c) Đặc điểm của ĐNCB diện BTV Tỉnh uỷ Bắc Giang quản lý
2.2.5. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tại nơi công tác và cư trú trong bổ nhiệm cán bộ
Khi nêu về nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Văn kiện Đại hội lần thứ X khẳng định: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ” [15, tr.135].
Như vậy, trong BNCB, việc phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể thực chất là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia góp ý kiến cho nhân sự dự kiến bổ nhiệm. Việc giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm thông qua quá trình giám sát của nhân dân góp phần cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đi đến quyết định; đồng thời tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ nói chung, công tác BNCB nói riêng. Cũng thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội mà nâng cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong BNCB là một nhiệm vụ khó và cũng rất nhạy cảm; do đó, hoạt động này nhất thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Vì vậy, Đảng nên có nghị quyết hoặc chỉ thị chuyên đề; Nhà nước cần thể chế hoá bằng văn bản pháp luật, quy định rõ về đối tượng, phạm vi, nội dung, hình thức, cơ chế cụ thể và điều kiện bảo đảm để MTTQ và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò của mình.
Ở đây, xin nêu một số nội dung liên quan việc phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong BNCB như sau:
- Phạm vi nội dung mà MTTQ và các đoàn thể tham gia đóng góp là những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến BNCB, đến tổ chức bộ máy và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, đến kế hoạch và quá trình thực hiện.
- Đối tượng được đóng góp của MTTQ và các đoàn thể là các cơ quan, tổ chức của Đảng, nhà nước mà cụ thể là Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ và người đứng đầu có thẩm quyền trong công tác BNCB. Thời điểm tham gia được bắt đầu từ khi xây dựng chủ trương.
MTTQ và các tổ chức thành viên với tư cách là chủ thể đóng góp ý kiến, có quyền và trách nhiệm: Chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng đề án chuyển đến MTTQ và tổ chức thành viên các văn kiện dự thảo để nghiên cứu, tham gia góp ý kiến. Sau đó tổ chức tham gia góp ý kiến và gửi kết quả góp ý đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết. MTTQ và các tổ chức thành viên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện đóng góp ý kiến và chịu trách nhiệm trước nhân dân về nội dung tham gia của tổ chức mình.
Cơ quan, tổ chức được đóng góp ý kiến có thể tổ chức đối thoại với chủ thể tham gia ý kiến về những nội dung, kiến nghị khi cần làm rõ; cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan nội dung đóng góp theo yêu cầu của chủ thể khi tham gia ý kiến và hỗ trợ kinh phí từ đề án để thực hiện công việc này.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nơi, nhiều lúc, công tác mặt trận nặng tính hình thức. Mặt trận chưa thực sự được tạo điều kiện để các hoạt động giám sát diễn ra có hiệu quả. Mặt khác, cơ sở vật chất rất thiếu; cơ quan mặt trận được cung cấp thông tin chậm và thiếu tính toàn diện; nhiều trường hợp mặt trận, các đoàn thể được xin ý kiến nhưng cũng chỉ là hình thức.
Để phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong BNCB, cần thực hiện một số nội dung sau:
- Nhà nước ban hành cơ chế để MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội; trên cơ sở đó UBND tỉnh cần kịp thời cụ thể hoá và tổ chức thực hiện.
- Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, thường xuyên lắng nghe ý kiến của mặt trận và các đoàn thể phản ánh về chủ trương, chính sách cán bộ, BNCB và xây dựng ĐNCB diện BTV Tỉnh ủy quản lý.
- Cấp uỷ đảng cần bố trí cán bộ có năng lực làm công tác mặt trận và đoàn thể. Cán bộ mặt trận, đoàn thể cần được luân chuyển sang công tác Đảng, chính quyền theo nhiệm kỳ. ĐNCB này cần được đào tạo, tập huấn định kỳ, bồi dưỡng chuyên đề và có chế độ đãi ngộ hợp lý.
- Phải tuyên truyền và thực hiện tốt Luật MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ mạnh mẽ để mặt trận, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác BNCB.
- Đổi mới hoạt động của mặt trận và các đoàn thể nhân dân, khắc phục tình trạng hành chính hoá, phô trương, hình thức; nâng cao chất lượng hoạt động; làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin.
- MTTQ và các đoàn thể phải coi việc giám sát, xây dựng Đảng là hoạt động trọng tâm, thường xuyên. Để hoạt động giám sát diễn ra sâu, rộng, cần có những hình thức tiếp nhận sự phản ánh dư luận (như đặt hòm thư) và sử dụng hiệu quả hệ thống truyền thông. Trong giám sát lưu ý không được làm cản trở nhân tố năng động, sáng tạo; cần chọn điểm để thử nghiệm các hoạt động giám sát và thường xuyên rút kinh nghiệm.
- MTTQ và các tổ chức thành viên thường xuyên tổng hợp ý kiến đề nghị, kiến nghị của cử tri, các tầng lớp nhân dân để góp phần làm tốt vai trò phản biện xã hội và giám sát xây dựng Đảng. Quá trình tổ chức phản biện xã hội phải bảo đảm tính đảng, tính nhân dân, tính trung thực, tính khoa học, khách quan và thiết thực. Mặt khác, các kiến nghị phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi đề án được ban hành. Có như vậy, việc phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể trong công tác BNCB mới sát hợp với thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.