II. Giáo dục nhân cách trong tập thể tư tưởng cơ bản của nền giáo dục XHCN
2. Tổ chức các hoạt động và giao lưu trong tập thể
Con đường quan trọng nhất để xây dựng tập thể là lôi cuốn lực lượng học sinh tham gia tích cực và tự giác vào các hoạt động chung của tập thể. Hoạt động chung sôi nổi có tác dụng lôi cuốn mọi người hoà mình vào tập thể, làm cho tập thể vững mạnh. Thông qua các hoạt động chung, mỗi học sinh có điều kiện bộc lộ ưu, nhược điểm để nhà giáo dục có thể uốn nắn, xây dựng các mối quan hệ giao lưu đúng đắn; mỗi học sinh cũng tự điều chỉnh hoạt động để hình thành các mối quan hệ giao lưu phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong quá trình hoạt động cũng sẽ dần dần hình thành cái chung trong nhận thức và đánh giá, trong hứng thú của các em.
Loại hình hoạt động cơ bản của học sinh là học tập. Trong học tập, song song với việc trang bị tri thức, kĩ năng vận dụng tri thức, cần phải đặc biệt chú ý giáo dục động cơ, thái độ đúng đắn cho học sinh. Các hình thức thi đua, phân công hợp tác theo từng nhóm, tổ trong học tập giúp học sinh tin rằng, kết quả học tập của mình phụ thuộc không chỉ vào nỗ lực của bản thân, mà
còn có cả sự tương trợ, giúp đỡ của mọi người trong tập thể. Hoạt động học tập trong tập thể cũng tạo cho học sinh có điều kiện so sánh những phán đoán, những phương thức tư duy giữa bạn bè với mình để thu thập và lựa chọn những cái đúng, cái hay giúp học sinh hiểu biết toàn diện vững chắc.
Bên cạnh hoạt động học tập, cần phải lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động khác như công tác xã hội, lao động sản xuất, hoạt động văn hoá nghệ thuật, TDTT,... để tạo nên không khí sôi nổi gắn bó mọi người với tập thể, giúp học sinh mở rộng, củng cố tri thức, lĩnh hội kinh nghiệm và năng lực hoạt động xã hội, tiếp thu và thể nghiệm các chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ phong phú, đa dạng trong và ngoài nhà trường.