Các công trình kiến trúc

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 95 - 105)

- Võ Thị Diệu cúng 5 hào

2.7.2. Các công trình kiến trúc

Làng Đỏ Hưng Dũng là một di tích cách mạng thuộc thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, quần tụ nhiều di tích hợp thành, bao gồm: đình Trung, Dăm Mụ Nuôi, cây Sanh chùa Nia, nhà ông Nguyễn Hữu Diên, nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, thuộc xã Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đình Trung: (Xem Hình 9, Phụ lục)

Đình nằm ở giữa trung tâm xã Hưng Dũng (nên gọi là Đình Trung), nay ở số 4, đường Nguyễn Duy Trinh, phường Hưng Dũng.

Đình Trung được xây dựng vào năm Ất Tỵ (1843), lúc đầu được lợp bằng tranh, đến năm 1928, đình được tu sửa và lợp bằng ngói vảy, nền lát

gạch. Đình Trung được xây dựng trên một khu đất rộng, đình 5 gian, phía trước có cổng vào, phía sau có sân tế. Ngày xưa, đình được xây dựng để dùng nơi làm việc của bọn hương hào chức sắc trong làng. Đình được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, nhà tứ trụ, mỗi cột cao 4m. Toàn bộ Đình Trung dài 12m, rộng 4m, ở trong thưng ván, xung quanh có bao lơn chạy quanh. Đình Trung tuy không nguy nga, tráng lệ nhưng vững chãi, uy nghiêm. Đình có nhiều cột to tròn làm bằng gỗ lim, đường hạ, vì, kèo đều được chạm trổ tinh vi, mái lợp ngói vảy.

Đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi tổ chức hội hè, tế lễ và là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử của nhân dân Hưng Dũng từ bao thế kỷ nay. Tại đây vào năm 1929, nhân dân Yên Dũng đã nổi dậy đánh gãy chân tên cai tổng Yên Trường là Nguyễn Trung Hợp, đã cấu kết với thực dân Pháp cướp ruộng đất làm sân bay và đòi chúng trả lại đất cho nhân dân. Quan phủ Phan Hữu Văn về làm việc tại làng cũng bị nhân dân bắt giam.

Trong thời kỳ cách mạng 1930 - 1931, Đình Trung là nơi dân nghèo Yên Dũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống sưu cao, thuế nặng. Tháng 3/1930, chi bộ Hưng Dũng ra đời, phong trào Xô viết trong làng nổ ra khắp nơi, chính quyền địch dần dần tan rã. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân toàn xã đã tập trung tại Đình Trung cùng với hàng nghìn nhân dân các vùng lân cận thị xã Vinh – Bến Thuỷ tổ chức cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/5/1930.

Ngày 30/8/1930, cũng tại Đình Trung, nhân dân làng Đỏ đã bắt bọn hào lý trong làng phải giao lại triện và sổ sách, lập nên Xã bộ nông – một hình thức của chính quyền Xô viết. Từ đây, Đình Trung trở thành trụ sở của chính quyền Xô viết Hưng Dũng. Chính quyền Xô viết đã giải quyết những vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hoá, thoả mãn được nguyện vọng của dân chúng. Mọi sinh hoạt hội hè, mít tinh… đều lấy Đình Trung làm trụ sở. Khi phong trào tạm thời lắng xuống, thực dân Pháp tập trung mọi lực lượng để khủng bố phong trào và Xứ uỷ Trung kỳ hiện đang đóng ở Hưng Dũng. Chúng đã lấy Đình Trung làm nơi đóng đồn, nơi tạm giam và tra khảo các chiến sỹ cộng

sản, trong đó có các đồng chí cán bộ của Đảng như: Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật, Nguyễn Viết Hanh, Nguyễn Lợi…

Tháng 3/1935, tại Đình Trung, Tỉnh uỷ Nghệ An đã tiến hành Đại hội đại biểu Tỉnh Đảng bộ. Đình Trung cũng là nơi nhân dân Yên Dũng giành được chính quyền cách mạng vào tháng 8 năm 1945 và cũng là trụ sở đầu tiên của chính quyền cách mạng. Tháng 4/1946, Tỉnh uỷ Nghệ An mở lớp bồi dưỡng cán bộ Đảng tại đây. Tháng 11/1946, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ IV tổ chức tại Đình Trung gồm 45 đại biểu, cùng dự đại hội có đồng chí Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Quốc Việt.

Trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đình Trung là một “Địa chỉ đỏ” của bao lớp thanh niên được nhân dân tiễn đưa lên đường đánh giặc cứu nước. Năm 1964, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhiều đơn vị bộ đội đã đến đóng ở Đình Trung. Không quân Mỹ đánh vào làng và triệt hạ toàn bộ ngôi đình. Năm 1976, với những gì còn sót lại và dựa vào cấu trúc của ngôi đình cũ, Đảng bộ và nhân dân Hưng Dũng đã dựng nên một ngôi đình mới giống như ngôi đình ngày xưa.

