Đặc điểm văn hoá tinh thần

Một phần của tài liệu Dòng họ người hmông trắng tỉnh sơn la (Trang 37)

6. Bố cục của luận án

1.3.2.4. Đặc điểm văn hoá tinh thần

Người Hmông ở địa bàn nghiên cứu vẫn tổ chức và duy trì các phong tục tập quán, các nghi lễ, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa tinh thần và văn hóa ứng xử của người Hmông như nghi lễ trong sinh đẻ, trong đám cưới, trong tang ma và các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp.

- Tập quán sinh đẻ: Người Hmông có tập quán sinh con ở ngay buồng ngủ của sản phụ. Khi trở dạ, sản phụ ngồi ở dưới đất, phía cuối giường và tay vịn vào thành giường. Người đỡ thường là mẹ chồng hoặc chị, em gái chồng. Hoặc có thể nhờ bà đỡ khác trong làng, hoặc chính người chồng đỡ cho vợ. Hiện nay, sản phụ vẫn sinh con tại nhà, chỉ những trường hợp khó đẻ mới đưa đến trạm xá của xã.

Để cắt cuống rốn cho trẻ, người Hmông dùng dao hoặc kéo. Trước khi cắt, người ta xe chỉ, buộc cách rốn chừng hai đốt ngón tay và cắt cách chỗ buộc khoảng nửa gang tay. Sau đó trẻ được tắm bằng nước đun sôi để nguội, và thường do chính người bố tắm cho.

Nhau thai được bọc trong tờ giấy, nếu là nhau của bé trai thì được chôn ở cột ma, của bé gái thì chôn dưới chân giường bố mẹ nằm.

Tháng đầu sau khi sinh, sản phụ thường ăn cơm với thịt gà hoặc thịt lợn nạc. Để hồi phục sức khoẻ và có sữa cho con bú, sản phụ còn ăn món thịt gà nấu với nghệ đen, gạo nếp. Nếu bị mất sữa, sản phụ ăn canh thịt gà nấu với quả đu đủ xanh cùng với cây cỏ sữa. Người Hmông kiêng không để người lạ vào nhà trong nơi sản phụ nằm vòng một tháng, bởi quan niệm người lạ sẽ lấy mất sữa của trẻ. Nếu ai trót vào và có mang đồ vật đi cùng thì phải để lại, một tháng sau mới được lấy về. Để báo hiệu nhà có người ở cữ, gia đình cắm các cành lá xanh ở các cửa ra vào.

Những người không cùng ma (kể cả con gái đã đi lấy chồng), con gái chưa chồng mà có thai không được phép đẻ trong nhà. Nếu vi phạm thì ma nhà sẽ tức giận trừng phạt gia đình. Do đó, những người rơi vào trường hợp trên khi chuẩn bị sinh nở gia đình phải làm lán tạm ở ngoài vườn cho sản phụ đẻ, sau một tháng mới được vào nhà.

- Một số phong tục trong hôn nhân: Hôn nhân là sự liên minh mang tính chất giới tính giữa nam và nữ được hợp thức hoá bởi những quy định của xã hội, trên cơ sở đó nảy sinh những quyền lợi và trách nhiệm của vợ chồng trong quan hệ với nhau và với con cháu. Cho đến nay, chế độ hôn nhân của người Hmông ở xã Phỏng Lái biểu hiện khá sâu sắc những đặc điểm truyền thống tộc người.

Nội hôn tộc người và ngoại hôn dòng họ là nguyên tắc cơ bản trong chế độ hôn nhân của người Hmông ở đây. Mặc dù đã từ lâu người Hmông sinh sống gần với người Thái, người Kinh trên địa bàn xã Phỏng Lái và giữa họ có những mối quan hệ nhất định, nhưng hầu như không có trường hợp người Hmông kết hôn với người khác dân tộc. Có lẽ, cũng chính đặc trưng này giúp ta dễ dàng phân biệt người Hmông với các tộc người khác.

Người Hmông quan niệm rằng, việc dựng vợ gả chồng trước hết là để con cái nối dõi giống nòi, đồng thời nâng cao uy tín và thế lực cho dòng họ, để tăng thêm lực lượng lao động cho gia đình và có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Nhìn chung, nam nữ Hmông kết hôn tương đối sớm. Xưa kia không hiếm trường hợp con trai 12-13 tuổi đã lập gia đình và người vợ thường nhiều hơn chồng 5-7 tuổi. Hiện nay, phổ biến con trai xây dựng gia đình ở độ tuổi 17-18. còn con gái thường lấy chồng ở độ tuổi 15-16.

