Giai đoạn thứ ha

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 3 potx (Trang 71 - 72)

II. Giáo dục nhân cách trong tập thể tư tưởng cơ bản của nền giáo dục XHCN

2. Giai đoạn thứ ha

Giai đoạn này tập thể đã được xây dựng và bước đầu thiết lập về cơ bản các mối quan hệ trong tập thể. Nhà giáo dục tiến hành tổ chức, lãnh đạo tập thể học sinh gián tiếp thông qua cơ quan tự quản của họ. Việc bồi dưỡng năng lực phẩm chất cho những phần tử tích cực cũng là nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục.

Bước vào giai đoạn này, do thái độ khác nhau với việc hưởng ứng và thực hiện những yêu cầu của giáo viên, học sinh trong tập thể được phân hoá thành bốn loại như sau:

a) Loại thứ nhất: Bao gồm một số thành viên tự giác, tích cực, gương mẫu thực hiện những yêu cầu, nhiệm vụ chung của tập thể, đồng thời còn đòi hỏi các bạn trong tập thể phải thực hiện theo.

b) Loại thứ hai: Là những học sinh sẵn sàng thực hiện những yêu cầu đề ra, nhưng ít chủ động, sáng tạo, thực hiện các yêu cầu nếu giáo viên hoặc TTHS giao việc trực tiếp, chỉ bảo cụ thể. Có thể gọi loại này là loại trung gian, chiếm số lượng đông nhất trong tập thể.

c) Loại thứ ba: Là loại học sinh dửng dưng với công việc, với lợi ích chung của tập thể nhưng không chống lại những công việc mà giáo viên hoặc tập thể đề ra, dễ bị các phần tử chậm tiến lôi kéo. Giáo viên cần tìm hiểu, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các học sinh ở nhóm này. d) Loại thứ tư: Là một số học sinh “cá biệt”, thường xuyên gây mất trật tự, vô kỉ luật hay tập hợp những học sinh “cùng ý chí” để quấy phá, gây trở ngại cho việc tổ chức và tiến hành các hoạt động của tập thể.

* Tác động sư phạm của người giáo viên trong giai đoạn này là: Ghi nhận những đóng góp của các thành viên tích cực, phát huy mạnh mẽ các ảnh hưởng của họ; động viên lôi cuốn những học sinh thụ động, ủng hộ các phần tử tích cực; thu hút những học sinh ít hoạt động vào các hoạt động hấp dẫn, hứng thú, tương đối dễ đạt kết quả, tuyên dương kịp thời kết quả của họ dù là nhỏ bé để các em phấn khởi, tự tin; đồng thời phải có thái độ cương quyết, cứng rắn đối với những học sinh “cá biệt”, hình thành dư luận lên án những hành vi của các HS này ...

Cơ quan tự quản đã được hình thành ở cuối giai đoạn thứ nhất, tích cực ủng hộ, tiếp nhận và trực tiếp điều hành những yêu cầu của giáo viên đối với tập thể. Nhà giáo dục từ chỗ đưa ra những đòi hỏi trực tiếp cho tập thể đến chỗ chỉ cần đòi hỏi gián tiếp thông qua cơ quan tự quản của tập thể dưới dạng những lời khuyên bảo, gợi ý, đề nghị. Tập thể có khả năng đòi hỏi các thành viên tuân theo các chuẩn mực ứng xử, các thành viên thực hiện các đòi hỏi đó một cách tự giác.

ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên không chỉ được thực hiện trong tập thể nhỏ, mà lan rộng ở cả tập thể lớn và liên kết với tập thể khác trên cơ sở lợi ích chung.

Trong giai đoạn này, các mối quan hệ phụ thuộc về trách nhiệm được củng cố, các thành viên trong tập thể đã biết đòi hỏi lẫn nhau; dư luận xã hội, ý thức về nghĩa vụ xã hội, danh dự tập thể bắt đầu được hình thành và phát huy tác dụng, sự kiểm tra có tính chất xã hội đã được thực hiện. Động cơ hành vi của mỗi thành viên trong tập thể đã chuyển dần từ động cơ cá nhân sang động cơ tập thể; sự tham gia vào quá trình quản lí của thành viên ngày càng đông đảo, kinh nghiệm quản lí, điều hành tập thể bước đầu đã được tích luỹ, mạng lưới các phần tử tích cực ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả.

Nhiệm vụ chủ yếu của người giáo viên trong giai đoạn này là:

a) Xây dựng uy tín, tăng cường ảnh hưởng của các phần tử tích cực đối với tập thể và từng nhóm nhỏ. Đặc biệt phải nâng cao tính độc lập, khả năng quản lí, lãnh đạo của cơ quan tự quản, hướng dẫn họ tự đề ra các yêu cầu để đẩy mạnh các hoạt động của tập thể.

b) Hoàn thiện hệ thống các mối quan hệ tốt đẹp trong tập thể, giữa tập thể với các nhóm, với tập thể lớn cũng như các tập thể khác.

c) Sử dụng tối đa khả năng giáo dục của tập thể, chú ý phân hoá và lôi kéo những nhóm, những phần tử trung gian, những học sinh chậm tiến, dửng dưng với hoạt động tập thể về phía những phần tử tích cực; đồng thời có những biện pháp giáo dục nghiêm khắc nhưng cũng giàu lòng vị tha để cảm hoá những học sinh “cá biệt”.

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 3 potx (Trang 71 - 72)