6. Bố cục của luận án
2.2.2. Những người có uy tín khác trong dòng họ
- Bà cô: Bà cô cũng là người có tiếng nói rất quan trọng trong nhiều mặt đời sống của dòng họ. Một người phụ nữ có thể được bầu hoặc suy tôn làm bà cô dòng họ phải có những tiêu chuẩn như: có gia đình và con cháu thuận hòa, cần cù lao động; gương mẫu trong sinh hoạt; có trách nhiệm chăm lo, giúp đỡ mọi người; am hiểu phong tục tập quán và những quy định của dòng họ;… Mặc dù khi đi lấy chồng, bà cô trở thành người nhà chồng và thuộc ma nhà chồng, song vẫn có trách nhiệm đối với con cháu của các anh em trai. Bà cô có quyền thay đổi nghi thức làm ma, góp ý kiến trong việc cưới chồng cho cháu gái, quyết định
đồ sính lễ và thách cưới, cùng với trưởng họ và các bậc cha chú quyết định việc làm ma cho bố (mẹ) của cháu. Khi trong dòng họ có người già chết, bà cô được mời đến để làm lý khi mổ trâu, mổ bò. Nếu người trong dòng họ làm những điều sai trái, tự tử, thì bà cô phải đứng ra khuyên bảo những người trong họ không được làm những việc như vậy và những người trong dòng họ phải có trách nhiệm nghe theo. Bà cô còn là nhân vật có trách nhiệm giám sát mọi người trong dòng họ thực hiện các luật tục của dòng họ và của cộng đồng. Nếu người trong họ không nghe theo lời chỉ bảo của bà cô, thì theo người Hmông tin rằng sẽ bị rắn cắn, đá rơi, hay tai nạn trên đường. Tuy nhiên, bà cô chỉ giới hạn quyền và trách nhiệm trong dòng họ mình chứ không có tiếng nói chi phối đến những thành viên khác ngoài dòng họ
- Ông cậu (Tsi đangz): Ông cậu là những người em trai cùng mẹ trong hệ thống thân tộc của người Hmông. Trách nhiệm của ông cậu về đại thể giống với vai trò của bà cô đối với con cháu của chị em gái mình. Khi cháu gái lấy vợ, ông cậu có quyền tham gia ý kiến, nhiều trường hợp được cử làm đại diện nhà gái để giao tiếp với người mối và đại diện nhà trai. Nhưng trong việc hôn nhân, vai trò hay quyền quyết định của ông cậu không bằng bà cô. Ngược lại trong ma chay, uy tín của ông cậu lại lớn hơn. Khi gia đình người cháu có đại tang (bố hoặc mẹ mất), phải mời ông cậu đến tham gia và quyết định việc tổ chức tang lễ. Ông cậu thường được tham gia và cho ý kiến quyết định các vấn đề sau trong việc tang ma như: Thời gian để ma là bao nhiêu ngày, số lượng trâu, bò, lợn dùng trong đám ma, cắt cử nhiệm vụ cho các thành viên trong đám ma, …
Tùy theo tình hình và được điều kiện thực tế của gia đình dòng họ mà ông cậu quyết định nghi lễ tổ chức làm ma cho người quá cố. Ông là người đầu tiên cầm búa đập vào đầu con bò sẽ thịt làm lễ cúng cho người chết. Trong đám ma, mâm cơm ông cậu ngồi phải là một trong bốn mâm cơm quan trọng nhất của
người Hmông.
Như vậy, có thể thấy trong dòng họ của người Hmông, ông cậu và bà cô là những người có tầm quan trọng trong khá lớn, thậm chí quyết định một số công việc của dòng họ và các gia đình thành viên.
Các bậc cha chú (Nierev txir): Theo quan niệm của người Hmông, những người đàn ông trong cộng đồng từ 50 tuổi trở nên, có gia đình hòa thuận và uy tín nhất định trong xã hội, am hiểu về phong tục tập quán và giàu kinh nghiệm sản xuất thì được liệt xếp vào hàng cha chú. Những bậc cha chú không nhất thiết phải là người có điều kiện sống khá giả trong làng bản, mà chủ yếu là những người có khả năng tư vấn cho ông trưởng họ trong các công việc có liên quan đến tập quán truyền thống.