Nam nữ thanh niên Hmông chủ động tìm hiểu và lựa chọn người bạn đời tương lai của mình. Điểm hẹn hò, gặp gỡ của các bạn trẻ là những phiên chợ, những dịp lễ hội, ngày tết,… Vào các dịp này, thông qua các hình thức sinh hoạt

văn hoá tinh thần như ném còn, thổi khèn, sáo, hát đối đáp, các đôi trai gái nếu ưng nhau sẽ tách ra khỏi tốp bạn bè và đi chơi riêng. Trong quá trình tìm hiểu, nếu đôi trai gái yêu nhau sẽ trao vật kỷ niệm cho nhau như cặp tóc, nhẫn, gương, sợi chỉ,… Trong 3 ngày, nếu vật kỷ niệm không bị trả lại thì coi như người con gái đồng ý lấy chàng trai đã trao kỷ vật hẹn ước với mình làm chồng. Vật kỷ niệm cũng là bằng chứng, là cơ sở để bên nhà trai có thể sang bắt cô gái về làm vợ, để cãi lý khi gặp phải sự phản đối của chính cô gái và gia đình, dòng họ cô ta.

Khi đôi trai gái đã yêu nhau và được sự đồng ý của cha mẹ, hai bên sẽ tuần tự thực hiện các nghi lễ sau:

Lễ nhập ma diễn ra vào ngày chàng trai dẫn hay “bắt” người con gái về nhà mình. Về tới nhà, họ đứng trước cửa chính, chàng trai thông báo cho bố mẹ đang ở trong nhà biết rằng hôm nay anh ta đã đưa người yêu về nhà. Lúc này bố (hoặc một người trong họ) bắt một con gà trống và lấy một que củi đang cháy để làm lễ nhập ma cho cô gái. Người này ở trong cửa nhà cầm con gà và que củi đứng đối diện với đôi trai gái và làm động tác vừa khua con gà với que củi trên đầu hai người vừa nói: hôm nay gia đình có cô dâu đến nhà, làm ma gia đình rồi không được đi đâu nữa. Đã thành vợ chồng để cùng nhau sinh sống, làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Sau đó, nhà trai cử một đại diện trong dòng họ (thường là bác hoặc chú chàng trai) sang nhà gái để báo tin cho bố mẹ cô gái biết rằng: “Con của hai gia đình đã yêu nhau và đồng ý đính hôn với nhau. Cô gái đã về nhà trai rồi, ông bà yên tâm và đừng đi tìm con nữa".

Sau 3 ngày nhà trai tiến hành tổ chức lễ cưới. Ngày hôm đó tại nhà trai, trước khi sang nhà gái tổ chức lễ cưới, bố (hoặc một người trong dòng họ) lấy hai con gà, một quả trứng, một bát gạo có thắp 5 nén hương để vào mâm đặt trước cửa chính làm vía cho đôi trai gái. Gia đình thịt con lợn khoảng 20-30kg để

chuẩn bị mâm cơm cho ông mối. Thành phần có mặt trong bữa cơm hôm đó nhất thiết phải mời trưởng họ hoặc đại diện trong họ và hai ông mối được uỷ quyền thay mặt gia đình chỉ đạo giải quyết mọi việc liên quan đến đám cưới ở nhà trai cũng như khi đến gia đình nhà gái.

Khi chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cần thiết, gia đình nhà trai cử đoàn đại diện sang nhà gái tổ chức lễ cưới. Thành phần đoàn gồm: hai ông mối, chú rể, cô dâu và một phù rể là anh em con chú con bác làm nhiệm vụ đỡ rượu cho chú rể khi cần thiết. Ngoài ra, còn có một số người của nhà trai gánh lễ vật và đồ cưới. Khi sang nhà gái, ông mối luôn cắp ở nách một chiếc ô đen, đầu ô hướng về phía trước, cán ô buộc một mảnh vải trắng và hướng về phía sau. Khi tới nhà gái, chiếc ô sẽ được treo trên vách tường phía trái “xử ca” và được chuyển sang phía phải “xử ca” khi uống đến chén rượu ngọt.

Trong ngày cưới, tất cả đoàn người bên nhà trai ai nấy đều tham gia vào công việc đám cưới theo sự phân công từ trước của hai ông mối. Tại gian giữa nhà gái, người ta đặt sẵn một cái mâm để hai ông mối nhà trai và hai ông mối nhà gái giao và nhận số tiền thách cưới. Đại diện nhà gái nhận số tiền và lễ vật đó giao lại cho bố mẹ cô gái.

Đám cưới tổ chức ở nhà gái thường diễn ra một ngày. Trong thời gian này chú rể luôn nhận được sự đón tiếp chu đáo và được anh em họ hàng nhà gái chúc rượu liên tục. Riêng cô dâu không được phép tiếp xúc với chú rể mà phải ở trong buồng.

