- Võ Thị Diệu cúng 5 hào
2.4.2. Quá trình xây dựng và bố cục kiến trúc
Theo thần thoại, khi xưa có 100 con phượng hoàng bay qua sông Lam thì có 99 con để lại 99 ngọn Hồng Lĩnh, con thứ 100 chính là núi Quyết. “Núi Quyết” là tên cúng cơm, núi Quyết cũng là núi Phượng Hoàng. Trong những lần ra Bắc vào Nam để dẹp loạn, Nguyễn Huệ với tư cách là Bắc Bình Vương đã phát hiện và nhận thấy đây là địa điểm chiến lược để xây dựng kinh đô, làm gốc rễ sâu bền cho sự phồn vinh của đất nước.
Ngay sau khi được chính phủ cho phép, Thường trực Tỉnh uỷ đã có thông báo số 380-TB/TU ngày 10/4/2003 và Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có công văn số 1034/CV.UB-VX ngày 5/5/2003, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng liên quan tiến hành lập Dự án: Đầu tư xây dựng đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết.
Ngày 25/5/2004, Bộ Văn hoá thông tin đã có công văn số 1794/VHTT – DSVH thoả thuận dự án đầu tư xây dựng đền thờ.
Ngày 27/7/2004, Uỷ ban nhân dân Tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2721/ QĐ.UB-CN phê duyệt Dự án: Đầu tư xây dựng đền thờ vua Quang Trung.
Đền được khởi công xây dựng vào tháng 7/2005 và hoàn thành vào tháng 5/1008. Đền Thờ vua Quang Trung tọa lạc trên đỉnh thứ hai của núi Dũng Quyết, cao 97 mét so với mực nước biển, thuộc chi Phượng Dực.
Dự án xây dựng đền thờ vua Quang Trung là công trình mang nặng tính đặc thù văn hoá - lịch sử, vì thế, phải có giải pháp kiến trúc phù hợp với mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của một ngôi đền thờ truyền thống, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và các yếu tố về mặt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân ta.
Công trình có mặt chính quay về hướng Đông Nam, các hạng mục công trình nằm đăng đối qua trục chính, phong cách kiến trúc chủ đạo của công trình, các hoạ tiết trang trí, chạm khắc, nề, ngoã trên các cấu kiện hay nội thất đều được thiết kế, xây dựng thống nhất theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Kết cấu của công trình gồm có: sân lễ hội, đường lên xuống đền, sân đền chính, sân đền trước, nhà Tiền đường, nhà Trung đường, nhà Hậu cung, nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nhà Nghi môn, hai nhà Bia, Bình phong, Tứ trụ, Bia dẫn tích và các hạ tầng kỹ thuật khác.
Bãi đậu xe cũng đồng thời là sân lễ hội, nơi diễn ra phần hội, có các trò chơi dân gian, múa hát, thể dục thể thao…Sân lễ hội có diện tích là 1.800 m2, kết cấu bằng bê tông Mác 200, dày 10 cm. Lối vào đền là dãy cầu thang 99 bậc đi thẳng vào sân trước đền, con số 99 là biểu tượng cho sự trường tồn và vĩnh cửu, tương ứng với huyền thoại 99 con phượng hoàng. Đường lên xuống đền và đường bao quanh đền được lát bằng đá Thanh Hoá. Hai bên đường là hai dãy cây sanh quanh năm xanh tốt, tạo không khí tươi mát, cảnh quan đẹp và đồng thời phù hợp với kiến trúc của đền thờ.
Sân trước đền và sân đền chính có diện tích là 1.400 m2, được lát bằng gạch Bát cổ phục chế, loại 30 x 30 cm. Trước cửa đền là hai con voi bằng gỗ chầu hai bên.
Bước vào cổng chính của đền là nhà Nghi Môn, có diện tích là 48 m2. Đền có 3 cổng: một cổng chính và hai cổng nhỏ đối xứng hai bên, 1 cổng là lối vào, 1 cổng là lối ra. Cổng chính bố trí 1 gian 2 dĩ, mặt đứng kết cấu 2 tầng mái kiểu chồng diêm, các góc đao uốn cong, có góc bờ nóc, đầu kìm. Cổng chính và cổng phụ đều lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát kiểu cổ phục chế loại 30 x 30 cm, các kết cấu gỗ đều là gỗ Lim. Cổng chính chỉ được mở vào những dịp lễ hội, những ngày quan trọng của đền hoặc khi đón tiếp những đoàn khách quý từ khắp nơi đến, còn bình thường thì đóng lại, chỉ mở hai cổng hai bên. Bước vào cổng chính là hai tượng quan Hộ pháp đứng trấn giữ hai bên, với chức năng, nhiệm vụ là theo dõi, bảo vệ, kiểm soát người ra vào trong đền.
Hai nhà Bia có mặt bằng bố cục hình vuông 6 x 6 m, kết cấu khung vì
nóc chồng rường, xà nách con chồng; mặt đứng hai tầng mái, phần mái trên có chắn song con tiện, 8 góc mái có đầu đao, kìm nóc, gỗ đều bằng Lim, mái lợp ngói mũi hài hai lớp, nền lát gạch Bát kiểu cổ phục chế loại 30 x 30 cm.
