- GDP Lao động
3.2.2. Xây dựng và phát triển kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
Những năm qua ngành kinh tế biển của tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 15 nghìn lao động, tạo ra thu nhập, cải thiện đời sống của ngư dân và bảo vệ an ninh vùng biển.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế biển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải tập trung xây dựng và phát triển kinh tế biển nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2010: "Tăng diện tích nuôi trồng hải sản 7000 ha trở nên, sản lượng nuôi trồng hải sản 30 nghìn tấn, khai thác 37 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD trở lên" [27, tr. 5].
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, biến tiềm năng thành hiện thực, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn liền với giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh cần tập trung
vào giải quyết tốt các việc sau:
- Đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tiến hành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy, hải sản. Ngoài việc củng cố trên 3000 ha đầm hiện có, xây dựng mới 1000 ha đầm mới và chuyển đổi trên 2000 ha ở vùng đất bị ô nhiễm mặn, vùng ven đê biển đang làm muối và cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản.
Quy hoạch lại vùng đầm hiện có; vùng đầm dự kiến chuyển đổi phải có quy hoạch cụ thể trước khi tiến hành chuyển sang nuôi trồng thủy, hải sản. Từng bước đầu tư xây dựng các cơ sở thuần hóa giống và vươn lên cho sinh sản tại chỗ các giống tôm (tôm sú, tôm càng xanh, tôm rảo), các giống cá (cá chim trắng, rô phi đơn tính, cá trê, cá vược, cua...) để cung cấp cho các tập thể, tư nhân nuôi trồng thủy, hải sản. áp dụng các tiến bộ sinh học và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy, hải sản. Giảm dần diện tích nuôi quảng canh, tăng nhanh diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh. Trước mắt nhập đủ thức ăn công nghiệp, tiến tới chủ động sản xuất thức ăn tại chỗ cho nuôi, trồng, thủy, hải sản. Làm tốt công tác kiểm dịch, phòng trừ bệnh dịch cho các con vật nuôi thủy, hải sản.
- Khuyến khích mở rộng ngư trường ngoài khơi.
Phát triển thêm các đội tàu khai thác xa bờ, đầu tư đồng bộ phương tiện, thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực, đảm bảo các dịch vụ hậu cần, cải tiến quản lý và hình thức tổ chức phục vụ cho khai thác hải sản xa bờ cả ba vụ trong năm. Gắn khai thác hải sản xa bờ với bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển.
- Mở rộng khả năng chế biến thủy, hải sản.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư chế biến thủy, hải sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy, hải sản xuất khẩu tạiâhi huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải có năng lực sản xuất trên 3.000 tấn/năm với các thiết bị và công nghệ hiện đại đủ khả năng chế biến sản phẩm đạt tiêu
chuẩn xuất khẩu. Từng bước hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô. Giữ vững thị trường xuất khẩu đã có, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Tây Âu và Bắc Mỹ.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ, du lịch biển.
Mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, liên huyện, đường từ tỉnh xuống các huyện ven biển: đường 39, 217; cầu Trà Lý, cầu Vô Hối, cầu Hồng Quỳnh. Mở rộng, nâng cấp cảng Diêm Điền, cảng cá Tân Sơn, Nam Thịnh. Nạo vét các cửa sông lớn và luồng lạch để tàu có trọng tải 1000 tấn ra vào thuận tiện. Xây dựng một xí nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền với quy mô 120 đến 150 chiếc/năm bằng vật liệu gỗ, thép, xi măng lưới thép. Xây dựng cơ sở dịch vụ cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm; các đội tầu dịch vụ trên biển làm dịch vụ cho các đội tàu khác.
Triệt để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tổ chức các tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn; chú ý khai thác ưu thế của các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, làng vườn, danh lam thắng cảnh, các cồn đảo và vùng tự nhiên sinh thái ven biển. Kết hợp giữa tham quan trong đất liền với du lịch trên biển, trên sông và nghỉ dưỡng tại các nhà nghỉ ở nội tỉnh và vùng ven biển. Từng bước xây dựng và cải tạo các nhà nghỉ, khách sạn đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện đón khách trong nước và quốc tế.
Đề nghị với Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân khu III đẩy nhanh quá trình xây dựng và thực hiện các đề án khai thác cồn Vành, cồn Thủ, cồn Đen; xây dựng đường giao thông thủy - bộ nối liền các cồn trên với đất liền nhằm khai thác tốt các tiềm năng phát triển kinh tế để thu hút nhiều lao động có việc làm, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vùng biển.
- Trồng rừng ngập mặn và bảo vệ môi trường biển.
Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch vành đai rừng phòng hộ ven biển, tổ chức trồng mới ở những bãi bồi chưa có rừng, phục hồi rừng ngập mặn ở cồn Vành đã bị phá. Phấn đấu đưa tổng số diện tích rừng ngập mặn lên 12.000 ha. Bên cạnh việc trồng mới phải bảo vệ tốt những vùng rừng đã trồng, thực hiện nguyên tắc muốn khai thác 1 ha rừng bên
trong phải trồng mới trên 1 ha rừng bên ngoài để diện tích rừng không ngừng tăng lên và vùng bãi bồi càng lấn xa ra biển; có kế hoạch cụ thể để khai thác và sử dụng có hiệu quả số đất bồi hàng năm, thực hiện tốt luật bảo vệ môi trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hiện tượng vi phạm, khai thác rừng trái phép, đánh bắt hải sản mang tính hủy diệt. Nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vùng biển.
- Nghề làm muối: quy hoạch lại diện tích làm muối, xác định cụ thể diện tích chuyển đổi, diện tích còn lại tiếp tục làm muối để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội. Trong 5 năm tới, phấn đấu giữ sản lượng muối từ 10.000 tấn đến 12.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.
- Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng vùng biển.
Các ngành Công an, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cùng với chính quyền hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và các xã ven biển xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng cả ba tuyến (trên bờ, trong và ngoài khơi); đổi mới phương thức hoạt động vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự an ninh và bảo vệ môi trường biển, vừa đẩy mạnh sản xuất, tăng cường giao lưu mở rộng hợp tác với bên ngoài, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra: "Gắn khai thác hải sản với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển" [26, tr. 48]; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh trong tổng thể chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.