6. Bố cục của luận án
2.1.3. Truyền thuyết về việc hình thành các dòng họ
- Số lượng và tên gọi các dòng họ: Theo huyền thoại về nguồn gốc của người Hmông có 12 họ liên quan đến các cây trồng và các con vật khi Ông trời tạo ra trái đất. Cũng có một dữ liệu khác nói rằng, Ông trời sau khi tạo ra trái đất đã bổ nhiệm Hoàng đế Huang Di xuống thống trị người Hmông. Chính vị Hoàng đế này đã thiết lập ra 12 dòng họ Hmông [96]. Liên quan đến câu chuyện của
Trung quốc về Vị Hoàng đế Huang Di, người đầu tiên thiết lập ra 12 họ người Hmông là ông đã cho 12 người con trai trong số 27 người con của mình đại diện cho tên một dòng họ, còn 15 cô con gái của ông thì không có tên họ. 12 họ này được sử dụng từ thế hệ này cho tới thế hệ khác theo dòng cha.
Theo thống kê ở tỉnh Sơn La có 38 họ người Hmông gồm: Chá, Chàm, Cứ, Dế, Dừ, Giàng, Hàng, Hạng, Hầu, Hờ, Kháng, Lầu, Lậu, Lềnh, Lìa, Lù, Lụ, Ly, Lý, Má, Mua, Mùa, Pá, Phá, Phàng, Plùa, Sồng, Sùng, Tếnh, Thào, Tráng, Trong, Trống, Trừ, Và, Vàng, Vì, Vừ. Còn tại xã Phỏng Lái nơi chúng tôi thực hiện nghiên cứu, có 9 họ người Hmông là: Thào, Sùng, Vừ, Lầu, Mùa, Giàng, Ly, Và, Hờ.
- Truyền thuyết về nguồn gốc hình thành các dòng họ
Theo những người trưởng họ người Hmông cho biết, thì những truyền thuyết của dòng họ được truyền lại bằng miệng từ đời này qua đời khác. Mặc dù những chi tiết trong truyền thuyết có thể thay đổi do người Hmông luôn di chuyển chỗ ở, nhưng về cơ bản được người Hmông ở các nước kể lại đều có nhiều điểm tương đồng.
Theo đó truyền thuyết kể rằng, từ rất lâu rồi, trời mưa tầm tã không ngớt trong nhiều ngày, nước ngập lụt trắng xóa liên tục trong 120 ngày. Tất cả loài người và động vật trên mặt đất đều bị chết, chỉ trừ có hai anh em là sống sót do trèo vào cái trống bằng gỗ khi chưa bị lụt. Cái trống gỗ nổi trên mặt nước và cuối cùng đụng vào trời do nước dâng lên cao. Chiếc trống mang hai anh em về lại mặt đất. Sau khi ra ngoài họ mới biết chỉ còn hai anh em trên mặt đất. Cô em gái gào khóc “Mọi người đâu rồi”, còn người anh trai nói “Các con vật đâu hết cả rồi”. Hai anh em buồn và cô quạnh. Lúc này, nhiệm vụ của họ là tái sinh lại các sinh vật trên mặt đất. Người anh trai nói với em gái “Em hãy lấy anh để chúng ta có thể có con”, người em gái đáp lại “Nhưng em không thể lấy anh vì anh là anh
trai em”. Người anh trai cứ van nài thuyết phục, ngày này qua ngày khác nhưng em gái vẫn từ chối và nói rằng “Chúng ta là hai anh em nên không thể lấy nhau”. Một hôm muốn làm khó người anh trai, người em gái nhặt hai hòn đá và nói với người anh trai “Nếu anh muốn lấy em thì mỗi người cầm một hòn đá này lên đỉnh núi kia rồi mỗi người lăn hòn đá của mình xuống. Hôm sau nếu khi chúng ta quay lại mà nhìn thấy hai hòn đá lăn lại lên đỉnh núi và úp vào nhau thì em đồng ý lấy anh”. Người anh đồng ý. Đêm đó, đợi em gái ngủ say, người anh trai lấy hai hòn đá của hai anh em ở dưới núi mang lên đỉnh núi và úp lại với nhau. Sáng hôm sau, hai anh em trèo lên đỉnh núi, người anh chỉ vào hai hòn đá úp vào nhau và nói với người em gái: “Em hãy nhìn kìa, hai hòn đá đấy đã lăn trở lại đỉnh núi và úp lại với nhau. Bây giờ em có thể lấy anh”. Cô em gái không thể từ chối người anh, họ sống với nhau như vợ chồng. Sau 2 năm, người vợ có con nhưng đứa con của họ giống như hòn đá vậy, không có đầu, không có chân tay nhưng vẫn sống. Sau đó họ đi hỏi ông trời về việc này thì ông trời bảo cắt đứa trẻ này nhiều miếng và treo chúng vào những cành của các loại cây khác nhau gần nhà. Sáng hôm sau, có rất nhiều cái lều và có khói bốc ra từ những chiếc lều đó. Khi người anh trai và người em gái đến hỏi xem họ là ai? Đôi vợ chồng sống trong túp lều mái được lợp bằng lá Pue Shi (một loại cỏ dại, đó là cái cây cỏ mà hai anh em đã treo miếng thịt người con lên đó) thì đôi vợ chồng sống trong túp lều này nói “Họ thuộc dòng họ Lee”; vợ chồng sống ở túp lều được lợp bằng cây Ca thì nói “Họ thuộc dòng họ Yang”; đôi vợ chồng sinh ra từ cây cỏ Tao thì khẳng định rằng mình thuộc dòng họ Lao;...
Hai anh em lại quay trở lại thuật lại những gì mình nhìn thấy, đã nghe cho ông trời và xin ông lời khuyên xem phải làm cái gì tiếp theo. Ông trời tư vấn họ nên tổ chức đám cưới cho mỗi cặp vợ chồng mới này và nhấn mạnh rằng con cháu của những cặp vợ chồng này không được lấy nhau mà phải lấy con cháu
của vợ chồng khác ngoài dòng họ mình. Nếu ai vi phạm sẽ bị chết; không tôn trọng việc cấm kỵ này thì sẽ sinh ra một cục thịt như anh em nhà kia. Do đó, con cháu của người Hmông từ đó đến nay vẫn tuân thủ quy định này.
Có thể thấy điều quan trọng của truyền thuyết này như một bài học truyền miệng có tính truyền cảm được mọi người trong từng dòng họ chia sẻ, gắn kết thành một tổ chức xã hội. Câu chuyện về nguồn gốc của các dòng họ và của tộc người Hmông được kể lại từ đời này qua đời khác, những đứa trẻ từ khi còn rất nhỏ đã được nghe, đi vào trí nhớ của mỗi người, có những ảnh hưởng to lớn đến các quy định về hành vi và thái độ ứng xử với nhau giữa những người cùng họ và khác họ trong gia đình, cộng đồng và xã hội, trong các hoạt động đời thường và tâm linh của người Hmông.