6. Bố cục của luận án
2.3.4.1. Lễ cúng chung của các dòng họ người Hmông ở xã Phỏng Lái
- Lễ cơ đa: Chi họ Sùng Chúa Po cứ 3 năm lại tổ chức một lần tại nhà ông Sùng Nhìa Má - trưởng họ. Vào ngày làm lễ, tất cả các thành viên trong dòng họ phải về tập trung tại nhà trưởng họ; mỗi hộ mang theo một chai rượu và một đồng bạc trắng để thông báo về số nhân khẩu và số người đã chết của gia đình mình trong vòng 3 năm gần đây. Lễ cơ đa này là dịp để trưởng họ nắm được sự biến động về số nhân khẩu trong dòng họ, đồng thời truyền lại những quy định của dòng họ mình cho tất cả các thành viên biết và thực hiện, nhất là thế hệ trẻ.
- Lễ shầu su được thực hiện ở một số dòng họ như họ Sùng, Thào. Tuy nhiên họ Sùng chỉ tổ chức lễ này khi bầu trưởng họ mới. Trong buổi lễ shầu su, các thành viên họ Sùng mang đến nhà trưởng họ một sợi chỉ đỏ và những tờ giấy bản được nhuộm màu đỏ. Trưởng họ cho những sợi chỉ đó vào một cái chai rồi treo lên nóc nhà mình. Lễ vật làm lễ shầu su gồm một con lợn đực khoảng 100kg và một con dê từ 30-40kg. Thông thường, lễ shầu su phải cần tới 3 thầy cúng, vì vậy trưởng họ phải bói chọn thầy cúng. Cách bói chọn thầy cúng của họ Sùng là bói nước, theo cách này, ông trưởng họ lấy một chậu nước, trong đó để sẵn một nhúm gạo (tượng trưng cho các thành viên trong dòng họ) và một hạt đỗ (tượng trưng cho thầy cúng). Trưởng họ lấy tay khoắng vào chậu nước 3 lần, miệng lầm rầm đọc tên thầy cúng mình định chọn. Nếu cả 3 lần hạt đỗ và nhúm gạo chụm lại cạnh nhau thì ông thầy này được chọn, nếu không thì phải chọn thầy cúng khác, cứ làm lần lượt như vậy đến khi chọn đủ 3 người thì thôi. Họ Sùng còn có cách bói chọn thầy cúng khác là lấy đồng bạc trắng dính vào cột ma, nếu đồng bạc trắng bám vào cột ma thì thầy bói đó được chọn, còn nếu đồng
bạc trắng không bám vào cột ma thì phải chọn lại thầy cúng khác. Ngoài cách bói trên, họ Sùng còn thực hiện bằng cách lấy một hạt đậu cho gà ăn, sau đó cho gà ăn một hạt ngô đỏ, tượng trưng cho thầy bói thứ nhất, hạt ngô trắng cho thầy thứ hai và hạt ngô vàng cho thầy thứ ba. Sau đó con gà được mổ ra, nếu hạt ngô màu nào ngay cạnh hạt đậu là thầy bói đó được chọn. Trong lễ cúng sầu su, hai thầy cúng phụ ngồi trên một chiếc ghế, họ đọc tên đến hộ nào thì gia đình đó mang những sợi chỉ đỏ của mình bỏ vào chiếc chai để cạnh thầy cúng. Gọi xong tên các hộ gia đình trong dòng họ, thầy cúng chính sẽ trèo lên một chồng ghế chín tầng, một tay cầm bó hương và tay kia cầm con dao. Thầy cúng gọi từng hộ trong dòng họ mang các hình nhân bằng giấy bản nhuộm đỏ, vũ khí giả bỏ vào chiếc gùi đặt trên lưng con dê. Trưởng họ thắp 10 nén hương lên bàn thờ rồi khấn: “Tất cả hồn của dòng họ đã được giữ trong chai lọ, mong tổ tiên phù hộ cho các thành viên khi đi sản xuất không bị tai nạn, chăn nuôi không bị chết, lúa ngô được mùa, không bị hạn hán”. Sau khi khấn xong, người ta thịt lợn để cúng tổ tiên ông bà. Con dê gùi tiền bạc cho tổ tiên được một thầy cúng dắt đi theo hướng Tây Bắc ra một khe núi gần đó để làm thịt và đốt những tờ tiền giấy. Còn vũ khí giả, gạo và nỏ thật đặt vào các khe núi gặp trên đường đi. Con dê được làm thịt và ăn ngay tại đó, tuyệt đối không mang về nhà, nếu vi phạm thì tổ tiên sẽ không nhận là ma của dòng họ nữa. Sừng con dê được đặt trên một hòn đá cao.
