6. Bố cục của luận án
3.1.4. Vai trò của dòng họ trong giữ gìn bản sắc văn hoá
Trong một chừng mực nhất định, người Hmông Trắng nói riêng và các nhóm Hmông khác nói chung, dòng họ có vai trò nhất định trong việc bảo tồn bản sắc văn hoá tộc người và tiếp thu các yếu tố văn hóa mới. Thông qua các sinh hoạt văn hoá của gia đình, dòng họ và cộng đồng, văn hóa tộc người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được thấm sâu vào mỗi thành viên.
Đối với văn hóa sản xuất, từ hệ thống công cụ sản xuất (chiếc cày Hmông, chiếc bừa, cuốc bướm cho đến búa chim, gùi), giống cây trồng đến các phương thức và kinh nghiệm canh tác của các dòng họ đến nay vẫn được bảo tồn và phát triển. Tất cả đều do sự sáng tạo của người Hmông làm ra để thích ứng với điều kiện tự nhiên nơi cư trú. Ở các dòng họ bao giờ cũng có người giỏi rèn đúc, tôi luyện sắt thép để tạo ra các công cụ thích hợp; người Hmông cũng luôn sẵn sàng chỉ dẫn, dạy bảo bí quyết cho những người cùng dòng họ. Các cụ già trong dòng họ thường là những người trao truyền các phương thức và kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống cho con cháu trong dòng họ.
Đối với văn hóa đảm bảo đời sống, từ việc ăn, ở, mặc, vận chuyển thì sự tác động của dòng họ cũng có những vai trò nhất định. Đó là cách giúp đỡ, hướng dẫn làm nhà cửa, cách chế biến các món ăn trong dịp lễ, tết, cưới xin, ma chay,... Trong mỗi thôn bản, người phụ nữ Hmông thường chỉ bảo cho nhau cách thêu dệt, may vá trang phục, đan lát, chế biến món ăn, chăm sóc con cái,...
Ngôi nhà người Hmông ngoài chức năng để ở và sinh hoạt, còn là nơi tiến hành nhiều nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng. Theo quan niệm của đồng bào, ngôi nhà là nơi trú ngụ của các loại ma (ma cửa, ma bếp lò, ma gác xép, ma cột chính...). Với chức năng như vậy, khi một gia đình trong dòng họ dựng nhà,
trưởng họ sẽ triệu tập một số thành viên trong họ đến giúp sức. Cột cái do đích thân trưởng họ lựa chọn và dựng lên, thể hiện sự tin tưởng vào vai trò trụ cột của dòng họ đối với các gia đình thành viên. Qua cách làm nhà mới, tính cố kết trong dòng họ được thể hiện rất rõ, và ngày càng củng cố thêm.
Trong gia đình người Hmông, việc dựng vợ gả chồng cho con cái có một ý nghĩa rất lớn đối với những bậc làm cha, làm mẹ. Đối với dòng họ, đó là một dịp trọng đại kết nạp thêm thành viên mới, nên đây cũng là một sự kiện được dòng họ người Hmông rất quan tâm. Trước khi cử hành hôn lễ, chàng trai và cô gái đều phải giới thiệu người yêu của mình với dòng họ, bà cô, ông cậu và gia đình. Nếu đạt được sự thỏa thuận giữa đôi bên thì đám cưới mới được tổ chức. Về phía gia đình nhà trai, trưởng họ, bà cô, ông cậu cùng với những người đại diện trong dòng họ sẽ tiến hành bàn bạc với gia đình về khâu tổ chức, cách thức, ngày giờ cụ thể, tuyển chọn hai ông mối (một người trong họ và một người khác họ). Họ đều là những người giỏi lý lẽ am hiểu phong tục dân tộc, không góa vợ, đông con cháu. Đối với nhà gái, dòng họ tham gia góp ý cùng với gia đình định ra số lễ vật mà nhà trai cần phải mang đến. Khi nhà trai đến dự lễ cưới tại nhà gái, ông trưởng họ phải cắt cử người đón tiếp, sắp xếp ăn uống cho mọi người tới mừng. Khi cô dâu chuẩn bị về nhà chồng, bà cô và những người có uy tín trong dòng họ dặn dò về cách cư xử với nhà chồng, luật tục của dòng họ mình để cô ta không vi phạm, không bị gia đình chồng cười chê.
Trong tang ma, người Hmông quan niệm chết là con đường giải thoát khỏi cực khổ, con người sẽ được đoàn tụ với tổ tiên. Nhưng nếu không được làm ma đầy đủ và đúng nghi lễ thì các linh hồn người chết sẽ phải sống vất vưởng. Vì vậy, nếu gia đình nào quá khó khăn không thể làm ma theo đúng tập tục, lúc này dòng họ sẽ cùng nhau giúp gia đình tổ chức lễ tang cho người quá cố. Khi có người qua đời, các gia đình trong dòng họ luôn tự nguyện giúp đỡ gia chủ tiền
mặt, gạo, rượu, củi để tổ chức lễ tang. Trong suốt thời gian tổ chức lễ tang, các thành viên trong dòng họ luôn thực hiện một cách nghiêm túc, nhiệt tình những công việc đã được giao, như: đào huyệt, mời thợ khèn, thầy chỉ đường, hậu cần, tiếp khách,... Kết thúc đám ma luôn là lời dạy bảo của trưởng họ, bà cô, ông cậu về nghĩa vụ của dòng họ đối với con cháu người đã mất. Dòng họ nào, trong khâu tổ chức đám ma để lại nhiều điều tiếng không tốt sẽ nhận được sự chê trách của các thành viên trong họ cũng như các dòng họ khác trong bản, trong xã.
Trong văn hóa ứng xử và chuẩn mực của xã hội, các dòng họ đều có những quy định chung cho mọi người cùng tuân theo, đó là luật tục. Tất cả các quy tắc ứng xử trong cuộc sống hàng ngày và luật tục đã góp phần tạo thành nếp sống văn hóa chuẩn mực của con người, hướng con người hành động theo lẽ phải và cái thiện, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Với văn hóa nhận thức, các dòng họ thường kể cho con cháu nghe về nguồn gốc tổ tiên của mình, nhằm để thế hệ sau biết rằng tất cả các dòng họ người Hmông đều có chung một ông tổ, đều là anh em với nhau nên phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau, không được chỉ vì quan hệ dòng họ mà bỏ qua quan hệ và lợi ích của đồng tộc, của cộng đồng. Trong mỗi dòng họ, người chi phối, kiểm soát việc thực hiện các nghi thức, nghi lễ cúng bái là bà cô và ông trưởng họ. Vì thế, ở các dòng họ, yếu tố văn hóa mới muốn xâm nhập được thông thường phải được thông qua sự ủng hộ của hai người này.
Như vậy, dòng họ có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người, trao truyền các giá trị văn hóa đó cho các thành viên trong dòng họ. Dòng họ cũng còn có vị trí quan trọng trong việc tiếp nhận và truyền bá các yếu tố văn hóa mới một cách phù hợp thông qua định hướng của ông trưởng họ và bà cô.