− Sự hiểu biết về cái đẹp, năng lực cảm thụ cái đẹp giúp cho học sinh có được những rung cảm thẩm mĩ nhanh nhạy, đúng đắn. sự hình thành những rung cảm của thẩm mĩ là cơ sở để giúp chúng ta bồi dưỡng tình cảm thẩm mĩ cho học sinh. Tình cảm thẩm mĩ được
hình thành nhờ có sự củng cố những rung cảm thẩm mĩ khác nhau. Đồng thời khi tình cảm thẩm mĩ được hình thành sẽ giúp cho rung cảm thẩm mĩ được mạnh mẽ, sâu sắc. Tình cảm thẩm mĩ bền vững, ổn định sẽ là nguồn động lực thúc đẩy con người dần dần vươn lên đỉnh cao của những sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật: giúp con người biết sống đẹp; biết yêu cuộc sống, khao khát nhanh chóng đạt được lí tưởng thẩm mĩ. Sự hoà quyện giữa tình cảm thẩm mĩ và tình cảm đạo đức càng làm tăng nét đẹp trong tâm hồn con người.
− Trong nhà trường, việc giáo dục tình cảm thẩm mĩ cho học sinh phải bắt đầu từ những rung cảm thẩm mĩ đúng đắn. Phải làm cho học sinh biết xúc động trước những cái đẹp trong thiên nhiên, trong cuộc sống, trong nghệ thuật. Những xúc cảm đó phải được bộc lộ một cách tự nhiên, chân thành, không giả tạo mà làm xao xuyến lòng người. Học sinh phải có những xúc cảm hài lòng, thoả mãn, sung sướng khi tiếp xúc với cái đẹp và cảm giác khó chịu, ghê tởm, khinh ghét, chán ngán không thể chịu được trước cái xấu. Việc hình thành và củng cố cho học sinh những rung cảm tích cực, trước những yếu tố thẩm mĩ sẽ giúp học sinh có thái độ đúng đắn như biết ca ngợi, trân trọng, bảo vệ cái đẹp và lên án cái xấu. Tình cảm yêu ghét rõ ràng đối với cái đẹp và cái xấu sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy học sinh có những hành vi đạo đức cao thượng.