Họ Thào cũng làm lễ shầu su, 3 năm một lần vào ngày 30/12 âm lịch. Mỗi hộ gia đình trong dòng họ Thào chuẩn bị một tờ giấy bản, cắt 3 lá gianh nhỏ, 3 hòn than củi và một nhúm ớt khô. Trước khi mang những thứ đó đến nhà trưởng họ, chủ nhà vo tất cả chúng lại với nhau rồi dùng để lau từ cửa bếp lên đến nhà với ý nghĩa tượng trưng là để đuổi tà ma ra khỏi nhà mình. Khi trưởng họ đọc lời khấn đến gia đình nào thì ông chủ nhà vãi than củi và ớt xung quanh người, còn
các con cháu phải có trách nhiệm nhặt chỗ than củi và ớt đó vào trong một cái chai để sau đó treo lên cột cái của nhà trưởng họ. Lấy giấy bản phủ lên người con dê và dắt dê đến một khe núi để làm thịt và ăn uống giống như họ Sùng.
- Lễ thi su: Dòng họ Sùng tổ chức cứ 20 năm một lần hoặc được thầy cúng mách bảo phải tổ chức lễ này khi trong dòng họ có “vấn đề” không tốt lành. Để làm lễ cúng thi su cần có 2 thầy cúng, một thầy cúng là người trong họ và một thầy cúng là người họ khác. Họ Sùng chọn thầy cúng là người họ khác bằng cách: cho quả trứng gà chưa luộc dựng đứng vào bát gạo, nếu quả trứng đứng thì thầy cúng đó được chọn, nếu quả trứng đổ thì phải tìm thầy khác. Mỗi hộ trong dòng họ chuẩn bị 3 tờ giấy bản nhuộm 3 màu xanh, đỏ, trắng và một bó hương mang đến nhà trưởng họ. Những tờ giấy bản được phủ trên lưng con dê và được mang ra chân núi giết làm thịt ăn tại chỗ, nhưng những người dòng họ Sùng không được ăn thịt dê đó. Sau khi cúng dê xong, hai thày cúng về nhà đặt một cái chum tre đan rỗng hai đầu ngay trước cửa chính nhà trưởng họ và mỗi thày cúng cầm một cây giáo đứng bên cạnh chiếc chum đó. Các thành viên trong dòng họ lần lượt phải chui qua chiếc chum rỗng để vào nhà. Sau khi làm lễ thi su
ở nhà trưởng họ xong, các gia đình trong dòng họ 3 ngày không cho người lạ vào nhà, không được tiêu tiền, không được lấy dao bổ củi, chặt cây. Dòng họ Sùng cho rằng, những ai vi phạm các kiêng cữ trên thì người trong gia đình đó sẽ gặp phải tai nạn, rủi ro.
- Lễ lử tau (đuổi tà ma) của dòng họ Mùa : được tổ chức vào ngày 27 tháng 7 âm hàng năm. Vào ngày này tất cả các thành viên trong dòng họ, từ trẻ nhỏ đến những người già đều phải tập trung tại nhà trưởng họ. Mỗi thành viên phải chuẩn bị hai sợi chỉ, một màu đỏ và một màu xanh để buộc vào cành tàu cay của mình. Chủ nhà gộp tất cả những cành tàu cay của các thành viên trong gia đình lại thành một bó, trước khi mang bó đến nhà trưởng họ, ông ta cầm bó
tàu cay đi 2 vòng xung quanh nhà với ngụ ý đuổi tà ma ra khỏi nhà. Một người cao tuổi trong dòng họ cùng trưởng họ xếp và buộc các bó tàu cay của các hộ thành một bó to rồi treo lên cây pò già theo hướng mặt trời lặn. Tất cả mọi người không phân biệt già trẻ gái trai lúc này tề tựu một cách nghiêm trang xung quanh cây pò già. Trưởng họ trong bộ y phục dân tộc, đeo dao găm bên hông, một tay cầm chiếc dao quắm và tay kia cầm cái gáo làm từ quả bầu vừa đi vừa đọc lời khấn. Cứ đi một vòng xung quanh cây pò già trưởng họ lại uống một hớp rượu rồi phun ra xung quanh. Sau mỗi đoạn khấn trời đất và ma quỷ, ông đọc tên những người trong dòng họ từ trẻ tới các bậc đã quá cố theo từng thế hệ cho tới đời kị mới kết thúc. Sau bài khấn, trưởng họ dùng con dao quắm chặt đôi bó tàu cay và tất cả các thành viên trong dòng họ cùng hô vang lên. Nghi lễ tiếp theo là qua cổng ma lử tau, trưởng họ cầm con dao chạm vào phần còn lại của bó tau cay để đại diện từng hộ gia đình chui qua cổng đó. Bước cuối cùng của buổi lễ, trưởng họ sẽ mời một người thuộc dòng họ khác, thường là anh rể hay chú rể của dòng họ, cầm nỏ bắn về phía mặt trời lặn. Buổi tối cả dòng họ tổ chức ăn uống tại nhà trưởng họ. Bữa tiệc này kiêng ăn thịt động vật và tuyệt đối không được ăn tiết canh; chỉ được phép ăn đậu phụ luộc, canh, uống rượu và ăn cơm. Trong ngày tổ chức lễ lử tau, người nào trong dòng họ Mùa không đến tham dự được thì phải nghỉ ở nhà, tuỵệt đối không được đi làm nương, không được cầm búa, liềm. Người dòng họ Mùa tin rằng, nếu ai vi phạm những quy định trên của dòng họ thì sẽ gặp phải tai nạn hoặc sẽ bị ngất trong khi sản xuất.
