ngoài 3 cổng có xây bờ tròn hình vành trăng gọi là sở luỹ.

Cổng Tiền hướng về phía Nam (hướng về kinh đô Huế). Phần móng xây bằng đá. Mặt trước cửa, ngay chính giữa phía trên lối vào thành được gắn một biển khắc 2 chữ Hán “Tiền môn”. Dọc xuống 2 bên phần thân được đắp khung và trang trí gờ nổi bao quanh, được da trát cẩn thận và quét vôi. Lối vào thành xây theo kiểu vòm cuốn rộng 3,1 m, cao 3,8 m, xây bằng những viên gạch đều đặn, tinh tế, không trát da mà để lộ trần. Phía trên cổng xây viền lan can xung quanh cao 0,75 m. Trên cùng là vọng lâu, xây theo hình vuông, cạnh 3,9 m, cao 2,9 m, 4 góc xây 4 cột trụ vuông có đắp gờ viền, phía trên trụ được xây vươn

ra. 4 mặt đều có cửa mở, xây theo kiểu vòm cuốn, rộng 1,55 m, phần mái làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương. Từ vọng lâu, lính canh có thể phóng tầm mắt nhìn ra 4 phía một cách dễ dàng. (Xem Hình 6, Phụ lục)

Cổng Tả quay về hướng Đông. Phần móng nay đã được lấp kín bởi đoạn đường này được rải nhựa năm 1990, chính giữa phía trên vòm cổng khắc 2 chữ Hán “Tả môn”. Cổng Tả có chiều cao 5,2 m, chiều dài 16,70 m, chiều rộng 8,5 m (lối đi ở giữa rộng 3,1 m). Phần thân cũng được kết cấu như cổng Tiền nhưng phía trước bị hỏng nặng hơn, gạch đã bị sứt vỡ nhiều, không còn nguyên vẹn, mặt trong có nhiều loại cỏ dại mọc lên. Phần vọng lâu đã hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại vết tích là một vài hàng gạch bên dưới. (Xem Hình 7, Phụ lục)

Cổng Hữu quay về hướng Tây, cấu trúc và kích thước giống hệt với cổng Tả, chỉ khác chính giữa phía trên vòm cổng khắc 2 chữ Hán “Hữu môn”. So với 2 cổng Tiền và Tả thì thân cổng Hữu kh«ng còn nguyên vẹn . Phần móng được xây bằng những phiến đá xanh được mãi nhẵn với kích thước phổ biến là 56 x 40 x 15 cm. Phần vọng lâu cũng không còn nữa. Hiện nay, chỉ có bên phải cổng hữu là được mở để đi lại, còn bên trái thì bị rào kín bởi nhà dân. (Xem Hình 8, Phụ lục)

Bên ngoài là một vòng hào thành được đào sâu 3,2 m, rộng 28m. Hai bên bờ hào được xếp đá nhằm chống xói lở. Phần hào 2 bên các cổng và ở giữa mỗi đoạn gấp khúc đều được đào sâu và rộng hơn thành hình cái hồ. Trong hệ thống hào có trồng hoa sen, càng tăng thêm cảnh quan cho thành cổ. Hệ thống hào được nối liền với sông Vĩnh (sông Cửa Tiền) bằng một con ngòi, con ngòi ấy nay không còn. Trước các cổng thành, cách 30 m được xây cầu để thuận tiện ra vào thành. Cầu được xây theo kiểu vòm cuốn với 6 lớp gạch xây nghiêng, vòm cầu dày 0,95 m. Cầu có chiều rộng 4,42 m, chiều cao 2,5 m. Lòng cầu rộng 3,5 m, thuyền có thể qua lại dưới vòm cầu một cách dễ dàng, phần móng được xây bằng đá rất kiên cố.

