c) Đặc điểm của ĐNCB diện BTV Tỉnh uỷ Bắc Giang quản lý
1.2.3.1. Nguyên tắc chung
Trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, để bảo đảm tính đúng đắn, chuẩn xác cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý ĐNCB đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị.
BCH đảng bộ tỉnh căn cứ các quy định của Trung ương, cụ thể hoá thành mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp, chính sách, quy chế, quy định về công tác cán bộ cho cả hệ thống chính trị của tỉnh và thông qua các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan nhà nước, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp để lãnh đạo tổ chức thực hiện các quyết định của BCH đảng bộ về cán bộ và công tác cán bộ. Trực tiếp quản lý ĐNCB lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp; đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị của tỉnh về BNCB cho hệ thống tổ chức của mình theo đúng quan điểm, quy chế, quy định, tiêu chuẩn cán bộ do Đảng, Nhà nước ban hành. Phân công, phân cấp quản lý cán bộ cho các cấp uỷ và tổ chức Đảng; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác cán bộ của các cấp, các ngành.
Thứ hai, tập thể lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ, công khai, trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do tập thể cấp uỷ và tổ chức đảng có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý) thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số. Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa người đứng đầu tổ chức đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị có trách nhiệm phát hiện, đề xuất cán bộ bổ nhiệm và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về BNCB. Cơ quan tham mưu giúp cấp uỷ thẩm định việc đề xuất nhân sự, trên cơ sở đó trình tập thể cấp uỷ quyết định. Mỗi cấp chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định, quyết định BNCB của mình.
Thứ ba, phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị; đồng thời căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của cán bộ.
Phải xuất phát từ công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, chức trách nhiệm vụ, tiêu chuẩn đối với từng chức danh và kết quả đánh giá cán bộ mà BNCB đúng chỗ, đúng lúc, đúng sở trường, thực hiện “vì việc mà đặt người”, bảo đảm nguyên tắc “có lên, có xuống, có vào, có ra”. Tránh BNCB vào vị trí mà bản thân cán bộ chưa được học, chưa từng làm hoặc chưa am hiểu. Không điều động những cán bộ bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị này, sang nhận chức vụ tương đương hoặc cao hơn ở cơ quan, đơn vị khác. Những nơi trì trệ, yếu kém, mất đoàn kết nội bộ phải củng cố tổ chức, xem xét thay đổi cán bộ lãnh đạo chủ chốt, sau đó mới BNCB. Đồng thời, để tạo nguồn cán bộ kế tiếp, mạnh dạn bổ nhiệm những cán bộ trẻ, có triển vọng, được được đào tạo cơ bản, có đủ tiêu chuẩn và được rèn luyện, thử thách vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp.
Thứ tư, phải bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của ĐNCB, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Khi thực hiện BNCB phải chú trọng đảm bảo tính đồng bộ của ĐNCB lãnh đạo, quản lý, có tính đến mối tương quan giữa trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính liên tục, kế thừa vững chắc trong cả đội ngũ. ĐNCB lãnh đạo, quản lý ở mỗi cấp cần bảo đảm hình thành ba độ tuổi kế tiếp nhau (dưới 40 tuổi, từ 40-50 tuổi và trên 50 tuổi); kết hợp hài hoà giữa bố trí cán bộ lớn tuổi, dày dạn kinh nghiệm, với BNCB trẻ được đào tạo cơ bản, đã qua rèn luyện thực tiễn.