- Võ Thị Diệu cúng 5 hào
2.6.3. Vai trò của Thành cổ Vinh trong tiến trình lịch sử
Thành cổ Vinh là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Là một lỵ sở để nhà nước phong kiến thiết lập và thi hành thể chế chính trị của mình, mỗi khi đi qua vùng Nghệ An, nhà vua đều được nghênh tiếp một cách long trọng, đúng nghi thức tại hành cung. Cứ sau mỗi kỳ thi Hương, thi Hội, thành cổ Vinh được vinh dự đón tiếp các bậc đăng khoa của quê hương, tiêu biểu trong số đó như: Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc… Để chống lại chế độ cai trị hà khắc của triều đình phong kiến, nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân nổ ra ở khắp nơi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Hầu Tạo (Lê Hữu Tạo) năm 1818. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị hành quyết ngay trong thành Nghệ An. Năm 1831, thành được xây dựng kiên cố hơn với thành cao, hào sâu để phát huy vai trò là một trung tâm chính trị, quân sự của Nghệ An.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Thành cổ Vinh trở thành cơ sở quân sự và phát huy vai trò phòng thủ chiến lược. Lúc này, Tổng đốc Nghệ An là Võ Trọng Bình ý thức được tầm quan trọng của thành
Vinh đã cho đắp thêm một vành đai đất bao quanh thành Vinh, tăng thêm khả năng cơ động và phòng thủ của thành. Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh đó, triều đình Huế đã chọn giải pháp chủ hoà để bảo vệ lợi ích vương triều, Tổng đốc Võ Trọng Bình bị điều đi nơi khác. Tháng 7/ 1885, thực dân Pháp tiến công vào thành Nghệ An với 3 tàu chiến do viên đại tá Sô mông chỉ huy. Sau mấy phát đại bác uy hiếp, thành Nghệ An nhanh chóng rơi vào tay Pháp. Thành Vinh bỗng nhiên trở thành mục tiêu tấn công của các phong trào yêu nước của nhân dân Nghệ An. Ngày 14/7/1901, đúng vào ngày kỷ niệm nước cộng hoà Pháp, Phan Bội Châu và các đồng chí của mình tiến hành đánh chiếm thành. Nhưng do cánh nội ứng sai hẹn nên cuộc khởi nghĩa không thành. Mặt khác, do được sự giúp đỡ của Tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn nên cuộc khởi nghĩa đã tránh khỏi được những tổn thất.
Ngày 5/2/1918, bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái chủ tịch Hồ Chí Minh), một người hoạt động trong tổ chức Quang phục Hội, đã phối hợp với Nguyễn Kiên lấy trộm vũ khí trong doanh trại địch để giúp nghĩa quân đánh úp thành. Sự việc bại lộ, bà bị bắt và giam trong nhà lao Vinh, sau bị đày đi nơi khác.
Tháng 5/1926, đông đảo nhân dân thành phố đã tập trung ở ngoài thành tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và sau đó là cuộc đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu.
Trong phong trào cách mạng 1930 – 1931, thành Vinh là nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt và anh dũng của quần chúng nhân dân. Nhưng vài năm sau đó, nó phải chứng kiến sự giam cầm, tra tấn của thực dân Pháp và sự trung kiên, sáng suốt của các chiến sỹ cách mạng yêu nước như: Lê Viết Thuật, Nguyễn Văn Lục…
Ngày 13/1/1941, Đội Cung đã cùng các đồng chí của mình chiếm đồn chợ Rạng - Đô Lương, rồi tiến về Vinh đánh chiếm thành Nghệ An. Sự việc bại lộ, ông và các đồng chí của mình đã hy sinh ngay trong thành Vinh. Để tưởng nhớ sự kiện này, nhân dân đã cho xây dựng mộ và bia tưởng niệm Đội Cung ở bên cạnh cổng Hữu.
Sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, thành cổ Vinh cùng nhiều công trình kiến trúc khác trở thành di sản văn hoá do quần chúng nhân dân quản lý.
Đặc biệt, trong hai lần về thăm quê hương (năm 1957 và 1961), Bác Hồ đã gặp gỡ, nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo, chính quyền và cán bộ, nhân dân thành phố Vinh ngay trong thành. Hiện nay, trong nội thành có một đài kỷ niệm để ghi lại sự kiện này.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, thành cổ Vinh cũng như nhiều công trình khác bị phá dỡ để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Kháng chiến chống Mỹ, thành cổ Vinh lại gánh chịu những thảm hoạ nặng nề của bom đạn kẻ thù. Dĩ nhiên, dáng dấp thành cổ đã không còn nguyên vẹn như xưa. Đất nước được thống nhất, thành cổ Vinh trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần, vui chơi, giải trí của nhân dân thành phố.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thành cổ Vinh thực hiện tiêu thổ kháng chiến nên các công trình, dinh thự trong thành đều bị phá dỡ để sơ tán triệt để. Hoà bình lập lại (1954), một số cơ quan như: Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh, Ty văn hoá, thông tin về đóng lại trong thành. Năm 1963, bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh được xây dựng để kỷ niệm cao trào cách mạng 1930-1931. Một số hộ dân cư cũng xây dựng nhà cửa ở phía ngoài tường thành.
Trong thời kì chiến tranh phá hoại, do sự tàn phá ác liệt của đế quốc Mỹ, các cơ quan và nhân dân thành phố Vinh lại phải dời đi sơ tán. Năm 1973, chiến tranh kết thúc, thành phố Vinh trở thành một đống gạch vụn, thành cổ Vinh và nhiều công trình khác trong thành phố bị tàn phá nặng nề, nhiều gia đình không còn nhà ở. Để bước đầu ổn định đời sống nhân dân, nhiều gia đình đã được cấp một phần đất trong khu vực nội thành Vinh. Dần dần, do sự gia tăng dân số và nhu cầu nhà ở ngày càng cao, các hào thành đã bị san lấp để mở rộng diện tích một cách không theo quy hoạch. Các cơ quan: Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh được chuyển ra khỏi khu vực nội thành, trong thành có các cơ quan: Ty văn hoá, Ty thông tin, bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Ty thể dục thể thao, Đài phát thanh, trường phổ thông Quang Trung.
Năm 1998, Thành cổ Vinh đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích quốc gia theo quyết định số 95/1998 Bộ VHTT ngày 24/1/1998. Năm 2004, UBND Thành phố đã triển khai dự án tu bổ, phục hồi 3 cổng thành.