Đình Trung là biểu tượng lịch sử của một trong những địa điểm di tích được xếp hạng của làng Đỏ Hưng Dũng. Để bảo lưu giá trị lịch sử và giáo dục cho thế hệ mai sau, nhân dân Hưng Dũng đã cho xây dựng thêm ngôi nhà truyền thống bên cạnh Đình Trung như ngày nay.

Nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến:

Là một trong những địa điểm di tích thuộc cụm di tích làng Đỏ Hưng Dũng, nằm ở phía Đông xã Hưng Dũng. Nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến nằm trên một khu đất 2 sào Trung bộ, xung quanh cây cối um tùm, sau nhà là bãi tha ma ít người lui tới. Địa thế có nhiều thuận lợi để đảm bảo cho Xứ uỷ Trung kỳ hoạt động một cách bí mật, nhất là bảo toàn lực lượng và tài liệu khi địch đến.

Gia đình trước đây gồm hai ngôi nhà, nhà chính dài 11m, rộng 4m, tứ trụ đều bằng gỗ lim, mái lợp tranh, xung quanh thưng ván. Khi cơ quan ấn loát của Xứ uỷ Trung kỳ chuyển về đây, 2 gian nhà ngoài được dùng làm nơi in ấn tài liệu, 3 gian trong là nơi nghỉ ngơi của cán bộ ấn loát, nhà có 2 cửa

thông ra sau để chạy ra bãi tha ma. Trong nhà còn có một số dụng cụ: bàn ghế, phản, chõng tre đều nằm trong thời gian Xứ uỷ Trung kỳ làm việc.

Tháng 3/1930, cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ chuyển về Hưng Dũng hoạt động. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Xứ uỷ Trung kỳ như: Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Nguyễn Đình Cẩn, Nguyễn Lợi đã chọn nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến – người từng làm công nhân bưu điện cho thực dân Pháp rất có cảm tình với cách mạng, để làm cơ quan ấn loát.

Tại nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, nhiều truyền đơn, báo chí của Xứ uỷ Trung kỳ như: Báo Xích, Báo lao khổ, truyền đơn kêu gọi đấu tranh ngày 1/5/1930 được in. Ngoài công việc in ấn tài liệu, đây còn là địa điểm che dấu, nuôi nấng cán bộ về làm việc tại Xứ uỷ Trung kỳ, trong đó có những đồng chí như: Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Mao, Lê Viết Thuật.

Trong những ngày Xứ uỷ Trung kỳ làm việc, những người trong gia đình ông Nguyễn Sỹ Huyến đều làm công tác bảo vệ, nấu cơm, phục vụ cán bộ, mua sắm vật liệu in ấn, chuyển toàn bộ công văn tài liệu xuống cơ sở. Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã đến gia đình ông để đàn áp, nhà cửa bị phá dỡ, bản thân ông bị đi tù và tra khảo ở nhà lao Vinh.

Hiện nay, ngôi nhà chính đã được thay thế bằng nhà ngang. Ngôi nhà nhỏ đã bị thực dân Pháp đốt phá trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Ngôi nhà đã được lợp bằng ngói, hình dáng và mọi đồ vật vẫn được giữ nguyên như cũ. Hàng năm, nhiều đồng chí Xứ uỷ Trung kỳ từng được gia đình nuôi nấng đã về thăm lại ngôi nhà này.

Nhà ông Nguyễn Hữu Diên:

Là một địa điểm di tích thuộc cụm di tích làng Đỏ Hưng Dũng. Ngôi nhà được xây trên một khu đất rộng 2 sào, bao gồm một nhà lớn 3 gian và một nhà nhỏ 2 gian. Nhà lớn dài 7 m, rộng 4 m, tứ trụ đều bằng gỗ, kèo tre, mái lợp tranh, xung quanh thưng phên tre, có một cửa lớn chạy ra sau vườn. Gian ngoài có kê một bộ phản, một yên thư làm nơi hội họp và in ấn tài liệu; gian trong dùng để nghỉ ngơi. Nhà nhỏ thường là nơi ăn uống, ấu thạch, khi

đông người cũng có thể nghỉ ngơi. Hai gian nhà có một cửa thông với nhau, khi cần thiết có thể chạy ra sau vườn để bảo toàn lực lượng.