Sáng ngày hôm sau, để chuẩn bị đưa dâu về nhà chồng, gia đình nhà gái tổ chức nghi lễ uống rượu và cho của hồi môn. Theo tập quán, dù hoàn cảnh gia đình giàu hay nghèo, bố mẹ nhất định phải sắm cho con gái một vòng cổ bằng bạc, một bộ váy, hai con gà mái, một con lợn cái đã đẻ vài lứa. Của hồi môn còn gồm những tài sản mà cô gái tự làm ra trong thời gian còn ở chung với bố mẹ.

Sau khi làm xong các thủ tục tại nhà gái, đoàn nhà trai trở về nhà. Lúc đi và lúc về họ đều phải dừng lại ăn cơm trưa giữa đường rồi mới về nhà. Khi đón dâu về, tuỳ điều kiện kinh tế của từng gia đình mà tổ chức đám cưới lớn hay nhỏ. Thông thường lễ cưới tổ chức tại nhà trai kéo dài một ngày và một đêm.

- Một số phong tục trong tang ma: Người Hmông quan niệm rằng, khi có người chết, điều đó nghĩa là người này đã hoàn thành nghĩa vụ ở trần gian và được về với thế giới của tổ tiên. Bởi vậy, sau khi bắn ba phát súng hay thổi ba hồi tù và báo hiệu có người đã tắt thở, gia đình của người chết phải tiến hành ngay nghi thức báo cho tổ tiên biết. Người ta thắp một nén hương cắm lên bàn tổ tiên và khấn: “Hôm nay là ngày... gia đình chúng tôi có một người tên là... sẽ nhập về nơi tổ tiên, xin tổ tiên hãy đón nhận người đó”.

Đường về với thế giới tổ tiên của linh hồn người chết rất gian nan vất vả. Người ta phải làm lễ Kruôz (Chỉ đường) với 36 bài cúng đưa hồn người chết vượt qua chín tầng thử thách, dặn người chết các ký hiệu để nhận ra tổ tiên và mặc cho người chết bộ quần áo hoặc váy bằng vải lanh để tổ tiên nhận ra họ. Lễ Kruôz là nghi thức rất quan trọng trong đám ma của người Hmông và hình phạt đáng sợ nhất trong truyền thống của đồng bào là sống không được coi là người của cộng đồng, chết không được về với tổ tiên.

- Một số phong tục và nghi lễ liên quan đến nông nghiệp

* Lễ cúng "Chi tê": Vào tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, sau khi cây cối bắt đầu nảy mầm, để bảo vệ mùa màng, tránh bị sâu bọ, chim chóc phá hoại người Hmông tiến hành lễ cúng "Chi tê” (Thần đất). Lễ vật cúng bắt buộc phải có một con gà trống bắt đầu gáy, hương, tiền, cơm. Lễ cúng được tiến hành hai lần: cúng sống và cúng chín. Lần 1: đặt 4 tờ giấy bản, 2 chén rượu đặt lên một cái giàn bắc trên 4 cột nứa hoặc tre dựng giữa đám nương. Chủ nương một tay cầm 12 nén hương, một tay cầm con gà khấn mời thổ công; cắt tiết, lấy 4 lông đuôi cánh cắm 4 cột tượng trưng cho 4 phương trời phù hộ một vụ mùa bội thu.

Sau đó, gà được đem luộc chín để cúng lần hai. Chủ gia đình đặt lên giàn cúng thịt gà, giấy bản cùng cơm, canh và rượu, khấn mong mùa màng tốt tươi. Sau đó, lấy ít cơm, ít thịt gà và chan nước canh đổ lên giàn, đốt tiền giấy rắc đều ra nương. Làm như vậy, người Hmông tin rằng sẽ tránh được sự phá hoại của sâu bọ và bảo vệ mùa màng trước muông thú dữ. Lễ vật sau khi cúng xong, phải ăn ngay tại nương không được mang về nhà. Những trường hợp chủ nương không biết cúng phải mời thày cúng thực hiện nghi lễ này. Khi đó, thầy cúng cũng làm những bước tương tự như trên nhưng trước khi cúng phải lấy một miếng vải đỏ buộc vào giàn cúng, tức là đã được sự ủy quyền của chủ nương. Nếu gia đình có nhiều mảnh nương ở cùng một chỗ thì chỉ cần tổ chức lễ cúng một lần, nếu các mảnh nương cách xa nhau thì mỗi nơi phải làm nghi lễ khác nhau.

* Lễ Pẩu tê: Sau khi thu hoạch xong (vào tháng 10, 11), nếu gia đình năm đó được mùa thì phải tổ chức làm lễ Pẩu tê (cúng tạ ơn Thần đất). Cách thức cúng giống như lễ Chi tê. Trường hợp mất mùa thì chỉ cần lấy 12 nén hương khấn báo cho Thổ thần biết.

