Trước đây, chùa Diệc được biết đến là một ngôi chùa có cảnh quan thiên nhiên đẹp bậc nhất và lớn nhất trong hệ thống chùa trên đất Nghệ An. Thế nhưng, trải qua bao thời gian, do tác động của khí hậu, hậu quả của chiến
tranh mà chùa Diệc đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Hiện tại chỉ còn lại cổng tam quan không còn nguyên vẹn, một số tượng Phật và hai tấm bia. Hơn nữa, do sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các cấp quản lý mà diện tích của chùa bị xâm lấn một cách nghiêm trọng, trái phép.
2.2.1. Nguồn gốc
Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ tài liệu viết về nguồn gốc ra đời cũng như quá trình tồn tại của chùa: Thửa xưa, cánh đồng màu ấy có nhiều ao chuôm do bà con nông dân đào để lấy nước tưới đất canh tác. Bỗng một năm hạn hán lớn, ao chuôm khô sạch nước, cá tôm chết xơ xác, chim chóc trốn biệt đi nơi khác, đồng điền quạnh vắng, chỉ có gió nam thổi mù mịt đất cát. Nhưng rất lạ, chỉ sau một đêm ngủ dậy, người ta thấy có diệc bay về rất nhiều, diệc chen chúc nhau ở các lòng ao, lòng chiêm khô nẻ đất. Trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm vần vũ mây đen và giông tố nổi lên. Mưa xối xả, đồng ruộng được tươi mát, ao chuôm đầy ắp nước, bà con nông dân sung sướng kéo nhau ra đồng, ngạc nhiên thấy cảnh tượng đau lòng: hàng trăm con diệc nằm chết la liệt. Ai cũng bảo những con diệc này do nhà trời phái xuống để làm mưa. Họ nhặt xác diệc lại một nơi và đắp thành một cái gò nhỏ. Từ hôm ấy, đêm nào người ta cũng thấy từ một gò đất, hàng trăm con diệc bay lên trời… Các cụ già nảy ra ý định xây trên gò đất một ngôi chùa và dân trong vùng quen gọi là chùa Diệc.
Chùa Diệc ở phía Bắc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Nhưng hồi khởi công dựng chùa, nơi đây toàn bộ là thôn mạc. Vào thời vua Thành Thái năm 1825, đất Vinh mới được nhà vua ký đạo dụ thành lập thị xã. Trước đó rất lâu, năm 1742, chùa Diệc đã được dựng lên và lợp gianh một cách sơ sài với khu vườn rậm rạp, năm này qua năm khác, chim muông kéo nhau về rất đông và khách thập phương về lễ bái tấp nập nhưng tuyệt nhiên không có một con diệc. Hàng năm vào 3 ngày rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng chạp, vị sư trụ trì tại nhà chùa nằm mơ thấy diệc bay về phía vườn rồi lại rủ nhau bay về trời. 30 năm sau, năm 1873, dân làng bàn định xây dựng lại một ngôi chùa khang
trang. Tiếp theo những năm sau, chùa được tu bổ dần và trở thành một trong những ngôi chùa đẹp và lớn nhất ở Nghệ An.
Khi Vinh phát triển đàng hoàng là một thành phố và được ghi vào từ điển Larousse “Vinh là một thành phố của Việt Nam, gần bờ biển vịnh Bắc Bộ, dân số 50.000 người” thì chùa Diệc ở vị trí phía Bắc có giá trị lớn về kiến trúc và lịch sử. Chùa có thượng điện dài 13,60 m, rộng 8,61 m; có hạ điện dài 10,6 m, rộng 8 m; có tam quan với lầu gác chuông đường bệ. Trong chùa có 17 pho tượng theo kiểu chữ Đinh. Vườn chùa sầm uất cây cối. Phía trong uy nghi và trầm mặc với những bức đai tự lưỡng long triều nguyệt, câu đối sơn son thiếp vàng, toà sen và hương án lung linh ánh nến, đặc biệt có hai bia đá lớn cao chừng 2 m và rộng 1 m với những hình chạm khắc tinh vi. Trước chùa là một cái hồ rộng yên lặng soi bóng tam quan càng tăng thêm vẻ trang nghiêm và u tịch của nhà Phật
