Nam Định là tỉnh đông dân, dân số 1.905.300 người, diện tích tự nhiên 163,7 ha, mật độ dân số cao: bình quân 1.164 người/km2 [31, tr. 173]. Trước thời kỳ đổi mới, Nam Định là tỉnh có ngành công nghiệp nhẹ khá phát triển, đặc biệt là công nghiệp dệt may; đã thu hút tạo mở việc làm đảm bảo đời sống cho trên 2 vạn lao động (chưa tính đến số người theo).
Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, đặc biệt vào thời kỳ 1986 - 1995, nền kinh tế của tỉnh Nam Định gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường truyền thống của Liên Xô và Đông Âu không còn, công nghệ sản xuất cũ lạc hậu, năng suất lao động công nghiệp thấp, giá thành sản phẩm cao, hàng hóa tồn đọng lớn, kinh doanh thua lỗ…, nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp công nghiệp bị phá sản, ngành công nghiệp của Nam Định bước vào
thời kỳ suy thoái, trầm trọng.
Mặt khác, ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng gặp phải nhiều khó khăn: điều kiện tự nhiên của Nam Định không thuận lợi, là vùng chiêm trũng "chiêm khê, mùa úng" nên năng suất lúa không cao, kinh tế nông nghiệp chậm phát triển so với các tỉnh lân cận. Vì vậy, nhìn chung đời sống của người lao động ở cả hai khu vực: nông nghiệp và công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; vấn đề sức ép lao động và việc làm trở nên bức xúc, gay gắt.
Từ năm 1996 (sau 10 năm đổi mới), đặc biệt là những năm gần đây, tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách đúng đắn để phát triển kinh tế, tạo mở việc làm, bước đầu đã thu được một số kết quả quan trọng. Có thể khái quát kinh nghiệm giải quyết việc làm của Nam Định như sau:
1- Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp vừa và nhỏ thuộc nhiều thành phần kinh tế [16].
ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã xây dựng chương trình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể như: khôi phục phát triển làng nghề, xây dựng khu vực công nghiệp của tỉnh và các cụm công nghiệp nông thôn có tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; do đó đã khai thác, huy động được hàng trăm tỷ đồng tiền vốn trong dân và các nguồn vốn khác được tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hàng nghìn máy móc, thiết bị các loại được các chủ cơ sở mua về phục hồi, cải tiến đưa vào sản xuất. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực ngoài quốc doanh liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2000. Năm 2002 đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2001; năm 2003 đạt 1.444 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2002; năm 2004 đạt trên 1.840 tỷ đồng, tăng
27,4% so với năm 2003 và gấp
2 lần năm 2001. Trong giai đoạn này, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khu vực tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 24,25% mỗi năm, thật là một bước tăng trưởng ngoạn mục.
2- Khôi phục, phát triển làng nghề, khuyến khích lập doanh nghiệp mới [16]. Sau nhiều năm "chao đảo", các địa phương trong tỉnh đã tập trung khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, nhân thêm được một số nghề mới, khuyến khích thành lập hàng trăm doanh nghiệp tư nhân. Thành công đầu tiên được ghi nhận là các làng nghề dệt may sau khi mất thị trường truyền thống Liên Xô và các nước Đông Âu đã tự vươn lên đổi mới toàn diện từ cơ chế quản lý đến thiết bị công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt là chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các nước tư bản phát triển và đã thành công. Kết quả giai đoạn 2001 - 2005, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có thêm từ 35 đến 50 doanh nghiệp tư nhân được thành lập mới. Khối doanh nghiệp tư nhân cùng với 40.000 hộ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy mô gia đình nằm rải rác tại 87 làng nghề hàng năm đã và đang có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế tỉnh, chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng giá trị sản lượng công nghiệp toàn tỉnh.
3- Tập trung xây dựng cụm công nghiệp, điểm công nghiệp nông thôn [16, tr. 6].