Hiện nay, toàn bộ thành cổ chỉ còn tồn tại 3 cổng thành và 1 cầu ở phía cổng Hữu, còn hệ thống tường thành hầu như không còn nguyên vẹn nữa, nếu không nói là hư hỏng, bị san bằng gần hết, chỉ còn những đoạn bờ thành bằng

đất ở phía đông. Phía bên ngoài và bên trên bờ thành được người dân xung quanh sử dụng để trồng hoa, rau màu, cây cảnh; bên trong cây cỏ mọc um tùm, rậm rạp, che lấp cả bề mặt của bờ thành. Ba cổng thành tuy không còn nguyên vẹn so với trước đây nhưng vẫn giữ được những nét kết cấu cơ bản. Ba cổng được bố trí trên 3 trục đường chính: cổng Tiền đi theo đường Đặng Thái Thân, đến vườn hoa Cửa Nam thì rẽ phải; cổng Tả đi theo đường Phan Chu Trinh; cổng Hữu đi theo đường Trần Hưng Đạo.

Việc sắp xếp, bố trí các công trình, dinh thự trong thành được nhà Nguyễn quy định chi tiết tới từng bộ phận kiến trúc. Vì xây theo kiểu thành phòng ngự nên ở mỗi góc thành đều được bố trí một pháo đài, bên trong cổng ra vào đều có lô cốt bằng bê tông cốt thép. Trên tường thành, các cổng, bốt gác, lô cốt đều được đặt các khẩu thần công và có lính gác ngày đêm.

Hành cung được xây dựng ở chính giữa bên trong cổng Tiền, là nơi vua ngự triều mỗi khi qua Nghệ An và nơi tập trung của các quan đầu tỉnh mỗi khi hội họp hoặc khi có vua đi qua. Hành cung được xây bằng gạch, đá, cột bằng gỗ lim chạm trổ cầu kỳ những hình rồng, phượng, được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Bên tả hành cung là dinh Tổng đốc, bên hữu là nhà kho. Cột cờ (kỳ đài) nằm ở vị trí đối diện với hành cung. Bên tả của cột cờ là dinh Bố chánh, bên hữu là dinh Án sát.

Bên hữu cổng Tả là dinh Chánh lãnh binh, phía Đông bắc cổng Hữu là dinh Phó lãnh binh, phía Đông cổng Hữu là ngục thất, nơi giam giữ những người chống lại triều đình. Ngục thất gồm một nhà khám và một nhà ngục. Mỗi nhà gồm 3 gian 2 chái, xung quanh xây tường cao 2,48 m. Nhà giam có 12 buồng và một xà lim. Thời thuộc Pháp, đây là nơi giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước trước khi bị đày đi các nhà lao khác.

Ngoài ra, nhà Nguyễn còn cho xây dựng trong và ngoài thành 5 kho thóc, 1 kho tiền, 1 kho súng và 2 trại lính nhằm phục vụ cho bộ máy thống trị của mình.

Trải qua những biến đổi của lịch sử, những công trình, dinh thự trong thành hầu như không còn nữa, chỉ còn 1 bốt gác trại giam cách cổng Hữu vài

trăm mét về hướng đông. Bốt gác xây bằng bê tông cốt thép khá kiên cố. Bốt gác hình bát giác, có 8 cạnh, mỗi cạnh dài 2,1 m, gồm 2 tầng, mỗi tầng cao 3 m; hiện nay, tầng trên đã bị bom đạn phá huỷ.

Ngoài ra, trong khu vực nội thành còn có các công trình như: Sân vận động Vinh xây dựng năm 1977, khánh thành vào năm 1981, nằm trên vị trí của hành cung, ngay trước cổng Tiền đi vào; Đài tưởng niệm Bác Hồ ở vị trí cột cờ; công ty công viên cây xanh ở bên phải cổng Tiền. Ngay sát cổng Tả là Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong toàn tỉnh. Bên cạnh Nhà văn hoá trung tâm là Bảo tàng tổng hợp tỉnh, được xây dựng vào năm 1994, là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật về đất nước, con người, lịch sử và văn hoá của Nghệ An từ xưa đến nay. Hai bên cổng Hữu là trung tâm thể dục thể thao với đầy đủ các phương tiện, nơi rèn luyện sức khoẻ, phát huy tài năng và là nơi thoả mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân thành phố Vinh.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 81 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w