6. Bố cục của luận án
1.3.2.3. Đặc điểm kinh tế
Nguồn sống chính của người Hmông ở Phỏng Lái chủ yếu vẫn là nương rẫy, mặc dù có một số ít ruộng nước. Căn cứ vào quá trình sử dụng có thể phân chia nương làm hai loại: nương định canh và nương du canh. Trên nương, ngoài ngô và lúa cạn là hai loại cây trồng chính còn có sắn, khoai, rau, lạc, đậu, vừng, y dĩ,… Bên cạnh đó, các loại cây công nghiệp và cây ăn quả cũng khá phát triển. Đặc biệt, từ năm 2003 khi chuyển đổi cây dâu tằm sang trồng ngô lai và đậu tương đã thay đổi đáng kể đời sống kinh tế của người dân. Thu nhập từ ngô lai và đậu tương đã làm cho cuộc sống của người Hmông nơi đây khá lên nhanh chóng. Ngoài đáp ứng lương thực đủ cho sinh hoạt, họ còn tích cóp để mua sắm các trang thiết bị vật dụng thiết yếu trong gia đình như ti vi, xe máy,...
Chăn nuôi cũng là ngành kinh tế bổ trợ quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của người Hmông nơi đây. Các loại gia súc, gia cầm chính thường được các gia đình nuôi là trâu, ngựa, lợn, gà,… Mục đích chính của chăn nuôi là nhằm đáp ứng các nhu cầu về sức kéo, vận chuyển, để thờ cúng, lễ tết, ma chay, hay trong các hoạt động quan trọng khác (như cưới hỏi, tang ma, làm nhà mới...). Ngoài ra, đàn gia súc còn là một tiêu chuẩn đánh giá mức độ giàu nghèo, nên các gia đình người Hmông đều mong muốn có đàn gia súc, gia cầm đông đúc. Trước kia, chăn nuôi của người Hmông chủ yếu là thả rông, hiện nay đã được chăn thả trên những khu vực riêng của bản. Hầu hết các hộ đều đào ao thả cá và một số hộ nuôi ong lấy mật.
Kinh tế tự nhiên (săn bắn, đánh cá, hái lượm) cũng có vị trí khá quan trọng trong đời sống thường nhật của người Hmông. Họ thường thu hái củ gấu, đẳng
sâm, hà thủ ô, hoàng liên, cánh kiến, chè…, là những lâm sản có giá trị hàng hóa cao để trao đổi; ngoài ra còn tìm kiếm các loại cây, củ, quả… có giá trị dinh dưỡng để làm phong phú thêm chất lượng bữa ăn hàng ngày. Ngoài mục đích tìm kiếm thêm nguồn thực phẩm, người Hmông đi săn còn nhằm mục đích bảo vệ mùa màng đối với các loại muông thú chủ yếu như: lợn rừng, cầy, chồn, khỉ, gà rừng… Vũ khí chính súng kíp, nỏ và các loại bẫy do người Hmông tự tạo.
Sản xuất thủ công nghiệp gồm các nghề: đan lát mây tre, làm đồ gỗ, làm giấy bản, làm đồ trang sức, rèn đúc nông cụ, vũ khí, làm nhang, nấu rượu… Ở bản Mô Cổng, chúng tôi quan sát thấy một số thợ chuyên nghiệp trong các nghề: rèn đúc, làm bạc, làm gạch. Sản phẩm của thủ công nghiệp chủ yếu nhằm thỏa mãn những nhu cầu của sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình và dân bản.
Năm 2003, các bản người Hmông xã Phỏng Lái đã có điện lưới quốc gia. Từ khi có điện, phần lớn các hộ gia đình trong bản đã sử dụng ti vi. Một số nhà có chảo thu truyền hình. Cuộc sống tinh thần của các hộ gia đình từ khi có điện đã ngày được cải thiện và thay đổi hơn trước rất nhiều.
Qua khảo sát tại bản Mô Cổng có sự tham gia đại diện của những người nông dân và các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Thanh niên, Người cao tuổi… đã tiến hành phân loại mức sống của các hộ trong bản cho thấy: hộ khá chiếm ½, đây là những hộ biết tính toán làm ăn, có kinh nghiệm sản xuất tốt, chăn nuôi nhiều trâu bò (bò có từ 5 - 6 con, trâu 2-3 con trở lên), có xe máy, có tivi, có đài; các hộ có điều kiện kinh tế trung bình chiếm đa phần còn lại, là những gia đình chịu khó làm ăn nhưng tính toán còn hạn chế, có kinh nghiệm sản xuất, có chăn nuôi nhưng số lượng trâu, bò ít hơn các hộ khá; còn những hộ nghèo đói có tỷ lệ rất thấp, là những gia đình thiếu kinh nghiệm sản xuất hoặc lười lao động, không biết tính toán làm ăn nên hàng tháng chỉ đủ gạo ăn, điều
kiện sinh hoạt tạm bợ nhà chỉ là lợp mái gianh, không có trâu bò để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Về thu nhập: Thu nhập chính của người Hmông chủ yếu là trồng lúa, ngô từ nương rẫy và chăn nuôi lợn gà, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình. Ngoài ra, đồng bào còn có nguồn thu nhập thêm từ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như dệt vải, đan lát, rèn, đóng đồ gỗ, làm đồ trang sức... bán lấy tiền.
Do tập quán gieo trồng và tiêu dùng, nên đồng bào Hmông trồng rất nhiều loại cây khác nhau, nhưng chủ yếu chỉ để phục vụ tiêu dùng hàng ngày của gia đình chứ chưa trở thành hàng hoá. Những người chịu khó làm ăn, thu được nhiều thóc, nhiều ngô ăn không hết để bị mọt, đến năm mất mùa lại không đủ lương thực để ăn, sản xuất nông nghiệp thì vô cùng vất vả (3 năm được mùa mới đủ ăn, một năm mất mùa thì 3 năm đói). Trên vùng cao, trừ lúa ngô thu về cất giữ trong nhà, trong lán ở ngoài nương thì cất giữ bầu bí, sắn, khoai, gừng… có khi chỉ để không, hỏng rồi bỏ đi một cách lãng phí. Nếu các loại nông sản người Hmông có thị trường để tiêu thụ tăng thu nhập, tích luỹ cho những năm sau thì đời sống sẽ bớt khó khăn hơn.
- Y tế và giáo dục: Mỗi bản trong xã có 01 cán bộ y tế là người của bản Hmông, nhưng chủ yếu khám và chữa các bệnh thông thường nên khi có người ốm gia đình vẫn mời thầy cúng thực hiện các nghi thức chữa bệnh hoặc dùng các bài thuốc tự kiếm trong rừng. Những trường hợp bệnh nặng mới đưa lên trạm y tế của xã cách bản 7 km, hoặc tuyến trên.
Ngoài các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông chung cho toàn xã, tại bản Mô Cổng còn có 6 lớp với 6 phòng học (từ mẫu giáo đến lớp 5). Số học sinh tại bản là 135 em, trong đó lớp 1 có 26 em, lớp 2 có 35 em, lớp 3 có 25 em, lớp 4 có 36 em, lớp 5 có 29 em và lớp mẫu giáo có 48 em. Cấp II có 38 học sinh, trong đó nam 6, nữ 32. Từ lớp 9 trở lên nếu muốn học tiếp các em phải đến
trường nội trú tỉnh.