Bố trí nội thất bên trong

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 40 - 43)

Phần này chủ yếu giới thiệu về trang trí nội - ngoại thất ở nhà Bái đường và nhà Thượng điện (2 nhà liền nhau cùng không gian):

Mảnh tường phía Tây nhà Thượng điện, ở gần nóc có treo bức cuốn thư sơn son thiếp vàng, được chạm trổ tinh vi. Vành trên là mặt rồng ngang đội mặt trăng, hai bên là long, ly, quy, phượng nối nhau. Phía dưới cũng rồng chầu phượng múa. Nền cuốn thư khắc chìm 4 chữ: “A-Di-Đà-Phật”, có nghĩa là vô lượng quang - sáng suốt vô cùng, còn có nghĩa: vô lượng thọ - sống lâu vô cùng.

Tiếp đến hàng cột thứ nhất và thứ hai treo hai bức cửa vọng bằng khắc chìm chạm lỗng “long, ly, qui, phượng”, “tùng, cúc, trúc, mai”. Bức cuốn thư và bức cửa vọng treo ở thượng điện là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, vừa có giá trị trang trí, vừa có giá trị nghiên cứu và chiêm ngưỡng.

Tiếp giáp nhà Bái đường và hồi nhà Thượng điện treo hai bức hoành phi khắc chạm viền xung quanh, chữ khắc chìm với nội dung:

- “Từ quang phổ chiếu” Dịch: Ánh sáng đạo Phật. - “Chu ác mạc tàn

Dịch: Điều ác không làm.

Từ ngoài cửa bước vào là hai vị hộ pháp rất tôn nghiêm, tượng cao 1,9 m, làm bằng gỗ mít. Trung tâm nhà Bái đường là vị tượng đức Phật Thích Ca ngự toà sen, cao 2 m. Trước vị tượng đặt án thư và đồ thờ tự, lư hương, cọc đèn đồng.

Hai phía hồi nhà là nơi lưu giữ hàng chục pho tượng, phía trước đặt án thư, có bát hương để hương khói. Trước các vị tượng ở phía hồi bên phải, có đặt trên hương án nhóm tượng cửu long rất sinh động.

Toàn bộ mặt bằng nhà Thượng điện được bố cục bài trí các vị Phật theo thứ bậc một hệ thống dưỡng công đồng, hương án từ cao xuống thấp, gồm 4 bậc được xây bằng vôi gạch. Bậc cao nhất 2,1 m, rộng 1 m; bậc thứ hai cao 1,2 m, rộng 1,8 m (lấy hai hàng cột làm giới hạn). Cuối cùng là hương án bằng gỗ sơn son thiếp vàng.

Các vị tượng xếp theo thứ tự Quá khứ - Đức Phật Di-đà; Hiện tại - Đức Phật Thích Ca; Tương lai - Đức Phật Di lặc. Các vị tượng Đức Phật Quan âm, Đức Phật Thế chí xếp theo thứ tự trên xuống.

Phía trước các hàng tượng Pháp là án thư bằng gỗ dài 1,8 m, rộng 0,65 m, cao 1,2 m, đặt bát hương, cọc đàn, lọ hoa. Cuối nhà Thượng điện là hai giá chuông và giá trống đặt sát tường.

Về ngoại thất, chủ yếu là cây cảnh được bố cục hợp lý, càng tăng thêm quang cảnh thoáng mát, tĩnh lặng cho chùa, tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhõm, thanh tịnh khi bước vào chốn Phật pháp.

Với số lượng gần 100 pho tượng được thờ ở chùa đã thể hiện tính đồ sộ và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của các nghệ nhân tạo tác. Tiêu biểu nhất là pho tượng Đức Phật Thích Ca, tượng cao 2 m, nơi rộng nhất 1,1 m,, làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng (sau này tu sửa lại, phủ nhụ vàng), đặt nơi trung tâm của nhà Bái đường và Thượng điện.

