T Đối tượng được hỏ
2.3.2.3. Thực trạng công tác giáo dục và rèn kỹ năng sống cho HS
Sau khi phong trào xây dựng THTT, HSTC được phát động, các trường đã tích cực đưa việc giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy tích hợp với một số môn như: giáo dục công dân, văn học, sinh học, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khoá...Với những cố gắng, bước đầu các trường đã trang bị cho các em một số kiến thức cơ bản như: kiến thức về quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu, làm việc theo nhóm, HIV/AIDS,...
Hiệu trưởng, trên cơ sở những quy định chung, đã tiến hành chỉ đạo cho GV thể dục kết hợp với GVCN và gia đình học sinh để có kế hoạch rèn luyện thân thể cho phù hợp với thể trạng của từng HS. Các trường đều đã xây dựng được phòng y tế học đường nhằm chăm sóc sức khoẻ cho HS.
Các buổi hoạt động ngoại khoá nói về chủ đề HIV/AIDS, ma tuý, sức khoẻ sinh sản vị thành niên được HS quan tâm và tham gia rất nhiệt tình; các em dàn dựng được cả những vở kịch rất công phu.
Nhân ngày 26/3 các trường còn tổ chức cho HS cắm trại, yêu cầu các em đi xe đạp, mang nồi, gạo, củi, thức ăn đến để tự nấu; không cho ăn cơm hộp...Mời chuyên gia tư vấn đến nói chuyện với các em trước kỳ thi tốt nghiệp.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, các hoạt động giáo dục KNS diễn ra nhiều, sôi nổi nhưng chưa tạo nên chuyển biến rõ rệt, sâu sắc trong nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh, việc dạy kỹ năng sống trong các trường còn hạn chế, HS yếu về kỹ năng làm việc tập thể, làm việc theo nhóm, văn hoá ứng xử còn rất kém (nói tục, chửi bậy, đánh nhau...), quan hệ tình dục trước hôn nhân, yêu sớm. Do việc giảng dạy và giáo dục kỹ năng sống cho HS được thực hiện phần lớn là qua hoạt động ngoại khoá nên chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Giáo dục công dân ở THPT là một trong những môn học sẽ tích hợp dạy KNS cho học sinh nhiều hơn hẳn so với các môn học khác nhưng đa số GV không chú ý, vẫn coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử hằng ngày cho HS . Một số môn học khác nội dung các bài học vốn đã nhiều, thời lượng lại ít nên khó chèn giáo dục KNS vào. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng chưa được đào tạo cơ bản để dạy về KNS trong từng môn học, bài giảng nên không tự tin khi dạy do đó GV chủ yếu chỉ dạy cho xong kiến thức. Thêm vào đó, chính các em học sinh cũng chưa có nhận thức đầy đủ và ý thức trau dồi KNS, chưa tích cực chủ động tham gia các họat động trải nghiệm để tạo lập, rèn luyện KNS.
Các trường có phòng y tế nhưng lại không có nhân viên y tế có chuyên môn đảm nhận; việc khám sức khoẻ và đo các chỉ số sức khoẻ định kỳ, làm hồ sơ sức khoẻ cho HS chưa có trường nào làm được; phòng y tế chỉ có một số thuốc thông thường như cao dán, thuốc đau đầu.
Chưa trường nào hình thành được phòng tư vấn và có cán bộ tư vấn cho HS. Theo đánh giá của chúng tôi, chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các trường học vẫn đang ở thời kỳ xuất phát điểm; nội dung còn nặng tính hình thức, phong trào. Rèn luyện kỹ năng sống trong nhà trường
thực chất vẫn chưa thoát khỏi nội dung bài học trong sách vở, tính ứng dụng chưa cao, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, sinh hoạt chưa được chú ý. Chẳng hạn như kỹ năng phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác; vấn đề giáo dục giới tính; sức khoẻ sinh sản vị thành niên; các quan hệ ứng xử hằng ngày... các em vẫn chưa được rèn luyện một cách bài bản. Đây là những kỹ năng vô cùng cần thiết đối với học sinh nhất là khi môi trường cuộc sống có nhiều nguy cơ nguy hiểm, nhiều cám dỗ đối với các em. Nhiều học sinh THPT vẫn còn lúng túng khi xử lý các thương tích như băng bó vết thương, hô hấp nhân tạo, buộc ga-rô…
Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh là một nội dung quan trọng, đòi hỏi mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường – gia đình – xã hội nhưng không phải trường nào cũng giữ được sợi dây liên kết này và điều đáng buồn là vẫn còn nhiều gia đình chưa để ý việc giáo dục con cái, thậm chí còn làm gương xấu về ứng xử văn hoá, bạo lực gia đình và cả tệ nạn xã hội. Trong bối cảnh công việc nhà trường luôn bề bộn với những thay đổi về kế hoạch, chương trình, sách giáo khoa và nhiều cuộc vận động do ngành và địa phương tổ chức thì số trường thật sự quan tâm sâu sát đến từng đối tượng học sinh nhằm tạo ra những “điểm tựa” tin cậy cho các em có hoàn cảnh thiệt thòi khỏi sa ngã, hư hỏng chưa phải là nhiều. Một số kĩ năng sống cần thiết như kĩ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước dù đã được ngành giáo dục và các trường học quan tâm hơn trước nhưng khó khăn vẫn còn nhiều (ví dụ: muốn tập bơi phải thuê hồ bơi để đảm bảo an toàn; việc cấm học sinh đi xe máy đến trường phải đi đôi với chính quyền địa phương giải toả các điểm giữ xe của các nhà dân xung quanh trường, cảnh sát giao thông phải tăng cường tuần tra xử phạt, muốn buộc học sinh đi xe đạp, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm thì phải có văn bản quy định của nhà nước…).