Năm 1930, khi cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ chuyển về Hưng Dũng hoạt động, nhà ông Nguyễn Hữu Diên được chọn làm địa điểm ấn loát. Thời gian này có các đồng chí Nguyễn Viết Hanh, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Nhung, cụ Điều đã về làm việc tại đây. Tại Nhà ông Nguyễn Hữu Diên, những tin tức, chỉ thị, báo chí của Đảng được in và chuyển xuống các cơ sở. Nhiều tờ báo của Xứ uỷ Trung kỳ như: báo Lao khổ, báo Tiến lên… được in tại đây. Đây là một trong những cơ sở in ấn lâu nhất của Xứ uỷ Trung kỳ, chỗ ấn loát đóng trong một gian nhà lớn. Các dụng cụ ấn loát như: nồi đồng, mực, giấy được mua từ chợ đem về. Sau khi bị thực dân Pháp phát hiện, chúng đã đàn áp cơ quan ấn loát của Đảng. Chúng tịch thu một số dụng cụ ấn loát, bắt nhiều đồng chí trong cơ quan ấn loát. Chúng còn phát hiện và đào bới được một chum tài liệu chôn dưới gốc cây chay.

Đây không chỉ là nơi ấn loát của Xứ uỷ Trung kỳ mà còn là nơi nuôi dấu cán bộ của Đảng. Các thành viên trong gia đình ông Diên đều tham gia hoạt động cách mạng. Ông Nguyễn Hữu Thu (cha ông Nguyễn Hữu Diên) đã canh gác cho cơ quan ấn loát hoạt động, để che mắt địch, ông thường ngồi đan rổ trước cổng. Bà Diên là người liên lạc mua bán giấy mực phục vụ cơ quan ấn loát chuyển tài liệu qua đường bộ. Ông Diên là người con trai cả trong gia đình làm nghề kéo xe tay, đưa các tài liệu, truyền đơn xuống các cơ sở Đảng. Bà Thiu hàng ngày nấu cơm phục vụ cán bộ ấn loát..

Sau khi thực dân Pháp lùng bắt cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ, chúng đã bắt cả gia đình ông Diên đi giam. Năm 1950, ghi nhận những cống hiến lớn lao cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã công nhận gia đình ông Diên là gia đình có công với nước.

Sau khi bị thực dân Pháp đàn áp, ngôi nhà làm việc của cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ đã bị đốt. Toàn bộ tài sản trong gia đình bị tịch thu. Hiện nay, khu vực đó đã được xây lại một ngôi nhà ngói của con ông Diên. Toàn bộ di tích chỉ còn lại cây chay - nơi chôn chum tài liệu, khu vườn trước đây nay có

nhiều gia đình đến ở. Hàng năm, nhiều đồng chí cán bộ lão thành một thời làm việc ở đây đã về thăm gia đình và nơi làm việc khi xưa.

Cây sanh chùa Nia: (Xem Hình 10, Phụ lục)

Cây sanh chùa Nia là một bộ phận trong tổng thể di tích làng Đỏ Hưng Dũng, trước đây là một vùng đất rộng khoảng 5 mẫu. Ở đây, nhân dân đã trồng một cây sanh cao 15m, đi từ xa có thể trông thấy, cành lá sum suê, che bóng mát cho chùa Nia. Chùa Nia là một ngôi chùa nhỏ thuộc làng Yên Dũng Thượng, nay là Hưng Dũng - thành phố Vinh, chùa có 2 gian thờ Phật không rõ tên. Trước khi chưa có Đảng, hàng năm nhân dân trong làng và vùng lân cận thường tập trung ở đây vào những ngày rằm, mồng một, ngày tết, tổ chức lễ cầu yên. Bọn hào lý thường đến đây chè chén hạch sách nhân dân, khiến nhân dân vô cùng căm phẫn. Sau này, tên địa chủ Thừa Ba đã cất nhà trên vùng đất đó. Đây là vùng đất không canh tác, giao thông thuận lợi, lại ở vị trí trung tâm xã nên trong thời kỳ 1930-1931, chi bộ Đảng đã chọn địa điểm này làm nơi đấu tranh cách mạng của quần chúng.

Tháng 2/1930, nông dân Yên Dũng đã đứng lên đấu tranh đòi tên Thừa Ba - tên địa chủ giàu nhất làng trả lại ruộng đất, tô tức cho nông dân. Thừa Ba là một tên địa chủ có 70 mẫu ruộng, chuyên bóc lột mồ hôi và nước mắt của nhân dân trong lúc nhân dân không có ruộng để cày cấy, lại phải chịu sưu cao thuế nặng. Ngày 2/3/1931, nhân dân đã cắm cờ lên cây sanh chùa Nia, cùng với hàng ngàn nông dân ở vùng phụ cận và công nhân nhà máy Trường Thi kéo đến nghe diễn thuyết và bao vây nhà tên Thừa Ba, buộc tên địa chủ phải đem tiền, thóc, gạo của mình phân phát cho dân nghèo.

