Công tác đào tạo nghề cho người lao động

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Thái Bình: thực trạng và giải pháp ppt (Trang 54 - 55)

- Về tài nguyên khoáng sản

2.2.3.Công tác đào tạo nghề cho người lao động

Mặc dù trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động còn rất thấp, song công tác đào tạo nghề của tỉnh lại còn nhiều bất cập. Để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi trước hết phải có nguồn nhân lực có trình độ văn hóa và khoa học kỹ thuật cao. Điều đó chỉ có thể đạt được một khi có chính sách đúng đắn về chiến lược giáo dục - đào tạo.

Kết quả điều tra dân số, việc làm và nhà ở năm 2000 của tỉnh cho thấy: "Trong 1000 hộ được điều tra chỉ có 34 người được đào tạo chuyên nghiệp; trong đó có 14 người đang học cao đẳng - đại học, 16 người học nghề và 4 người học công nhân kĩ thuật" [26, tr. 16]. Như vậy, số công nhân kỹ thuật được đào tạo chiếm tỷ trọng rất ít phản ánh rõ sự

mất cân đối cả về cơ cấu đào tạo và loại hình đào tạo, đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng số công nhân kỹ thuật so với tổng số lao động đang tham gia hoạt động kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, hiện nay tỉnh mới có 2 trường công nhân kỹ thuật (công nhân kỹ thuật cơ điện và công nhân xây dựng) với quy mô đào tạo 200 học sinh/năm, 6 trung tâm giới thiệu việc làm có kết hợp dạy nghề ngắn hạn hàng năm chỉ đào tạo được khoảng 500 người, ngoài ra còn có 9 cơ sở tư nhân được tỉnh cấp giấy phép dạy nghề nhưng quy mô còn quá nhỏ bé. Nhìn chung, các trường dạy nghề và cơ sở dạy nghề trong tỉnh còn nhiều khó khăn: trang thiết bị dạy học vừa thiếu lại vừa lạc hậu; nội dung chương trình giảng dạy nghèo nàn, ở các trường dạy nghề thì nặng về lý thuyết nhẹ về thực hành, còn ở các cơ sở dạy nghề thì lại nặng về thực hành, nhẹ về lý thuyết; đội ngũ giáo viên vừa thiếu lại vừa yếu, trình độ năng lực, phẩm chất hạn chế. Một số cơ sở đào tạo chạy theo cơ chế thị trường nên dẫn đến thương mại hóa quá trình đào tạo; tâm lý người học không cần chất lượng chỉ cần có "chứng chỉ" để xin việc làm nên nhiều cơ sở đào tạo mở lớp dạy nghề theo kiểu "cấp tốc" từ 1 - 3 tháng là khá phổ biến. Từ đó, đã làm cho một số bộ phận cả thầy lẫn trò bị thương mại hóa lấn lướt; vì quá quan tâm đào tạo chạy theo nhu cầu xã hội mà lãng quên giáo dục nhân cách cho người học nên dẫn đến chất lượng đào tạo nghề giảm sút nghiêm trọng. Mặt khác, sự mất cân đối ngành nghề đào tạo thể hiện khá rõ: các lĩnh vực tin học, cắt may, sửa chữa xe máy... thì nhiều cơ sở dạy nghề cùng đua nhau mở lớp và có khá đông người học. Ngược lại, những nghề: cơ khí, hàn, tiện, chế biến nông sản... thì rất hiếm cơ sở dạy nghề mở lớp và rất ít người học. Do đó, dẫn đến hậu quả: nhiều người sau khi được đào tạo nghề vẫn không thể tìm được việc làm, gây lãng phí nhiều tiền của cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong khi đó một số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn không thể tuyển đủ số công nhân kỹ thuật. Từ đó cho thấy, trong rất nhiều việc cần phải làm thì công tác đào tạo dạy nghề cho người lao động ở Thái Bình để đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường lao động là vấn đề bức xúc nhất hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Thái Bình: thực trạng và giải pháp ppt (Trang 54 - 55)