- Võ Thị Diệu cúng 5 hào
2.7.1. Lịch sử hình thành
Làng Đỏ Hưng Dũng là một địa chỉ văn hoá quen thuộc, đã đi sâu vào ký ức nhân dân về tinh thần cách mạng và truyền thống đấu tranh bất khuất của quân và dân làng Đỏ thời kỳ cách mạng 1930 - 1931.
Hưng Dũng nằm ở phía Đông Bắc thành phố Vinh, trước đây thuộc làng Yên Dũng Thượng, xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc. Phía Đông và phía Bắc giáp các xã Hưng Hoà, Hưng Lộc, Nghi Phú. Phía Nam giáp Bến Thuỷ, sông Lam.
“Làng Đỏ” là tên gọi chung dùng để chỉ các làng có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi ở Nghệ Tĩnh trong những năm 1930-1931. “Làng Đỏ” có nghĩa là làng cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, quần chúng nhân dân các xã này đã đứng lên đấu tranh lật đổ bọn đế quốc phong kiến, lập nên chính quyền Xô viết, chính quyền do nhân dân làm chủ.
Khi thực dân Pháp hoàn thành xâm lược nước ta và bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, cũng như nhiều địa phương khác của Nghệ Tĩnh, Hưng Dũng trở thành địa điểm để thực dân Pháp cướp đất đai, vơ vét tài nguyên, xây dựng các nhà máy, bến cảng, sân bay. Đời sống vốn đã khó khăn, lại chịu hai tầng áp bức của đế quốc và phong kiến, nhân dân Hưng Dũng nay lại càng cơ cực. Nhưng với truyền thống lao động cần cù, có tinh thần cách mạng, ý thức dân tộc cao, sớm tiếp thu những tư tưởng mới của thời đại nên nhân dân Hưng Dũng đã hăng hái tham gia trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX và các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, sau khi các tổ chức cách mạng ra đời, như được tiếp thêm sức mạnh, nhân dân Hưng Dũng đã anh dũng đứng lên, gây cho kẻ thù nhiều phen khiếp sợ.
Tháng 7/1928, khi thành lập Tổng bộ Việt Minh ở Vinh, chi bộ Tân Việt ở Hưng Dũng cũng được thành lập. Cuộc họp đầu tiên để thành lập chi bộ được tổ chức tại nhà ông Nhân, làng Yên, gồm 10 người, đa số là những người trí thức yêu nước trong làng. Hội nghị đã bầu ra một Ban chấp hành Tân Việt do đồng chí Nguyễn Tiến Nhoạn đứng đầu.
Sự ra đời của chi bộ Tân Việt Hưng Dũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức như: hội hôn hiến, tổ làm nón, tổ làm cày, tổ may, xưởng rèn mộc ra đời và bước vào hoạt động công khai. Sau khi được thành lập, chi bộ Tân Việt đã phát động nhiều cuộc đấu tranh chống bọn đế quốc phong kiến và giành được nhiều thắng lợi, mở ra một thời kỳ đấu tranh mới ở Hưng Dũng và tạo điều kiện cho Đảng cộng sản Việt Nam ra đời.
Trên cơ sở chi bộ Đảng Tân Việt, ngày 5/3/1930, tại lăng Đức Thánh ở Dăm Mụ Nuôi đã diễn ra cuộc họp để thành lập chi bộ Đảng cộng sản Hưng Dũng. Hội nghị có sự tham gia của nhiều đồng chí như: Đức Kính, Nguyễn Tiến Cuông, Dương Xuyến, Nguyễn Văn Chớc… Hội Nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Tiến Cuông làm bí thư, đồng chí Dương Xuyến làm phó bí thư. Sau khi ra đời, chi bộ đảng cộng sản Hưng Dũng đã xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng như: Nông hội, Thanh niên cộng sản đoàn, Hội Phụ nữ, Hội cứu tế đỏ, Xích vệ đỏ. Ngày 20/4/1931, chi bộ Hưng Dũng trở thành một trong những chi bộ đầu tiên được đồng chí Nguyễn Ái Quốc báo cáo lên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Đông Dương trong “Thư gửi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ngày 20/4/1931 của Nguyễn Ái Quốc” (Hồ Chí Minh tuyển tập. Tập 1. Trang 316. NXB Sự thật).