Sau đó, chi bộ Đảng Hưng Dũng tiếp tục động viên quần chúng tập trung tại cây sanh chùa Nia rồi kéo đến nhà bọn hào lý trong làng, đòi trả tiền và ruộng cho dân nghèo. Không dừng lại ở đó, nhân dân còn đi lùng bắt những tên hào lý, buộc chúng xóa bỏ tô tức, các giấy tờ ghi nợ bất công cho nhân dân trong làng, giao toàn bộ chính quyền cho Xã bộ nông.

Cũng tại đây, để ủng hộ làng Song Lộc - nơi đã giết tên tri huyện Tôn Thất Hoàn, thực dân Pháp đang tìm cách đàn áp nhân dân, chi bộ Đảng Hưng

Dũng đã tổ chức cuộc mít tinh tại cây sanh chùa Nia, rồi kéo xuống đền Trìa phối hợp với nhân dân phụ cận và nhân dân Lộc Đa nhằm chia lửa và phân tán sự đàn áp của kẻ thù.

Ngày 1/5/1931, thực dân Pháp đã phong toả lực lượng vùng Vinh - Bến Thuỷ và Hưng Dũng nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình của công nông. Tuy vậy, chi bộ Đảng Hưng Dũng vẫn tổ chức và vận động quần chúng tập trung tại cây sanh chùa Nia vào sáng ngày 22/5/1931 nhằm tố cáo chính sách tàn bạo của thực dân Pháp, sau đó kéo đi diễu hành thị uy xung quanh xã nhằm củng cố tinh thần đấu tranh cho quần chúng khi thực dân Pháp đang ra tay đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Những cuộc đấu tranh này đã góp thêm ngọn lửa trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Cây sanh chùa Nia trở thành nơi treo cờ, nơi tổ chức mít tinh, hội họp của nhân dân Hưng Dũng trong các thời kỳ cách mạng 1936-1939, 1940-1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Chùa Nia là nơi thờ tự nhưng qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử nay không còn nữa, nhưng cây sanh vẫn được chăm sóc tươi tốt. Hiện nay, cây sanh nằm trong khuôn viên trường Công nhân kỹ thuật 3 (nay là Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh), xung quanh cây sanh được xây bao thành một sân nhỏ và cũng là nơi sinh hoạt truyền thống của nhà trường.

Cây sanh chùa Nia là một di tích lịch sử cách mạng, được xếp hạng số 84 theo quyết định ngày 27/4/1990 của Bộ Văn hoá Thông tin, Thể thao và Du lịch.

Dăm Mụ Nuôi:

Dăm Mụ Nuôi là một địa điểm di tích nằm ngoài bìa làng, phía Đông xã Hưng Dũng. Nơi đây có Lăng Đức Thánh thờ vị tướng Yên Lâm theo truyền thuyết là có công đánh giặc giữ nước; có hai ngôi mộ tròn ( mộ của Yên Lâm hầu và mộ con ngựa của ngài); một ngôi đền có nhà Thượng điện 1 gian và nhà bái đường 3 gian lợp ngói vảy, ở cổng có “Tắc môn” hình con hổ, có hai cột ở cổng có Nghê chầu và 2 câu đối. Tương truyền, Dăm Mụ Nuôi và

Lăng Đức Thánh lúc bấy giờ là nơi linh thiêng, những người già kể lại rằng, ai đi qua đó không giám nhìn vào lăng, lá vàng rơi không ai dám nhặt.

Theo bác Huấn, một người dân gốc ở xóm Xuân Hùng kể lại: trước đây, vùng này cây cối rậm rạp, là một gò đất kéo dài từ xóm Xuân Tiến đến xóm Xuân Hùng, có chiều dài khoảng 700m, chiều rộng khoảng 400 m (như thế, diện tích của vùng này khoảng 2800 m2). Đây từng là nơi hoạt động bí mật của bộ đội ta, nơi hội họp của nhiều chiến sĩ cộng sản và từng có một bệnh viện ở đây. Thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây cũng diễn ra một trận địa pháo khá quyết liệt. Trước đây, ở đây chủ yếu là những cây phi lao cao lớn, thân cây to một người ôm không xuể. Nay người ta đã chặt hết để lấy đất xây dựng nhà cửa.

Là chốn linh thiêng và có cây cối rậm rạp nên Dăm Mụ Nuôi được chọn làm nơi thành lập chi bộ Đảng. Ngày 5/3/1930, hội nghị thành lập chi bộ Đảng Hưng Dũng được tổ chức tại Lăng Đức Thánh, gồm các đồng chí:

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở thành phố vinh, nghệ an (Trang 95 - 105)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w