1.1 Đặc điểm thị trường Mỹ
Các đặc điểm và yếu tố của thị trường xuất khẩu luôn là mối quan tâm đầu tiên đối với các doanh nghiệp khi thiết lập kế hoạch xúc tiến xuất khẩu. Vì vậy trên cơ sở tìm hiểu các đặc điểm của thị trường Mỹ và các yếu tố thuộc môi trường Marketing, các DNVVN Việt Nam sẽ tìm ra những hướng tiếp cận thích hợp để làm xúc tiến xuất khẩu thành công.
1.1.1 NỀN KINH TẾ SỐ MỘT VÀ NĂNG ĐỘNG
Đến nay và trong nhiều thập kỷ tới, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí là cường quốc số một về kinh tế, mặc dù không còn chiếm ưu thế tuyệt đối trên lĩnh vực mậu dịch và tiền tệ quốc tế, thậm chí còn phải cạnh tranh gay gắt với các nền kinh tế tiên tiến khác. Trong giai đoạn 1991-2000, Hoa Kỳ đã giữ kỷ lục tăng trưởng kinh tế liên tục suốt 106 tháng với mức tăng trưởng GDP trung bình 2,8% trong các năm 1992-1996, và 3,9% trong hai năm 1997-1998 và 4,5% trong năm 1999. Năng suất lao động tăng 2,4%, thất nghiệp giữ ở mức 4,5%.
Thị trường Hoa Kỳ luôn được coi là thị trường lớn và tự do nhất thế giới, nơi cung cấp vốn, kỹ thuật, công nghệ và là lực đẩy quan trọng để các nước khác
phát triển kinh tế. Tỷ trọng GDP của Hoa Kỳ dao động trong khoảng 20-25% GDP thế giới. Năm 2000, GDP của Hoa Kỳ là 9,963 nghìn tỷ USD, chiếm 20,8% GDP của thế giới là 27,98 nghìn tỷ USD. 69
1.1.2 PHÁP LUẬT VÀ QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG PHỨC TẠP
Pháp luật của Mỹ khá phức tạp ngay cả đối với các doanh nghiệp nước này. Mỗi bang có luật riêng ngoài luật của Liên bang, hệ thống luật Common Law bất thành văn khiến vai trò của luật sư trong các vụ kiện trở nên rất quan trọng, vì thế chi phí tư vấn luật ở đây vào loại cao nhất thế giới, trung bình 500 USD/giờ. Các quy định quản lý nhập khẩu cũng khá phức tạp với các yêu cầu về vệ sinh kiểm dịch hàng thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, các điều kiện lao động và môi trường ở nước xuất khẩu… Luật Thương mại của Mỹ được thi hành chủ yếu bởi Bộ Thương mại DOC, Uỷ ban Thương mại Quốc tế ITC, Phòng Quản lý thương mại Quốc tế ITA, Đại diện Thương mại Mỹ USTR, Cục Hải quan Mỹ USCD, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm FDA, Cơ quan bảo vệ môi trường EDA…
Thực ra, chính sách ngoại thương Mỹ khá cởi mở nhưng cũng sẵn sàng áp dụng các biện pháp tự vệ khi nhận thấy ngành sản xuất trong nước bị đe doạ trực tiếp từ hàng nhập khẩu thông qua luật chống bán phá giá và chống trợ giá. Khi đó, thuế suất nhập khẩu sẽ bị đánh rất cao khiến mặt hàng đó hoàn toàn mất sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Song song với việc mở rộng khu vực thương mại và đầu tư tự do song phương và đa biên với các quốc gia và khu vực trên thế giới, nước Mỹ cũng đã tiến hành nhiều cuộc chiến thương mại (với EU về thép,
thịt bò; với Trung Quốc gần đây nhất về may mặc và vô tuyến) khi các tranh chấp về lợi ích không được giải quyết.
1.1.3 CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ DÂN CƯ
Dân số nước Mỹ năm 2002 là khoảng 281 triệu người trong đó 143 triệu nữ chiếm 50,9% và 138 triệu nam chiếm 49,1%. Độ tuổi trên 18 là cao với 108 triệu nữ chiếm 51,7% và 101 triệu nam chiếm 48,3%. Độ tuổi thanh thiếu niên từ 14- 19 tuổi là 41 triệu người.
Do Hoa Kỳ là một hợp chủng quốc nên có nhiều dân tộc cùng sinh sống, với đa số là người da trắng nhiều nguồn gốc (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia…) chiếm 83,5% dân số, tiếp theo là người da đen gốc Phi chiếm 12,4%, người châu Á chiếm 3,3% và thổ dân da đỏ là 0,8%. Đây cũng là quốc gia đa tôn giáo với người theo đạo Tin lành chiếm đa số 56%, Thiên chúa La mã 28%, Do Thái 2%, tôn giáo khác 4% và không tôn giáo là 10%. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, bên cạnh đó tiếng Tây Ban Nha cũng khá phổ biến trong cộng đồng người gốc Latin ở các bang phía Nam.
Nước Mỹ theo chế độ Cộng hoà Dân chủ với hai Viện trong Quốc hội và Tổng thống. Hai đảng chính thay nhau nắm quyền là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà. Nói chung, kể từ khi có Hiến pháp năm 1789, Hoa Kỳ là nước ổn định về chính trị và xã hội.
1.1.4 TỰ NHIÊN VÀ VĂN HOÁ
Tổng diện tích là 9.626.091 km2, là nước lớn thứ tư thế giới sau Nga, Canada và Trung Quốc. Liên bang Hoa Kỳ hợp bởi 50 bang thành viên và một Quận hành chính Columbia. Khoảng cách giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ khá lớn nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận tải, bảo hiểm hàng xuất khẩu. Do có diện tích rộng,
khoảng cách giữa các vùng khác nhau nên đã tạo ra những mảng khí hậu nhiều khi rất khác biệt.
Văn hoá Mỹ phong phú, phản ánh trung thực cơ cấu dân cư đa dạng của đất nước. Nét nổi bật và tích cực của văn hoá Mỹ mà các nhà xuất khẩu quan tâm là việc người dân nêu cao sự hưởng thụ trong cuộc sống, từ đó có tính thực dụng cao, ưa cái tiện ích, cái mới. Có thể nói văn hoá tiêu dùng đại diện cho nhiều cách hành xử của dân Mỹ trong các hoạt động khác nhau của đời sống xã hội.
1.2 Môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh
Cạnh tranh chính là đặc điểm, thuộc tính rõ nét nhất của nền kinh tế số một này. Do là một thị trường rất lớn, sức mua dồi dào và ổn định, hứa hẹn nhiều lợi nhuận cùng các chính sách thương mại được coi là cởi mở nhất trên thế giới nên thật dễ hiểu khi Hoa Kỳ có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà xuất khẩu. Trên thực tế, hầu hết các nước đều đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, và do vậy sự cạnh tranh giành thị phần luôn diễn ra hết sức gay gắt, thậm chí khốc liệt. Vào Mỹ, DNVVN Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp bản địa hùng mạnh và các đối thủ quốc tế cũng có rất nhiều lợi thế.
1.2.1 VỚI CÁC DOANH NGHIỆP MỸ