- Đánh giá kết quả xa
CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.2.4. Đánh giá các biến chứng trong và sau phẫu thuật:
Máu tụ vùng hố mổ và giập não trán là hai biến chứng gặp nhiều nhất trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi. Đã có 3 trường hợp bị máu tụ vùng hố mổ nhưng không có trường hợp nào phải mổ lại để lấy máu tụ. Máu tụ trong tai biến này đều là máu tụ dưới màng cứng vùng hố mổ do cầm máu không triệt để của phẫu thuật viên. Động kinh trong hậu phẫu sau mổ là một mối nguy hiểm cho bệnh nhân vì nguy cơ chảy máu tái phát vùng mổ và phù não sẽ rất cao do huyết áp tăng vọt đột ngột của những cơn gồng, co cứng cơ.
Giập não trán sau mổ là một hạn chế của đường mổ dưới trán 1 bên hay 2 bên và chúng tôi đã có tới 7 trường hợp giập não, máu tụ trong não trán sau mổ, trong đó có 2 trường hợp đã phải mổ lại lấy máu tụ, não dập và mở sọ giải ép, bệnh nhân đã được xuất viện sau đó 02 tuần. Nguyên nhân của biến chứng này là do quá trình mổ đã vén não quá nhiều gây giập, thiếu máu não vùng vén. Một nguyên nhân nữa đưa đến giập não trán là lúc vén não đã làm đứt các TM dẫn lưu máu vùng trán vào xoang TM dọc giữa gốc mũi gây nên hậu quả nhồi máu đỏ vùng trán sau mổ.
Tổn thương rách mạch máu lớn là một biến chứng nặng có nguy cơ tử vong cao. Trong nhóm nghiên cứu đã có 1 trường hợp rách động mạch não trước nhưng bệnh nhân đã vượt qua được biến chứng sau khi khâu bít lỗ thủng động mạch. Theo báo cáo của Atul Goel đã có 4 trường hợp bị tổn thương mạch não trước trong phẫu thuật và chỉ có 1 trường hợp qua được sau khi khâu lỗ thủng [48].
Có 8 trường hợp (7,5%) đã tử vong sau mổ từ 1 - 3 ngày, 6 trường hợp tử vong do tổn thương vùng dưới đồi không hồi phục. Hai trường hợp tử vong còn lại là do tổn thương đứt cuống tuyến yên và gây rối loạn nội tiết, điện giải nặng nề sau mổ mà không điều chỉnh được. Trong 8 trường hợp này có 7 trường hợp là u khổng lồ kích thước u rất lớn 5-6cm. Theo nghiên cứu của Fahlbusch R. thì tỷ lệ tử vong trong phẫu thuât UMNVCY dao động từ 0% đến 67%, những báo cáo có tỷ lệ tử vong bằng 0% chỉ được ghi nhận trong 2 thập kỷ trở lại đây [40]. Theo Finn và Mount, Symon và Rosentein thống kê tổng hợp thì tỷ lệ tử vong với u có kích thước nhỏ hơn 3cm là 0% đến 4,4%, tỷ lệ này tăng lên 7% đến 44% với u có kích thước lớn hơn 3cm [43], [91]. Theo Solero và cộng sự ghi nhận tỷ lệ tử vong là 14,8% với u có kích thước < 4cm và tăng lên 32,1% với u có kích thước > 4cm [53].
Tại bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo của Võ Văn Nho năm 2003 phẫu thuật 26 trường hợp UMNVCY với tỷ lệ tử vong bằng 0% [77]. Lý giải cho sự khác biệt đó tôi nghĩ rằng có hai lý do: khách quan là kích thước u trong nhóm nghiên cứu của Võ Văn Nho có 15,4% > 4cm (4/26 bệnh nhân) còn nhóm của chúng tôi lớn gần gấp đôi 25,2% > 4cm (27/107 bệnh nhân), lý do thứ hai là 26 trường hợp đó đều được phẫu thuật bởi một phẫu thuật viên duy nhất là Võ Văn Nho (ông là một trong những phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm hàng đầu trong phẫu thuật loại u này tại Việt Nam). Còn nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã được phẫu thuật bởi nhiều phẫu thuật viên ở nhiều trình độ, kinh nghiệm khác nhau cùng thực hiện.
Ngoài những biến chứng trên chúng tôi còn gặp một trường hợp động kinh sau mổ, bệnh nhân được dùng thuốc cắt cơn và duy trì thuốc đến khi xuất viện. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi không gặp trường hợp nào dò dịch não tủy qua mũi hay viêm màng não sau mổ. Có 1 trường hợp có rối loạn nội tiết nhẹ trước mổ và trở về bình thường ngay sau mổ lấy u.