hành án trong giai đoạn sau khi cưỡng chế thi hành án
Trong thi hành án dân sự có hai loại việc chính đó là loại việc thi hành nghĩa vụ trả tiền, như tiền bồi thường, trả nợ, cấp dưỡng, tiền công lao động… và loại việc thi hành án trả nhà, tài sản cho người được thi hành án theo quyết định, bản án. Đối với từng loại việc cụ thể thì sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế Chấp hành viên có các nghĩa vụ khác nhau.
Thứ nhất, đối với loại việc thi hành án trả nhà, trả vật, trả tài sản cho người được thi hành án thì sau khi tổ chức giao nhà, giao vật hoặc tài sản cho người được thi hành án thì Chấp hành viên có thể tiến hành thu phí thi hành án của người được thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 68/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hưỡng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án. Công việc cuối cùng của Chấp hành viên là sắp xếp hồ sơ và lưu trữ hồ sơ thi hành án.
Thứ hai, đối với loại việc thi hành án trả tiền cho người được thi hành án, sau khi thực hiện xong biện pháp cưỡng chế và thu được tiền thì Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền cho người được thi hành án trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền theo quy định tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự. Đối với các vụ việc có từ hai người được thi hành án trở lên mà số tiền thu được không đủ để thi hành án thì sau khi đã trừ các chi phí thi hành án theo quy định của Điều 47 Luật thi hành án dân sự thì Chấp hành viên phải thanh toán theo tỷ lệ tương ứng với số tiền được thi hành án của mỗi người, không được chia đều số tiền đã thu được cho những người được thi hành án. Khi trả tiền cho người được thi hành án, Chấp hành viên tiến hành thu phí ngay đối với khoản tiền thực nhận của người được thi hành án theo quy định tại Điểm b.1 của Mục II của Thông tư liên tịch số 68/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008, trừ trường hợp không thuộc diện thu phí hoặc người được thi hành án được miễn phí thi hành án. Trường hợp người được thi hành án đã nhận đủ số tiền theo đơn yêu cầu thi hành án thì Chấp hành viên kết thúc việc thi hành án theo Điều 52 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Trường hợp người được thi hành án chưa được thi hành đủ số tiền theo đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án thì Chấp hành viên đề xuất với Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu theo quy định tại Điều 51 Luật thi hành án dân sự. Đối với trường hợp thuộc diện chủ động thi hành án thì Chấp hành viên đề xuất với Thủ trưởng ra quyết định hoãn thi hành án được quy định tại Điểm c Điều 48 Luật thi hành án dân sự. Và công việc cuối cùng của Chấp hành viên là sắp xếp hồ sơ và lưu trữ hồ sơ thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án còn tài sản khác để thi hành thì Chấp hành viên tiếp tục thi hành án theo quy định của pháp luật.