Khi ông trưởng họ chết đi thì các bậc cha chú của dòng họ có trách nhiệm đứng ra tổ chức lo liệu việc ma chay theo đúng phong tục tập quán. Một trong số những người thuộc hàng cha chú phải tạm thời đứng ra đảm nhận trách nhiệm trưởng họ trong khi chờ việc hoàn tất chuyển giao quyền hạn và nhiệm vụ của trưởng họ mới (thường sau khi chôn cất mai táng xong sẽ tiến hành bầu trưởng họ mới). Những người thuộc bậc cha chú không có quyền lợi gì đặc biệt ngoại trừ họ là những người có uy tín trong cộng động, được dòng họ và dân làng tín nhiệm. Ngày nay, một trong những trường hợp trở nên phổ biến là các trưởng bản được trẻ hóa, có những người đảm nhận cương vị này khi tuổi đời chỉ hơn 30. Tuy nhiên, trưởng bản vẫn có vai trò ngang bằng với những bậc cha chú tròng làng và trong họ được cộng đồng thừa nhận.
- Già làng: Thường già làng là các bậc cha chú trong những dòng họ trong bản có độ tuổi từ 60 trở lên. Họ là người am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc và giàu kinh nghiệm sản xuất. Trong xã hội xưa, các đại diện dòng họ tập hợp lại thành Hội đồng già làng, thường được các chức dịch mời bàn những công việc
chung của bản. Ý kiến của họ thường phản ánh nguyện vọng của dân làng, cũng là của mỗi dòng họ. Bên cạnh đó, còn đóng vai trò như trọng tài để giải quyết các xích mích giữa các gia đình hay dòng họ. Già làng là người am hiểu luật tục và tập quán pháp của người Hmông ở địa phương nên họ thường là những người cố vấn cho trưởng bản trong xử lý công việc chung.
- Thầy cúng (Txir nênhz): Tuy không tham gia vào bộ máy điều hành công việc chung của làng và dòng họ, nhưng các thầy cúng lại có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Họ là những người tổ chức các nghi lễ cúng chung của làng, của dòng họ. Những người là thầy sa man thường tổ chức cúng chữa bệnh cho các thành viên trong họ, trong làng. Tại Phỏng Lái, thường mỗi dòng họ có một hay một vài người biết làm thầy cúng, để khi các gia đình có việc sẽ mời đến nhà làm lễ, như khi một gia đình có người ốm, sẽ mời thầy cúng tới tiến hành gieo quẻ bói xem ma nào đã làm hại, sau đó thực hiện lễ cúng để đuổi con ma đấy đi, chữa bệnh cho người ốm. Thầy cúng có thể ở ngay trong làng hoặc ở xa đến vài ngày đường đi bộ. Hiện nay, thầy cúng là người thường xuyên góp mặt trong các dịp hiếu hỷ của các gia đình, thực hành các chức năng nghi lễ mang tính thiêng và không đòi hỏi công xá. Gia chủ thường tùy tâm biếu họ một chút tiền và lễ vật như rượu, thịt sau buổi lễ.
Trong xã hội Hmông, thầy cúng được coi như một công việc không phải ai cũng làm được, mà cần phải có duyên với nghề. Thầy cúng không phải do cha truyền con nối, mà đều phải học từ những thầy cúng có thâm niên, uy tín người Hmông truyền lại.
- Thầy ma (Txir Kayđa): Ngoài thầy cúng, thầy ma là một nhân vật hành nghề tôn giáo khá phổ biến trong cộng đồng Hmông. Khác với việc chữa bệnh của thầy cúng, thầy ma là người chuyên đảm trách các công việc liên quan đến cúng ma nhà, ma người chết. Những người này phải là người cùng họ gắn bó
công việc với dòng họ và không đi làm cho những dòng họ khác. Nói cách khác, ông ta là thầy riêng trong dòng họ của mình. Mỗi dòng họ có một hoặc nhiều thầy ma phục vụ những công việc có liên quan đến cúng ma của các gia đình thành viên trong dòng họ.
Thầy ma là người không cần phải trải qua trình học nghề nghiêm túc và bài bản như thầy cúng. Ông ta có thể là người am hiểu phong tục tập quán, biết thực hiện các nghi lễ cũng ma. Mỗi dòng họ của người Hmông có một cách thức làm ma riêng biệt. Những thầy ma cũng không đòi hỏi công xá thù lao cho công việc của mình, nhưng thường sau khi công việc xong gia chủ có một chút lễ vật gửi biếu họ như con gà, chai rượu để tỏ lòng biết ơn. Nhà nào cúng bò, cúng lợn thì dành phần thủ biếu riêng cho thầy ma.
2.2.3. Quan hệ của người đứng đầu và những người có uy tín trong dòng họ
Cho đến nay, dòng họ vẫn đóng vai trò quan trọng chi phối nhiều mặt đời sống của người Hmông. Yếu tố cố kết dòng họ và khẳng định vị trí của dòng họ trong cộng đồng cũng tác động nhiều mặt đến sự gia tăng dân số. Do quan niệm dòng họ càng lớn thì thế lực càng mạnh, chính vì thế ở các bản Hmông dòng họ nào đông người nhất thì có người làm trưởng bản hay nắm giữ các trọng trách trong cộng đồng. Điều này dễ dẫn đến hệ quả là một số dòng họ nắm quyền trong thời gian dài, dẫn đến tính cục bộ trong bộ máy chính quyền cơ sở, các thành viên khác của những dòng họ khác trong bản ít có tiếng nói đóng góp ý kiến, và vì thế tính dân chủ ở cấp cơ sở là một vấn đề đáng chú ý.
