T Đối tượng được hỏ
2.3.2.4. Thực trạng vấn đề tổ chức các hoạt động tập thể
Cùng với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng, Đoàn thanh niên trong các trường THPT thị xã Uông Bí đã có nhiều hoạt động tập trung vào công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Tiêu biểu là hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp Đoàn trường. Đoàn thanh niên các nhà trường còn lồng ghép các tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, tác phong cho học sinh thông qua những buổi chào cờ tự quản với các chủ đề về “ Thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “An toàn giao thông”…Từ năm học 2008- 2009, Đoàn thanh niên ở các trường còn đưa chương trình “Bình chọn Vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới” và đã được đông đảo đoàn viên thanh niên của nhà trường tham gia tích cực.
Thực hiện chỉ đạo của đoàn cấp trên, đầu năm học vừa qua Đoàn trường THPT Uông Bí đã cho ra mắt mô hình “Cổng trường thanh niên tự quản xanh- sạch- đẹp và đảm bảo an toàn giao thông” với 32 thành viên. Đây là hành động tích cực hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn thị xã.
Hoạt động từ thiện luôn luôn được Ban chấp hành Đoàn các trường chú trọng. Thông qua “Quỹ giúp bạn” đã hỗ trợ, động viên nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tích cực học tập đạt thành tích cao. Hưởng ứng đợt phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt của Sở GD& ĐT và Công đoàn giáo dục Quảng Ninh, Đoàn TN các trường đã kêu gọi các cán bộ giáo viên và đoàn viên thanh niên trong trường quyên tặng tiền cùng rất nhiều hiện vật như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập chuyển đến các vùng gặp thiên tai; ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam, các em bị khuyết tật…
Hình ảnh 2.2: Ủng hộ, giúp đỡ trẻ em tàn tật
BGH và Đoàn thanh niên ở các trường cũng đã chọn lọc và đưa vào nhà trường một số trò chơi dân gian như: kéo co, đá cầu, bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố,...Tổ chức cuộc thi tiếng hát dân ca trong toàn trường.
Thông qua những hoạt động trên đã bước đầu tạo những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các em học sinh về vai trò và trách nhiệm của người đoàn viên, thanh niên trong trường học giúp các em rèn luyện ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện phấn đấu để trở thành những công dân gương mẫu, có ích cho xã hội; nhưng thực tế cho thấy: các tiết mục “khăn đóng, áo dài”, các làn điệu “í a”, các trò chơi kéo co, đá cầu, nhảy dây, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê… chỉ thu hút được một số lượng rất ít học sinh tham gia vì lứa tuổi này đã bắt đầu bị “hút” vào pop, hip hop và các game trên mạng Internet, dù có cố công tổ chức cũng khó lòng duy trì thường xuyên được. Bên cạnh đó các em phải học quá nhiều (học ở lớp, học thêm) nên việc tổ chức cho các em chơi trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khoá chỉ có thể được thực hiện vào giờ chào cờ.