Sự tích lễ lử tau được bắt nguồn từ câu chuyện kể rằng: Ngày xưa có 3 đứa trẻ trai họ Mùa đi chăn trâu, chúng chặt một cây pò già cắm xuống đất, rồi mỗi đứa cầm một cành tàu cay chạy đuổi nhau xung quanh cây pò già. Chạy được một lúc thì cả 3 đứa trẻ bị ngất nằm bất tỉnh nhân sự, đúng lúc đó có một ông già họ Mùa đi ngang qua và phát hiện ra. Ông lấy 3 cành tàu cay mà 3 đứa trẻ đã
cầm chơi, đi xung quanh cây pò già vừa đi vừa khấn và 3 đứa trẻ tỉnh trở lại. Từ đó, người họ Mùa lấy ngày 27/7 là ngày tập hợp mọi người trong dòng họ để làm lễ lử tau.
- Lễ lử sú (lễ đuổi tà ma) của dòng họ Thào và họ Vừ: lễ này của họ Thào
được tổ chức vào ngày 17 hoặc ngày 27/9 âm lịch, còn họ Vừ làm lễ này vào tối 30 tết cổ truyền hàng năm. Vào ngày tổ chức lễ, mỗi thành viên của họ Thào chuẩn bị một sợi chỉ đỏ và một miếng vải đen để buộc vào cành tau cay, còn người họ Vừ thì buộc 3 sợi chỉ đỏ xung quanh một cái vòng được làm bằng lá gianh. Mỗi hộ mang một cái cuốc, một con dao rựa đến nhà trưởng họ. Trưởng họ vào rừng chọn một cây pò già có 3 nhánh chặt về chôn trước cửa chính nhà mình, rồi lấy lá gianh tết thành một sợi dây thừng to hình tròn buộc vào một nhánh buông xuống gốc cây pò già; trên nhánh thứ hai treo một con gà sống; còn nhánh thứ ba giữ nguyên lá không treo bất cứ vật gì. Tất cả các thành viên trong dòng họ đứng xung quanh cây pò già để trưởng họ làm lễ. Khi trưởng họ hô to
tùa súa - nghĩa là giết chết thằng Sú đi (ma làm hại) thì cùng lúc đó ông cắt tiết con gà treo trên ngọn cây và mọi người trong dòng họ chạy qua vòng dây thừng bện lử sú, nếu máu gà rơi vào người là gặp may mắn. Sau đó các hộ gia đình mang cuốc và dao phay đặt ngang phía dưới cửa chính của nhà trưởng họ. Từng người trong dòng họ Vừ phải bước qua những công cụ này rồi mới được vào nhà.
2.3.4.2. Một số nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng khác của gia đình thành viên trong dòng họ
- Lễ Nhu đa (ma bò): Một trong những đặc trưng của các dòng họ Hmông
được biểu hiện qua lễ cúng ma bò (nhu đa). Theo phong tục, trong đời người con trai dù hoàn cảnh gia đình như thế nào, cũng phải làm nhu đa ít nhất là một lần để đền ơn công lao cho bố mẹ. Lễ nhu đa thường được tiến hành sau khi bố (mẹ) qua đời từ 3-5 năm. Con bò được chọn làm lễ nhu đa phải có hình thức đẹp,
không bị khuyết tật, lông đồng màu, đặc biệt không được dùng bò đã thịt hoặc bò chết. Trong trường hợp gia đình có người ốm nặng, đêm nằm mơ thấy chuyện bất an hoặc thấy rắn rết bò vào nhà thì phải mời thầy cúng đến làm lễ tạ hỏi tổ tiên xem có phải cha mẹ về đòi bò không. Mỗi dòng họ có những nghi thức cúng lễ nhu đa khác nhau về số lượng bát cúng, cách bày bát, chia thịt, địa điểm cúng và chỗ ăn. Riêng dòng họ Sùng còn cúng nhu đa khi trong nhà có người ốm đau và phải mời thầy cúng về làm lễ. Trong trường hợp thầy cúng xướng bài khấn và tung vật bói âm dương là hai mảnh sừng bổ đôi hay hai mảnh tre, nếu một sấp một ngửa thì gia đình phải làm nhu đa.