Tính đến thời điểm tháng 4/2005, ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã phê duyệt 16 dự án xây dựng cụm công nghiệp nông thôn thuộc các địa phương trong tỉnh (Xuân Trường: 4, Trực Ninh: 2, ý Yên: 3, Nam Trực: 2; các huyện Vụ Bản, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và thành phố Nam Định mỗi địa phương 1).
Đến hết năm 2004 đã có 7/16 cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đi vào hoạt động, thu hút 119 chủ đầu tư với tổng số vốn các dự án thực hiện đạt gần 100 tỷ đồng, thu hút 2.200 lao động vào làm việc.
Các cụm công nghiệp tỉnh, cụm công nghiệp và điểm công nghiệp nông thôn ra đời vừa góp phần đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở mỗi địa phương, vừa thúc đẩy quá trình phân công lại lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng: "Hướng công bất hướng thị, ly nông bất ly hương", bảo vệ nuôi dưỡng làng nghề, xây dựng nông thôn mới.
4- Đẩy nhanh phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện áp dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng của cây trồng, vật nuôi; áp dụng luân canh tăng vụ phù hợp, thực hiện tốt và có hiệu quả mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp); nâng cao năng suất lúa từ 11,12 tấn/ha năm 2000 lên 12,27 tấn/ha năm 2004, đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển và bước vào thời kỳ mới:
Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua của ngành nông nghiệp là 3,28%. Giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác tăng từ 28 triệu đồng (năm 2001) lên 33,13 triệu đồng (năm 2004). Toàn tỉnh đã có 8/11 huyện, thành phố, 93/313 hợp tác xã có cánh đồng thu nhập 50 - 100 triệu/ha với diện tích hơn 10.000 ha, chiếm 11,29% diện tích canh tác, trong đó có 1.000 ha đạt 70 triệu đồng trở lên. Phấn đấu đến năm 2010, Nam Định trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp - dịch vụ, giá trị thu nhập bình trên 1 ha canh tác đạt 39 triệu đồng, lực lượng lao động nông nghiệp chỉ còn 50% [15].
5- Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản dưới nhiều loại hình tổ chức sản xuất, quy mô phù hợp [1].
Để giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 2004, toàn tỉnh đã có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 7.700 ha, vùng nước mặn, lợ là 6.400 ha. Năm 2005, toàn tỉnh duy trì 4.500 ha nuôi tôm sú thương phẩm, trong đó nuôi công nghiệp 300 ha, nuôi bán công nghiệp 700 ha, còn lại nuôi quảng canh cải tiến. Sản lượng tôm sú thương phẩm đạt 3.400 tấn, tăng 700 tấn so với năm 2004.
Mặt khác, tỉnh khuyến khích việc chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, một số huyện đã quy hoạch thành khu 10 - 15 ha cho các hộ đấu thầu, nơi nhỏ 1 - 2 ha (theo mô hình VAC) để nuôi cá rô phi đơn tính và tôm càng xanh. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh và phát triển nuôi ngao và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: năm 2004, với diện tích 700 ha đã cho sản lượng khá lớn, năng suất ngao đạt 13 tấn/ha. Hiện nay, dự án xuất khẩu ngao đã và đang triển khai và được thị trường nhiều nước tiếp nhận, mở ra nhiều triển vọng mới trong chương trình phát triển, nuôi trồng thủy sản, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh và và tạo mở được nhiều việc làm cho người lao động.
Tóm lại, bằng cách tập trung phát triển kinh tế, "đột phá" ở những khâu trọng điểm như: xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp phù hợp, khôi phục và phát triển làng nghề, đổi mới công nghệ và mở rộng tìm kiếm thị trường; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy, hải sản…; Nam Định đã thành công trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng, giải phóng được mọi tiềm năng, mở ra nhiều ngành nghề mới, tạo mở nhiều việc làm, giảm đáng kể sức ép về lao động và việc làm sau nhiều năm khó khăn "chao đảo", tìm cách đi ra và đi lên cho nền kinh tế của tỉnh; những thành công và những bài học kinh nghiệm trên đây của Nam Định các tỉnh cần nghiên cứu để vận dụng.