Cuộc đời của ngôi chùa hầu như gắn liền với bao biến thiên của lịch sử, với bao nhiêu sự kiện trọng đại của thành phố. Nơi đây đã in dấu chân của nhiều tao nhân mặc khách, nhiều chiến sĩ yêu nước và nhiều chiến sĩ cộng sản. Vào những năm đầu thế kỉ XX, chùa là điểm liên lạc bí mật của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cùng với các đồng chí của mình. Năm 1941, Đội Cung khởi nghĩa ở đồn Rạng, Đô Lương, kéo về đột nhập thành Vinh. Sau khi bị lộ và bị thất bại, ông đã trốn vào chùa ẩn nấp mấy hôm rồi rút lên cổng chốt… Trước đó nhiều năm của thế kỉ trước, phong trào Cần Vương dấy lên ở mọi miền đất nước thì chùa Diệc cũng là nơi gặp gỡ của nhiều vị văn thân Nghệ Tĩnh bàn tính lập mưu đánh Pháp. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 sôi nổi dậy lên với các cuộc biểu tình, cờ đỏ búa liềm và truyền đơn. Thành phố Vinh sôi động với khí thế đấu tranh của Trường Thi, của nông dân làng Đỏ, với ngọn cờ Bến Thuỷ, với cuộc biểu tình Thái Lão thì chùa Diệc cũng chính là một địa điểm thầm lặng dấu các chiến sĩ cộng sản. Vị sư trụ chùa cảm nhận được sự chuyển biến đúng đắn của thời cuộc đã lặng lẽ cầu kinh niệm phật và theo dõi mọi biến động xảy ra hàng ngày. Vị sư ấy có 1 cuốn sổ riêng ghi tên những người đã ngã xuống ở Vinh trong phong trào do
Đảng lãnh đạo. Trước cổng chùa bên kia hồ là trường Quốc học Vinh thành lập từ năm 1920, niên khoá đầu có 45 học sinh. Những niên khoá sau số học sinh tăng lên. Học sinh trường quốc học với ngôi chùa có mối liên hệ khá mật thiết. Năm 1927, nhà trường có tổ chức chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Nhiều cuộc họp kín của chi bộ được tiến hành ngay tại vườn chùa. Năm cụ Phan Chu Trinh qua đời, hầu hết học sinh tham dự lễ truy điệu tại chùa Diệc và trước đó họ đã tham gia biểu tình đòi ân xá cụ Phan Bội Châu… Trong số học sinh của trường có đồng chí Nguyễn Tiềm, 18 tuổi, đã là Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Đảng bộ Nghệ An, hy sinh trong tù, chắc hẳn trong khốn khổ, người chiến sĩ cộng sản vẫn có sự liên hệ mật thiết giữa các thầy giáo, học sinh trường Quốc học Vinh với chùa Diệc, qua nhiều năm tháng như một sợi dây se kết âm thầm và bền vững. Có thể nói, đây là hai địa chỉ văn hoá lớn của Nghệ An hồi ấy.
Điều làm cho tất cả chúng ta ngạc nhiên là năm 1926, thầy giáo Lê Thước đã phát hiện văn bản gốc Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc. Lê Thước sinh năm 1891, quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Kỳ thi Hương cuối cùng của trường Nghệ năm 1918, ông đậu giải nguyên, sau đó ông chuyển sang Tây học một cách nhanh chóng và rất có hiệu quả. Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, ông về Nghệ An thành lập “Hội hàn lâm Nghệ An” và dạy trường Quốc học Vinh. Nhà trường ở gần chùa Diệc. Những ngày chủ nhật, ông thường sang chùa Diệc trò chuyện với vị sư cao tuổi. Thấy vị sư có trình độ hiểu biết uyên thâm, Lê Thước càng thích thú, vị sư cũng càng ngày càng quý trọng Lê Thước, càng tin cẩn Lê Thước. Bất ngờ một hôm, vị sư cho Lê Thước xem một bản chép tay bằng chữ Nôm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, Lê Thước hối hả đọc, sung sướng run người. Những năm trước, Lê Thước đã say mê tìm hiểu Nguyễn Du. Nhiều lần ông về Tiên Điền trò chuyện với bà con họ Nguyễn để thu thập tư liệu. Ông đã cùng Phan Sĩ Bàng viết cuốn truyện của Nguyễn Du. Sự đeo đuổi của ông đã đem lại cho ông một niềm vui lớn: tìm được Văn chiêu hồn của Nguyễn Du đã từng lưu lạc hàng trăm năm mà chưa hề ai nhắc đến. Như
một sự tình cờ, Văn chiêu hồn lưu giữ ở chùa Diệc, cách quê Nguyễn Du chừng mười lăm km. Ngôi chùa mà huyền thoại như đã sắp đặt trước để cất giấu tác phẩm đầy nhân ái này. Đàn diệc xa xưa đã bay về báo hiệu cơn mưa trong mùa đại hán rồi đàn diệc ấy lại chết trong mùa đại hán. Có phải đàn diệc ấy cũng là thành phần trong thập loại chúng sinh mà Nguyễn Du muốn chiêu hồn, huyền thoại vĩnh viễn ấm áp trong tâm hồn dân chúng. Văn chiêu hồn của Nguyễn Du là tiếng kêu thương nhân ái. Chỉ tiếc là ngôi chùa không còn nữa. Máy bay Mỹ qua hai lần ném bom, chùa bị hư hỏng nghiêm trọng. Tiếp theo đó, do sự quản lý không chặt chẽ, chùa bị phá huỷ hoàn toàn, may mà cũng giữ được một phần tam quan. Trước cổng chùa trơ trọi này, người ta gắn liền một biển ghi dòng chữ “Di tích lịch sử và nghệ thuật, cấm vi phạm”.