Lễ mừng cơm mới, ngô mới: Sau khi ngô, lúa chín người Hmông ở đây thường làm lễ Lài đá po cư chia (Cúng ngô mới) và lễ Mó plê chia (Cúng cơm mới). Đồng bào bẻ những bắp ngô non để luộc hay gặt ít lúa mới giã thành gạo để nấu cơm cúng.

Lễ mừng cơm mới, ngô mới thể hiện sự kính trọng của người Hmông đến tổ tiên ông bà, có bát cơm dẻo thơm hay những bắp ngô non đầu mùa để tổ tiên ông bà hưởng trước và phù hộ cho con cháu sang năm có vụ mùa bội thu. Đây cũng là hình thức báo công của người chủ gia đình sau một vụ làm nương vất vả cực nhọc.

Người Hmông thường thu hoạch lúa vào tháng 10 (âm lịch), nên người chủ gia đình thường làm lễ cúng cơm mới vào tháng 9. Việc tổ chức đơn giản hay cầu kỳ tuỳ thuộc vào sự giàu nghèo của gia đình. Những gia đình có nhiều đất,

nhiều gia súc thì trong lễ cúng cơm mới thường mổ lợn, mổ gà mời mọi người trong dòng họ tới dự, hưởng niềm vui chung trong vụ thu hoạch bội thu. Những gia đình không có điều kiện thì chỉ cúng một bát cơm lúa mới, một con gà luộc, một chai rượu để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà. Trường hợp ruộng ít, cuộc sống còn khó khăn thì chỉ có bát cơm gạo tẻ, chén nước, thẻ hương cũng được dân bản cảm thông, tổ tiên chấp nhận.

Thông thường trong lễ cúng cơm mới, những họ Thào, họ Mùa đặt 2 chén rượu ở đầu mâm; họ Vừ, họ Vàng, họ Sùng đặt 1 chén rượu bên dưới mâm. Trên mâm bầy 1 bát thịt, 1 bát canh, 1 rổ cơm và cắm 10 chiếc thìa xung quanh. Trong khi cúng, chủ nhà vừa đọc lời khấn đồng thời cầm một chiếc thìa xúc một ít cơm, ít thịt, canh đổ lên mặt bàn, tượng trưng cho ý nghĩa mời lần lượt từng ông bà tổ tiên đã chết của dòng họ. Cầu xin sự phù hộ độ trì của ông bà tổ tiên cho vụ mùa sau được bội thu. Khấn xong chủ nhà ăn khoảng 2-3 thìa cơm, uống 1 chén rượu và lần lượt bỏ từng thìa xếp trong rổ cơm xuống, sau đó hạ mâm cơm cúng cho mọi người cùng ăn.

Lễ cúng ngô mới được thực hiện đơn giản hơn. Vào tháng 8 khi ngô bắt đầu chín, gia đình bẻ những bắp ngô non đầu tiên mang về luộc để vào rổ, đặt trên mâm gần bàn thờ Xử ca, sau đó thắp 3 nén hương trước Xử ca, khấn mời tổ tiên và các thần linh về ăn.

Theo phong tục của người Hmông chỉ sau khi làm lễ cúng cơm mới và ngô mới thì gia đình mới được thu hoạch và sử dụng thóc, ngô mới để ăn uống hay những công việc khác. Do quan niệm, lễ cúng cơm mới là lễ cúng tổ tiên, ông bà trong dòng họ nên gia đình chỉ được phép mời anh em cùng họ mà không được mời người ở dòng họ khác đến dự.

Ngoài các nghi thức trên, trong nông nghiệp người Hmông còn tiến hành các nghi thức khác như ngày 5 tháng 5 là lễ mừng cho cây ngô, cây lúa đến tuổi trưởng thành. Trong dịp này, người ta có tục lệ tổ chức ăn uống rất vui vẻ, nhưng

lại kiêng đi thăm lúa, đặc biệt là không được thả gia súc trên nương ngô, nương lúa. Bên cạnh đó, trong cuộc sống người Hmông luôn cho rằng, mọi thành viên trong nhà ai khoẻ mạnh, làm ăn đạt nhiều kết quả hay không là do có các lực lượng siêu nhiên hỗ trợ, gọi chung là ma. Trong quan niệm của họ, có hai loại ma ác và ma lành. Ma lành thường là ma nhà luôn bảo vệ cuộc sống cho gia đình, vì vậy gia đình phải thực hiện các nghi lễ thờ cúng khi cần thiết để tỏ lòng

Một phần của tài liệu Dòng họ người hmông trắng tỉnh sơn la (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w