Chi bộ Đảng cộng sản Hưng Dũng ra đời đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của nhân dân Hưng Dũng tập trung tại Đình Trung và của hàng ngàn nhân dân các vùng lân cận ở vùng Vinh - Bến Thuỷ. Cuộc biểu tình bị địch khủng bố dã man. Sau đó, chi bộ Hưng Dũng tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh ủng hộ các cuộc đình công của công nhân nhà máy vùng Vinh - Bến Thuỷ, tiến hành các cuộc đấu tranh với bọn cường hào trong làng xã, lật đổ chính quyền của địch, lập nên chính
quyền Xô viết, tiêu biểu là cuộc đấu tranh với tên địa chủ Thừa Ba để giành lấy ruộng đất và lúa gạo chia cho dân nghèo.
Sau những cuộc đấu tranh này, chính quyền của địch ở Hưng Dũng hoàn toàn tan rã. Nhân dân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Hưng Dũng đã thiết lập nên chính quyền Xô viết nông thôn và lấy Đình Trung - ngôi đình của làng xưa kia làm trụ sở hoạt động của chính quyền Xô viết. Chính quyền Xô viết thành lập đã điều hành mọi hoạt động trong làng. Các tổ chức quần chúng như: Nông hội, Thanh niên hội, Phụ nữ hội… đã phát huy vai trò của mình, tương trợ giúp đỡ, mở ra nhiều hoạt động để ủng hộ chính quyền xô viết của xã. Đội tự vệ đỏ được thiết lập ngay từ buổi đầu, đã tổ chức tập luyện, tham gia bảo vệ trị an trong làng xã. Bọn hào lý trong làng hống hách đều bị trừng trị. Nhân dân và tự vệ đã rào làng chiến đấu, vừa bảo vệ xóm thôn vừa bảo vệ cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ. Hưng Dũng có thời gian đã trở thành pháo đài bất khả xâm phạm đối với bọn đế quốc và thực dân Pháp bấy giờ. Những ngày này, nhân dân Hưng Dũng không phải nộp lợi tức, thuế ruộng đất, người nghèo có ruộng cày. Một số thủ tục trong làng xã được xoá bỏ, nhân dân được đi học, hội họp, đọc truyền đơn, báo chí của Đảng. Nhân dân Hưng Dũng đã thực sự được hưởng những ngày tự do, độc lập.
Sau này thực dân Pháp tìm mọi cách đàn áp và triệt hạ làng Đỏ cũng như cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ nhưng nhân dân Hưng Dũng đã chống trả quyết liệt và bảo vệ được cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ. Cuối năm 1931, địch tiến hành dồn mọi lực lượng tấn công vào pháo đài cộng sản, phong trào làng Đỏ mới tạm lắng xuống.
Để đưa phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển thêm một bước mới, từ tháng 8/1930, cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ do Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật, Lê Mao, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi đã được chuyển về đóng tại làng Đỏ Hưng Dũng. Thời gian này, cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ đóng tại nhà ông Nguyễn Đình Ky ở làng Xuân Thọ và ông Nguyễn Bá Nhàn, Nguyễn Bá Ất ở làng Yên, Hưng Dũng. Cơ quan ấn loát, trạm liên lạc của Xứ uỷ Trung Kỳ cũng được chuyển về đây. Từ đây, những chỉ thị, đường lối của Đảng bắt đầu
được phát ra từ cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ ở Hưng Dũng rồi đến với các làng xã khắp mọi miền trong tỉnh. Xứ uỷ Trung Kỳ còn mở nhiều lớp học để đào tạo cán bộ, cung cấp cho các địa phương. Cơ quan ấn loát của Xứ uỷ Trung Kỳ in báo chí, truyền đơn chuyển đi các nơi khác. Nhân dân Hưng Dũng đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho Xứ uỷ hoạt động. Nhờ sự nuôi dưỡng, bảo vệ và che chở của nhân dân làng Đỏ, Xứ uỷ Trung Kỳ đã tránh được sự truy lùng gắt gao của thực dân Pháp và bọn mật thám.