Đức Phật ngự trên toà sen, tay phải kết ấn giơ lên theo “Gia tỳ bổn tôn”, tay trái để trong lòng đùi theo kiểu thiền định, biểu hiện tượng vị lai thế. Đầu tượng gồm một vành tròn nhỏ úp lên, thường gọi là “Vô kiến đỉnh tường”, tướng trên đỉnh không thấy gọi là “Nhục khảo”. Qua u đến phần sọ, trên có từng vòng xoăn tròn nhỏ ngược chiều kim đồng hồ. Đỉnh đầu có búi tóc tròn to tượng trưng cho mặt trời, ánh sáng Phật pháp. Vai của Phật rộng biểu hiện quyền năng giàu có. Lông mày cung tròn (nguyệt my), tượng trưng cho ánh mặt trăng. Đôi mắt nhìn xuống nhằm soi rõi nội tâm. Mũi tượng

thẳng (cân phân), biểu hiện tính thẳng thắn, nghiêm túc, vững chãi. Miệng cân thoáng biểu hiện cứu độ căn thông với cuộc đời và nhân hậu với thế gian. Trên ngực tượng khắc chữ “Vạn” nổi lên biểu hiện về lửa, về sức mạnh của cứu độ chúng sinh. Tượng Phật Thích Ca thể hiện về hiện tại của đạo Phật.

Nhóm tượng cửu long bao gồm 9 pho tượng nhỏ (cao từ 0,20 m đến 0,25 m). Các pho tượng được sắp xếp theo một trật tự nghệ thuật quyện với các hoa văn để vân xoắn hình sóng nước. Đầu rồng quấn lấy nhau rất sinh động. Trong nhóm tượng này có tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh. Theo giáo sư Trần Lâm Biền, lịch sử nhóm tượng này bắt đầu có ở nước ta vào thế kỉ XVI.

Một đặc điểm đáng chú ý, mặc dù số lượng tượng pháp nhiều do hợp tự của 10 chùa trên thành phố, nhưng khi sắp xếp theo hạng thứ bậc từ cao xuống thấp đều hợp lý và đượm màu sắc tôn giáo. Theo nghiên cứu, tượng pháp ở đây có thể có niên đại từ thời Lê.

Tượng pháp thờ trong chùa khá nhiều, do hợp tự của 10 chùa lại nhưng tựu trung chỉ tượng trưng cho các vị sau: Đức Phật Thích ca, Đức Phật Di đà, Đức Phật Di lạc, Đức Phật Quan âm, Đức Phật thế chí, Đức Phật tổ, nhóm tượng cửu long, các tượng hộ pháp. Về kích thước các vị tượng, tượng lớn nhất cao 2 m, tượng nhỏ nhất cao 0,45 m. Các vị tượng đều được khắc tạc bằng gỗ mít.

Hiện vật điêu khắc trong chùa đáng chú ý nữa là chuông đồng. Tất cả có 4 chuông, nhưng chùa Cần Linh chỉ có một. Trên chuông có khắc tên gọi của chùa là “Cần Linh tự chung”. Chuông có kích thước cao 1,1 m (tính từ đỉnh quai), đường kính nơi rộng nhất (chân chuông) là 0,55 m, trọng lượng 80 kg. Quai chuông là hai con rồng quấn lại với nhau, hai đầu về hai hướng. Thân rồng bám vào đỉnh chuông rất chắc khoẻ nhưng không nặng nề. Nhìn chung, phương pháp trang trí chủ yếu là dùng các đường chỉ nổi to nhỏ khác nhau, hoặc là chạy song song, hoặc là gấp khúc, hoặc dấu nhân, nhưng được in đậm, tạo vẻ sinh động, nhất là ở phần chân chuông. Đây là một cổ vật và chứng tích sinh động của chùa Cần Linh.

Từ sự trang trí nội thất, bộ sưu tập tượng pháp và cảnh quan ngoại thất được bố trí hợp lý, cho thấy, chùa Cần Linh là một sự thống nhất và hoàn thiện về duyên cách địa lý, về bố cục kết cấu và kỹ thuật xây dựng, làm cho ngôi chùa không những có giá trị lịch sử, đặc biệt là điêu khắc nghệ thuật, mà còn là một di sản vô giá đóng góp cho kho tàng văn hoá tỉnh nhà và làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân tộc.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w