6. Bố cục của luận án
2.3.1. Quan hệ dòng họ trong cư trú
yếu là tên gọi theo một đặc điểm tự nhiên nổi bật của địa phương mình, như: bản Mô Cổng là bãi nước ngầm, bản Tào Hủa Cháng nghĩa là rừng hoa ban; … Hoặc những bản người Hmông đến cư trú sau khi người Thái, Kinh, Tày đã di cư đi nơi khác thì lấy tên gọi theo tên bản cũ mà các dân tộc trước đó đã dùng như Nậm Giắt, Phiêng Luông, Pa Khôm,…
Bản của người Hmông ở Sơn La phần lớn cư trú ở độ cao từ 600 - 1.500 m, khí hậu mang tính chất nhiệt đới. Thành phần dân cư trong bản thường 100% là dân tộc Hmông. Trước đây, mỗi dòng họ thường cư trú trong một phạm vi đất đai nhất định, do trưởng họ và chủ các gia đình thành viên có công khai phá. Các gia đình người Hmông thường tổ chức di cư theo dòng họ, do vậy ở nơi ở mới họ cũng sống quây quần bên nhau thậm chí những vùng du canh, du cư có nhiều bản chỉ có một dòng họ.
Ngày nay, người Hmông chủ yếu vẫn quần tụ theo dòng họ nhưng mỗi bản có từ 2-3 dòng họ, nhiều bản có 4-5 dòng họ. Trong một bản, những người cùng dòng họ thường cư trú quây quần gần nhau, nhất là những người có quan hệ huyết thống thường cư trú thành từng cụm nhỏ trong khu vực riêng. Mỗi dòng họ thường có từ chục tới vài chục hộ gia đình có quan hệ huyết thống theo dòng cha từ 4 đến 5 đời trở lại.
Người Hmông luôn chọn địa điểm lập bản ở những nơi gần nguồn nước. Khi chọn đất dựng bản, họ thường chọn những nơi màu mỡ, thuận tiện cho sản xuất và phải có núi bao quanh bản. Để chọn đất lập làng, người Hmông cho biết, họ thường chọn địa thế trước mặt có 2 quả núi đá, trong đó quả bên phải vòng ngoài che một phần quả núi bên trái. Hai quả núi đó tạo ra một hình cánh cung ôm lấy bản làng. Sau lưng bản và hai bên sườn cũng phải có núi che chắn.
Các hộ gia đình trong bản thường cư trú ở lưng chừng núi, ở những nơi vừa có ánh sáng, vừa tránh được gió lớn, lốc xoáy. Các ngôi nhà thường bố trí rải rác
dọc sườn đồi. Tùy từng địa hình mà các nhà có thể bố trí theo những hướng khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là mặt trước của ngôi nhà nhìn về phía thung lũng, lưng tựa vào sườn núi, tạo thành một thế vững chắc. Một số người cho biết, cách chọn đất làm nhà tốt nhất là nơi hai bên đầu nhà gối lên 2 quả núi, cửa chính tuyệt đối tránh các hang hốc, các mỏm núi nhô lên hay nhìn thẳng ra các khe núi, bởi như vậy thường phải chịu nhiều luồng gió thổi thẳng vào nhà, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.
Tùy theo điều kiện địa hình, các bản có kiểu phân bố nhà cửa khác nhau. Có bản phân bố lẻ tẻ, mỗi bản chỉ gồm vài ba nóc nhà ở rải rác ven rừng, sườn núi. Có bản phân bố mật tập, gồm vài chục hộ gia đình. Hiện nay, có những bản người Hmông lên đến hàng trăm hộ. Đây là kiểu phân bố của các bản đã định cư ở những khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, nhiều đất đai để sản xuất. Những nơi như thế này nhà cửa thường không thể làm theo một hướng nhất định, mà miễn sao thuận lợi cho việc ăn ở, canh tác nương rẫy và chăn nuôi. Trong từng khuôn viên của mỗi gia đình đều có hàng rào bằng tre, gỗ phân định ranh giới.
Ngoài khu vực cư trú, bản còn có đất đai để canh tác, khai thác lâm sản, nghĩa địa, rừng núi quanh bản, rừng cấm, nguồn nước, bãi chăn thả,… Tạo nên một không gia sinh tồn chung của cả cộng đồng. Không gian ấy được xác định ranh giới bằng sự thỏa thuận miệng giữa những người trong bản và giữa người bản này với bản khác lân cận. Việc phân định ranh giới giữa các bản cũng chỉ là ước lệ, mà mốc giới thường là những cây to, hòn đá to, khe suối, hẻm núi, sông suối, đường đi lại,…Việc xác định mốc ranh giới thường do các Hội đồng già làng giữa các làng có liên quan cùng thoả thuận thống nhất với nhau, được truyền khẩu cho con cháu và ghi nhớ trong ký ức của người dân từ đời này qua đời khác.