Nhà Bia bên phải là nhà để trống, có Bia ghi công trạng của vua Quang Trung, Bia tưởng niệm hoàng đế Quang Trung của Giáo sư Vũ Khiêu. Nhà Bia bên trái là gác chuông, có Bia chiếu của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi cho La Sơn Phu tử chọn đất đóng đô, Bia chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi hoàng đế Quang Trung.
Nội dung Bia chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung:
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu. Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng. Cho nên Tàu dẫu làm hung Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.
Hồ Chí Minh
Nội dung Bia chiếu của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu tử chọn đất đóng đô:
Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà sự thể rất khó khăn. Theo đình thần nghĩ rằng, chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương kêu kiện tiện việc đi về.
Nhớ lại buổi hồi loạn kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, Quả cung đã từng mở xem, địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn để xây dựng kinh đô mới.
Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy.
Thái Đức năm thứ 11 (Ngày 3/9/1788)
Nhà Tả vu và nhà Hữu vu có kết cấu giống nhau, diện tích là 80
m2/nhà. Kết cấu nhà 5 gian, 3 hàng cột, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường giá chuông, hạ kẻ truyền liền bẩy. Hệ thống cửa kiểu bức bàn thượng song hạ bản. Toàn bộ cấu kiện bằng gỗ Lim, một số cấu kiện chạm khắc hoa văn thời Nguyễn. Nhà Tả vu có chức năng chính là nơi soạn lễ, nơi nghỉ ngơi của du
khách thập phương. Nhà Hữu vu có chức năng trưng bày các hiện vật, di vật liên quan đến hoàng đế Quang Trung và triều đình Tây sơn như cung tên, đạn dược, tranh ảnh…
Nhà Tiền đường, nhà Trung đường và Hậu cung với mặt bằng được bố trí theo lối “Tiền nhất Hậu cung”.
Nhà Tiền đường có diện tích là 180 m2, thiết kế 3 gian 2 dĩ, 4 hàng cột, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường, mặt đứng kết cấu 2 tầng mái, ở giữa có hệ chắn song con tiện để thông gió, lấy ánh sáng, tăng thêm mức độ đồ sộ, hoành tráng, cổ kính cho kiến trúc; 4 góc đều có đầu đao uốn cong, bậc cấp có 4 rồng chầu bằng đá. Gian chính giữa nhà Tiền đường là nơi thờ Đức Phật thích ca mâu ni, bên hữu thờ Tứ phủ công đồng, bên tả thờ vị quan trấn thủ Nghệ An Thận Trực Hầu (cũng là nơi thờ các quan địa phương).
Nhà Trung đường có diện tích là 160 m2. Nhà bố trí 3 gian 2 dĩ, 4 hàng cột, mặt đứng kết cấu một tầng mái. Gian giữa là bàn thờ cộng đồng. Bên hữu thờ quan võ là Thuỷ sư đô đốc Ngô Văn Sở, Thống suất đại nguyên soái thái phó Trần Quang Diệu và nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bên tả thờ quan văn là Binh biện thượng thư Ngô Thì Nhậm, Sùng chính viện trưởng La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp và Bắc hành sử bộ Phạm Công Trị.
Nhà Hậu cung có diện tích là 60 m2. Mặt bằng được nối liền với nhà Trung đường, gồm 3 gian thu hồi, 2 hàng cột với 2 cột. Gian giữa thờ hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, bên hữu thờ vương mẫu Quang Trung, bên tả thờ vương phụ Quang Trung.
Trong nội thất có 5 pho tượng: tượng vua Quang Trung, tượng Vương phụ, tượng Vương mẫu và tượng quan Hộ pháp đều làm bằng chất liệu đồng. Nội thất và đồ thờ là hạng mục chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đền thờ, là linh hồn của công trình, góp phần phát huy đầy đủ các giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh và kiến trúc của toàn bộ đền thờ. Đồ thờ, nội thất được bài vị phù hợp với nguyên tắc thờ cúng truyền thống; hình dáng, màu sắc, kích thước, vật liệu, gia công được chọn lựa kỹ, có tỷ lệ và hài hoà với kiến trúc tổng thể mang phong cách thời Nguyễn. Quá trình làm nội thất có sự
tham khảo ý kiến của các nhà khoa học trong lĩnh vực di sản văn hoá, khảo cổ, lịch sử, chuyên ngành tu bổ di tích…để công trình đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, Bình phong, Tứ trụ, Bia dẫn tích làm bằng đá Thanh Hoá khối lớn, có chạm khắc họa tiết.
Toàn bộ ngôi đền đều được làm bằng gỗ Lim, khung gỗ chịu lực, hệ thống vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, 2 lớp (ngói chiếu, ngói cót), nền lát gạch Bát kiểu cổ phục chế loại 30 x 30 cm. Tường xây gạch Bát, bó vỉa, bậc cấp bằng đá Thanh Hoá; cửa đi, cửa sổ kiểu bức bàn thượng song hạ bản.