Để chuẩn bị lễ cúng nhu đa tạ ơn bố mẹ, người họ Sùng phải chọn con bò theo các tiêu chuẩn nói trên buộc vào một cây cột chôn phía trước nhà. Rải một chiếc chiếu gần chỗ buộc bò để đặt hai bộ quần áo: một chiếc áo nam và một bộ của nữ. Mang cơm và quả trứng luộc bóc vỏ ra chiếu để thầy cúng bắt đầu làm lễ. Trước tiên thầy cúng tung vật bói âm dương bằng hai mảnh sừng hay hai mảnh tre để gọi hồn của người chết về, nếu âm dương một sấp, một ngửa thì hồn đã về. Sau khi gọi được hồn về, thầy cúng bắt đầu khấn và mời hồn uống rượu, ăn cơm với trứng. Sau đó thầy cúng tiếp tục xin âm dương để mời hồn nhận bò của con trai. Thầy cúng cầm sợi dây lanh buộc từ mũi con bò đặt vào ống tay áo tượng trưng cho người được làm lễ nhu đa đang đặt chỗ chiếu, với ngụ ý giao bò cho người bố hoặc người mẹ đã chết. Để biết cha mẹ đã nhận hay chưa, thầy cúng lại xin âm dương bằng việc tung hai mảnh sừng hay hai thanh tre, nếu một sấp một ngửa thì sẽ kéo đứt dây lanh nối giữa mũi bò và tay áo của người bố (mẹ), cũng có nghĩa là người chết đã nhận và mang bò đi sang thế giới bên kia. Sau khi làm nhu đa cho bố (mẹ), họ Sùng phải giết gà để mời người phụ tá đi về nhận bò cùng người chết, nếu người chết là mẹ thì người phụ tá đi cùng thường là anh trai hoặc em trai của bà ta; nếu người chết là bố thì người phụ tá đi cùng
thường là cô hay thím của ông ta. Theo tập quán của người Hmông, người phụ tá không được ăn thịt bò nên gia đình phải cúng gà. Thịt bò được chia thành các phần khác nhau tuỳ thuộc vào quy định của từng dòng họ để làm lễ cúng như chi họ Sùng Chúa Po chia thịt bò thành 33 bát và 3 phần nhỏ và đặt ở phía trước nhà theo sơ đồ sau:
1 là đầu, 2 là cằm bò, 3 là chân trước bên phải, 4 là chân trước bên trái, 5 là chân sau bên trái, 6 là chân sau bên phải, 7 là đuôi, thịt và các bộ phận bên trong được chia đều cho các bát còn lại.
33 phần được sắp dọc từ trái qua phải, trong đó:Phần 1: phần mời bố hoặc mẹ, người đã nhận bò; Phần 2: Phần mời ông hoặc bà đã chết tức cha mẹ của người nhận bò; Phần 3 - 4: phần mời anh em trai và chị em dâu đã khuất cùng thế hệ ngang hàng với cha mẹ; Phần 5 - 6: Phần mời những anh em trai và chị em dâu đã khuất ngang hàng với chủ nhà; Phần 7: Phần mời con cháu đã chết của chủ nhà; Phần 8 - 33: Phần mời anh em họ hàng trong dòng họ mình.
- 3 phần nhỏ là a, b và c là phần dành để cúng ma bản, ma rừng, ma suối.
Còn chi họ Sùng Vả Li, thịt bò chia thành 13 bát và 3 phần nhỏ và đặt ở phía sau nhà theo sơ đồ sau:
a b c 13 …… ….. 7 6 5 4 3 2 1 a b c 33 …… ….. 7 6 5 4 3 2 1
Theo quy định của chi họ Sùng Vả Li, trước ngày làm nhu đa phải làm pua chơ, giết lợn đực để cúng tổ tiên ông bà trước xử ca. Khác với chi họ Sùng Chúa Pó, chi họ Sùng Vả Li phải làm lều ở ngoài nhà để đặt bộ quần áo của người chết. Còn khi mời hồn về, thầy cúng ra sau nhà làm lễ cạnh xử ca để mời hồn về