Đặc điểm kiến trú c điêu khắc

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 28 - 30)

Mỗi di tích là một công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu cho một hay nhiều giai đoạn phát triển của kiến trúc nghệ thuật của dân tộc. Cùng với sự đa dạng về loại hình, mỗi loại di tích có những đặc điểm kiến trúc - điêu khắc riêng biệt. Tuy nhiên, dù là đình, đền, chùa, miếu hay nhà thờ họ thì ít nhiều vẫn mang phong cách kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam.

Yếu tố đầu tiên khi xây dựng một công trình kiến trúc cổ đó là cần có một vị trí đẹp, cao ráo, có thể là nơi hội tụ linh khí của trời đất với không gian thoáng đãng, yên bình. Điều này xuất phát từ điều kiện tự nhiên, khí hậu của đất nước và triết lý sống của người Việt là lối sống hài hoà với thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên. Cũng chính vì lẽ đó, các công trình kiến trúc thường có sự kết hợp của “kiến trúc đóng”“kiến trúc mở” chứ không chỉ đơn thuần là “kiến trúc đóng” của phương Tây. Một công trình kiến trúc là sự tổng hợp của các thành phần nhà cửa, sân vườn, ao, hồ được bao quanh bởi hàng rào hoặc tường xây, thể hiện nguyên tắc khép kín. Nhưng trong sự khép kín lại có tính mở. Trước hết là sự hoà quyện với thiên nhiên, từng kiến trúc cụ thể có kết cấu riêng song không tách rời nhau, không có ranh giới dứt khoát, lúc nào cũng gần gũi với tự nhiên.

Một công trình kiến trúc dù quy mô lớn hay nhỏ đều được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên êm đềm, thoáng đãng. Cảnh quan thiên nhiên làm nền cho công trình kiến trúc. Kết cấu thường có sự kết hợp hài hoà giữa âm và dương, có trước có sau, có cảnh trí hai bên cân đối. Hầu hết các công trình kiến trúc thường không đồ sộ mà có quy mô vừa và nhỏ. Bố cục giản dị, mộc

mạc, nhẹ nhàng, thanh thoát, ít có những hình thức nặng nề, loè loẹt, rườm rà, phô trương.

Chùa là kiến trúc Phật giáo nhưng Phật giáo du nhập vào nước ta trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang đô hộ, nhân dân phải chịu cảnh sống nô lệ, bần hàn. Đạo Phật với tư tưởng “từ, bi, hỷ, xả” đã trở thành một nguồn an ủi vô cùng lớn lao, một chỗ dựa về mặt tinh thần. Theo đó, chùa cũng mang tính dân gian của người dân Việt Nam.

Đền, chùa thường được xây dựng ở trên mảnh đất hội tụ khí thiêng của trời đất, vị trí đẹp, hài hoà giữa các yếu tố: thiên, địa, nhân, có khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng. Kiến trúc chùa thường bao gồm cổng tam quan, sân chùa, nhà bái đường, chính điện và hậu đường. Ngoài ra, còn có vườn cây, vườn hoa, giếng, ao, hồ sen. Với sự kết hợp của cảnh quan thiên nhiên, các ngôi chùa thường đem lại cho con người cảm giác nhẹ nhõm, thư thái, thanh tịnh. Về đại thể, kiến trúc bên ngoài của đền cũng có những đặc điểm cơ bản giống với chùa, chỉ khác về nội dung thờ cúng và trang trí nội thất.

Khác với đền, chùa thì đình thường lấy vị trí trung tâm, có kiến trúc đơn giản hơn. Đình thường là một ngôi nhà to, rộng, có 3 đến 5 gian, dựng bằng những cột lim tròn, to và thẳng. Vì, kèo ngang dọc làm bằng gỗ lim, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói mũi hài. Gian giữa có bàn thờ thờ Thành hoàng làng, có một chiếc trống cái để dùng khi tập trung quần chúng hội họp. Phía trước đình là một khoảng sân rộng, là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của làng. Đình có quy mô to nhỏ, trang trí tinh xảo, phong phú hay mộc mạc, khiêm tốn tuỳ vào điều kiện kinh tế của địa phương và sự đóng góp của nhân dân.

Miếu có quy mô nhỏ hơn đền, thường toạ lạc nơi yên tĩnh, thiêng liêng, xa khu dân cư, là nơi yên nghỉ của các vị thánh thần. Miếu thường có 3 gian, không có nhà tả, hữu, sân nhỏ, không có tam quan. Đối tượng thờ cúng rất đa dạng. Miếu cũng là nơi thờ những người có công với non sông, đất nước.

Kiến trúc đình, đền, chùa, miếu thường đơn giản, khiêm nhường chứ không to lớn, xa hoa, cầu kỳ. Kết cấu gỗ là rường cột chính của các công trình kiến trúc này. Các thành phần kèo, cột kết cấu theo kiểu chồng rường, giá

chiêng, vì kèo. Đường nét hoa văn được chạm trổ công phu, cách điệu, tạo sự uyển chuyển, mềm mại mà vẫn nghiêm trang, cổ kính. Mái, tường, cửa, cột, khoảng cách trong ngoài được bố trí hợp lý, hài hoà. Phần mái thường được uốn cong, thanh thoát ở 4 đầu, tạo cảm giác bay bổng cho toàn bộ kiến trúc vốn thấp, phát triển theo tuyến dài hơn là chiều cao và bớt đi vẻ nặng nề của kết cấu gỗ.

Kiến trúc nhà thờ họ có quy mô nhỏ, thường làm một tầng, 3 gian lợp ngói, trang trí nhiều hoa văn rồng, phượng. Việc xây cất nhà thờ họ cũng được tuân theo luật phong thuỷ, dựa vào thế đất, có thanh long, bạch hổ, có dòng sông làm minh đường. Nhà thờ họ được đặt trong một khuôn viên có hàng rào bao quanh với nhiều cây hoa, cây cảnh. Kết cấu nói chung là kiểu chồng rường theo kiến trúc dân gian truyền thống. Gian giữa đặt bàn thờ chính thờ vị tổ của dòng họ, có bài vị đặt trên một ngai vàng, xung quanh là có đèn, nến, hương hoa, có thể có những kỷ vật cổ xưa, sắc phong của vua chúa. Hai bên là những bàn thờ thờ những vị danh nhân của dòng họ. Phía trước có sân rộng để tiến hành nghi lễ và tụ họp con cháu vào những ngày lễ, giỗ của dòng họ. Quy mô, kiến trúc của nhà thờ họ phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi gia đình trong dòng họ và theo địa vị xã hội của những người vai vế trong họ.

Thành luỹ được xây dựng theo kiến trúc phòng ngự, phục vụ chủ yếu cho mục đích quân sự, quốc phòng. Bố cục thành luỹ có các hình dạng khác nhau: hình vuông, hình đa giác… Vật liệu xây dựng phong phú gồm: đất, đá ong, gạch, vôi vữa… Kiến trúc lăng mộ là những công trình lăng tẩm, mộ táng của những anh hùng dân tộc, những người có công lao to lớn với dân với nước.

Mỗi công trình kiến trúc là kết quả của một quá trình lao động cực nhọc mà đầy sáng tạo của nhân dân ta qua từng thời kỳ lịch sử, thể hiện sự tài hoa, trình độ thẩm mỹ, điêu khắc của cha ông trong lịch sử.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w