Ở người Hmông, trưởng dòng họ là người có vai trò quan trọng nhất trong dòng họ. Ông đại diện cho dòng họ liên hệ với chính quyền địa phương nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của các gia đình thuộc dòng họ mình. Ông cũng là người thường xuyên được chính quyền địa phương hỏi ý kiến
về những vấn đề liên quan đến dòng họ và cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở, như: cưới xin, tang ma, lễ hội, triển khai thực hiện chính sách,...
Trưởng họ có vai trò quan trọng hơn bà cô và ông cậu, bởi vậy ông ta có thể nói với những người này điều chỉnh những thể lệ trong tổ chức cưới xin và tang ma để thực hành tiết kiệm tránh lãng phí. Đồng thời trưởng họ cũng là người có quyền triệu tập và tổ chức các kỳ họp thường niên của dòng họ; có quyền lực phân bố các nguồn lực của dòng họ để giúp đỡ các gia đình thành viên thuộc diện khó khăn cho công bằng và hợp lý.
Trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Hmông, vai trò trưởng họ luôn được khẳng định. Sự thống nhất về mặt tinh thần thông qua dòng họ đem lại một sức cố kết rất lớn trong cộng đồng. Thông qua vai trò của trưởng họ, nhiều vấn đề quan trọng không chỉ của dòng họ mà của cả cộng đồng được giải quyết thông suốt. Mặt khác, sự thống nhất gần gũi về mặt địa vực cư trú, các gia đình cùng dòng họ sống gần gũi nhau tạo thành từng cụm trong làng là cơ sở đảm bảo cho sự thống nhất và khẳng định vai trò của ông trưởng họ đối với cộng đồng người Hmông.
Trước đây và hiện nay, ở một số nơi trưởng bản cũng là trưởng dòng họ có dân số đông trong bản. Người đứng đầu làng bản là người am hiểu phong tục tập quán và các tri thức của cộng đồng; có đạo đức và uy tín đối với dân làng, sẵn sàng dốc sức vì công việc chung; có khả năng quản lý, điều hành các công việc của làng; giỏi giao thiệp, lời nói có tính thuyết phục. Chẳng hạn, ở bản Mô Cổng, nhiều năm ông Sùng Giả Dia vừa là trưởng bản vừa là người đứng đầu họ Sùng. Sở dĩ ông đảm nhận được vai trò này là do cá nhân ông là một tấm gương điển hình người tốt việc tốt, luôn gương mẫu và thực hiện nếp sống văn minh ở làng bản, là gia đình đầu tiên hưởng ứng chủ chương chính sách của Đảng và Nhà
nước về xây dựng đời sống nông thôn mới. Ông nhận thức những việc tang ma, cưới xin và lễ hội theo nếp sống mới sẽ giúp người Hmông tiết kiệm và tránh được nhiều tập tục không còn phù hợp với hiện tại, nên đã vận động bà con trong dòng họ và trong bản đổi mới trong nhận thức và thực hành trong những công việc này.
Những năm gần đây, trưởng bản người Hmông là những người trẻ tuổi có số lượng gia tăng. Những người này thường có trình độ học vấn cao, tốt nghiệp hết lớp 12, là những người có kinh nghiệm giao tiếp xã hội, nhanh nhạy nắm bắt kinh nghiệm sản xuất và có uy tín trong bản. Qua khảo sát ý kiến của các hộ gia đình chúng tôi nhận thấy, người dân cũng đánh giá cao vai trò của trưởng bản và bí thư, coi đây là những người quyết định các công việc chung của làng bản.
Bảng 5: Ai là người quyết định công việc chung của bản
Đối tượng Số phiếu Tỷ lệ (%)
Trưởng bản 257 95.9 Bí thư 267 99.6 Già làng 43 16 Thầy cúng, thầy mo 6 2.2 Người có uy tín 29 10.8 Cuộc họp chủ hộ 89 33.2
(Nguồn: Kết quả xử lý phiếu điều tra đề tài “Thiết chế xã hội xã hội truyền thống ở tỉnh Sơn La” của Viện Dân tộc học)
Trưởng bản là người chủ động tính toán lịch sản xuất cho cả bản và có quyền triệu tập các trưởng họ đến bàn bạc khi có công việc cần thiết. Các trưởng họ có trách nhiệm thông tin những vấn đề mà trưởng bản đã phổ cho các gia đình thành viên về trọng họ của mình.