Mặc dù vậy, đến tháng 4/1931, địch dồn mọi lực lượng tổ chức nhiều cuộc đàn áp, mở nhiều cuộc tấn công vào làng Đỏ và Xứ uỷ Trung kỳ. Làng Đỏ bị triệt hạ, nhiều cán bộ Đảng viên bị bắt. Để bảo toàn lực lượng, Xứ uỷ Trung kỳ buộc phải dời đi nơi khác. Cuối năm 1931, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tạm thời lắng xuống, để tiếp tục duy trì phong trào đấu tranh, Xứ uỷ Trung kỳ sau một thời gian sơ tán đã quay về hoạt động tại Hưng Dũng. Lúc này, cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ đóng tại nhà bà Diên ở làng Yên. Tuy bị địch phát hiện, lùng sục bắt bớ cán bộ và những gia đình nuôi dấu và che chở cán bộ nhưng Xứ uỷ Trung kỳ vẫn được bảo vệ an toàn. Đến tháng 2/1932, Xứ uỷ Trung kỳ mới chuyển đến địa điểm khác. Năm 1938, cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ lại trở lại hoạt động ở làng Đỏ. Thời gian này, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo trung ương như: Nguyễn Tạo, Chu Biên, Trần Quì và nhất là đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh đã từng về đây làm việc. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử về đây chỉ đạo phong trào ở Nghệ Tĩnh và làm việc tại Đình Trung. Cuối năm 1940, trên đường đi làm việc, đồng chí bị địch bao vây ở làng Phong Toàn, Hưng Dũng nhưng nhờ nguỵ trang và được nhân dân che chở nên đồng chí đã thoát khỏi sự truy lùng của kẻ thù.
Truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, bất khuất của nhân dân làng Đỏ Hưng Dũng còn được phát huy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thành tích chống thực dân Pháp của nhân dân Hưng Dũng thể hiện: 650 người tham gia dân quân tự vệ đỏ, 260 người đi bộ đội, 1377 lượt người đi dân công hoả tuyến, đóng góp 27 tạ gạo nuôi quân, đào 3 km giao thông hào, 5000 hầm cá nhân.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cũng như nhiều địa phương khác ở Nghệ Tĩnh, đế quốc Mỹ đã gây nhiều tội ác trên quê hương Hưng Dũng: đánh phá 582 trận, trong đó ngày 10/4/1972 oanh tạc bằng B52 gồm: 5764 quả bom các loại, 560 quả pháo kích, 16 quả tên lửa, 1202 quả rốc két; giết chết 106 người; làm bị thương 257 người; giết hại 205 con trâu, bò; 300 ha ruộng vườn bị tàn phá; phá huỷ 378 nóc nhà. Mặc dù vậy, nhân dân làng Đỏ Hưng Dũng cũng đã góp phần cùng nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công vẻ vang: 458 thanh niên gia nhập quân đội; 335 người tham gia dân công hoả tuyến; 65 thanh niên xung phong, đào đắp 33 km giao thông hào, 5200 hầm trú ẩn, 31 trận địa, 278 hầm dấu xe; ngày 1/9/1967, phối hợp bắn rơi một máy bay Mỹ; ngày 25/7/1968, bắn rơi một máy bay F4 của giặc Mỹ.
Nhờ những thành tích đó, nhân dân Hưng Dũng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (quyết định số 129 ngày 25/8/1970 của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng); 4 huân chương chiến công hạng nhất; 2 huân chương chiến công hạng nhì; 6 huân chương chiến công hạng ba; 2 huân chương lao động hạng ba; cùng nhiều bằng khen và giấy khen cho tập thể và cá nhân.
Cụm di tích làng Đỏ Hưng Dũng được Bộ Văn hoá Thông tin, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo quyết định số 84 VH/QĐ ngày 27/4/1990.