Phương pháp kể chuyện

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 3 potx (Trang 54 - 55)

Kể chuyện là phương pháp giáo viên dùng lời nói, điệu bộ và nét mặt để kể lại, thuật lại một cách sinh động một câu chuyện nào đó có ý nghĩa giáo dục.

Qua nội dung câu chuyện và cách thức kể chuyện của nhà giáo dục, có thể hình thành và phát triển được ở HS khả năng nhận thức thế giới xung quanh, tình cảm, xúc cảm tích cực và niềm tin đúng đắn. Học tập được những gương tốt và tránh được những gương xấu với óc phê phán, nhận xét và đánh giá.

Sử dụng phương pháp này cần lưu ý các điểm sau:

− Lựa chọn những câu chuyện sinh động, hấp dẫn, chứa đựng nhiều tình huống giáo dục cần thiết.

− Khối lượng câu chuyện phải phù hợp với thời gian và đặc điểm tâm sinh lí, trình độ nhận thức của HS.

− Lời nói phải sinh động, diễn cảm, điệu bộ, giọng nói, nét mặt phải luôn luôn thay đổi cho phù hợp với tình tiết của cốt truyện, gây được sự chú ý và những xúc cảm mạnh mẽ, sâu sắc ở HS.

− Khi kể chuyện nên sử dụng kèm theo tranh ảnh để minh hoạ cho hấp dẫn, gây ấn tượng cho người nghe.

− Trong khi kể chuyện phải nêu bật được những chi tiết, những tình huống cơ bản của nội dung câu chuyện, giúp cho HS không bị phân tán chú ý vào những chi tiết vụn vặt, không phù hợp.

− Cần phải theo dõi nét mặt, thái độ của người nghe để kịp thời điều chỉnh cách kể chuyện.

− Sau khi kể chuyện xong, có thể yêu cầu học sinh tóm tắt lại câu chuyện, nêu nhận xét về những vấn đề mà mình quan tâm giúp các em ghi nhớ được tốt hơn nội dung của truyện kể. Hoặc nêu lên một số câu hỏi hay những vấn đề cần thiết để học sinh dựa vào nội dung truyện kể mà trao đổi ý kiến, rút ra những kết luận cần thiết và bổ ích.

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 3 potx (Trang 54 - 55)