Thực tiễn thực hiện chức năng, thẩm quyền giám sát việc thực hiện pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã đi vào nề nếp và hiệu quả. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quy chế về hoạt động của Đảng - Đoàn, của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và Văn phòng Hội đồng nhân dân. Cơ sở để Hội đồng nhân dân ban hành Quy chế này căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003 và Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân được ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2005. Những văn bản này được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xác định "vừa là cơ sở pháp lý vừa là định hướng cho hoạt động của Hội đồng nhân dân" [47, tr. 4]. Việc ban hành Quy chế về hoạt động của Đảng - Đoàn, của Thường trực, các ban và tổ đại biểu, Văn phòng của Hội đồng nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý giúp cho Hội đồng nhân dân khắc phục tình trạng hoạt động thiếu đồng bộ, mỗi nơi làm một cách như trước đây. Đặc biệt, cùng với các luật tổ chức và các văn bản pháp luật có liên quan, quy chế đã tạo điều kiện thống nhất các hoạt động giám sát của ba cấp Hội đồng nhân dân, làm cho hệ thống cơ quan dân cử ở Vĩnh Phúc đi vào nền nếp. Qua đó, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với ủy ban nhân dân và các cán bộ, công chức trong ủy ban nhân dân trở nên rõ ràng hơn, trách nhiệm hơn. "Luật và quy chế đã giúp hoạt động của giám sát trở lên sinh động, hiệu quả và thiết thực, nhận được sự quan tâm và ủng hộ của dư luận và đông đảo cử tri. Hoạt động giám sát đang là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân" [47, tr. 4]. Thực tiễn hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Hội đồng nhân dân các cấp ở tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thời gian qua đã có nhiều tiến bộ. Điều này thể hiện trong việc triển khai thực hiện chức năng giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Hội đồng nhân dân luôn xác định rằng hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đóng vai trò quan trọng tác động sâu sắc đến không chỉ hoạt động của Hội đồng nhân dân mà còn đối với ủy ban nhân dân và chất lượng hiệu quả hoạt động của cả tỉnh Vĩnh Phúc. Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh Vĩnh Phúc luôn bám sát Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân chủ dộng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cho từng
năm. Sau khi xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã giành thời gian xứng đáng cho việc chuẩn bị giám sát và coi đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến kết quả giám sát. Việc triển khai hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương luôn được chú trọng tới việc mở rộng thành phần giám sát đối với các cơ quan hữu quan. Việc mở rộng thành phần giám sát giúp cho hoạt động giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có chiều sâu, kết quả giám sát cũng khách quan hơn và quá trình thực hiện kiến nghị sau giám sát cũng đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, để các kết luận giám sát được thực hiện nghiêm túc, tinh thần của các Đoàn giám sát là "theo đến cùng", nếu các đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn thì ngoài việc đôn đốc, Hội đồng nhân dân còn báo cáo kết quả giám sát đó trước Hội đồng nhân dân.
Việc thực hiện hoạt động giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương được Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức rằng giám sát không phải là "bới lông tìm vết" mà giám sát nhằm phát hiện cả những cái sai, cái bất hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật của ủy ban nhân dân để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu của đời sống và phù hợp với tình hình của địa phương. Kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm năm 2006 đã cho thấy hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã thu được nhiều kết quả tốt. Kết quả thực hiện hoạt động giám sát năm 2005 cho thấy Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã cơ bản hòan thành chương trình giám sát năm 2005.
Các cuộc giám sát đảm bảo đúng theo quy định. Thông qua hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan chịu sự giám sát phát huy những thành tích, khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2004 - 2009 tới nay đã được ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai tích cực, nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả [17, tr. 1-2].
Đánh giá chung về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2006 cho thấy:
Hoạt động giám sát đã có những cải tiến về quy trình, hình thức giám sát, tăng cường hoạt động giám sát hướng về cơ sở, giám sát trực tiếp tại cơ sở, những nơi làm tốt, làm chưa tốt, gắn trách nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân với hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh. Thông qua giám sát, các cơ quan chịu sự giám sát phát huy được những thành tích, khắc phục được những vấn đề còn tồn tại; mặt khác còn giúp các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh có thêm thông tin làm cơ sở nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, đại biểu Hội đồng nhân dân có thêm cơ sở trong việc thảo luận và giám sát tại kỳ họp [18, tr. 1-2].
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc năm 2005 đã khẳng định hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn những tồn tại như sau:
- Việc thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân còn lúng túng, vướng mắc khi thực hiện hoạt động giám sát theo quy định. Kết quả giám sát trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thực tế đang đặt ra nhưng lĩnh vực tài chính, ngân sách, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai... Hoạt động giám sát ít nhiều vẫn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa đi sâu giám sát vào từng lĩnh vực cụ thể.
- Việc tổ chức triển khai giám sát tập trung chủ yếu ở Thường trực, Trưởng, Phó các Ban Hội đồng nhân dân và một số thành viên hoạt động tích cực. Hoạt động giám sát của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh còn ít; khi tiến hành giám sát, một số đại biểu có biểu hiện né tránh, nể nang. Việc thu thập thông tin để chuẩn bị nội dung giám sát chưa sâu nên hiệu quả giám sát chưa cao, chất lượng các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu sau giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương còn chung chung. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện kết luận sau giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh chưa thường xuyên, thiếu sâu sát.
- Phạm vi và yêu cầu giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh rất rộng nhưng lực lượng triển khai còn mỏng, thời gian tham gia đoàn giám sát chưa được các địa biểu bố trí một cách thỏa đáng. Địa bàn giám sát chủ yếu lựa chọn một số cơ quan, đơn vị trọng điểm, chưa tổ chức được nhiều hình thức giám sát về một nội dung trên địa bàn toàn tỉnh. Một số nội dung trong chương trình giám sát chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, do điều kiện thời gian, lực lượng giám sát, có nội dung cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực hiện ở địa phương.
- Các sở, ngành được mời tham gia đoàn giám sát nhưng bố trí người tham gia không đúng thành phần. Có đơn vị chịu sự giám sát việc chuẩn bị báo cáo chưa đầy đủ, hoặc nội dung báo cáo không phản ánh đúng theo yêu cầu của đoàn giám sát. Việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chậm.
Về hoạt động của các ban của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2005, hoạt động giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng chương trình, kết hoạch đã đặt ra và có nhiều đổi mới. Nội dung giám sát có sự lựa chọn, cân nhắc. Trước khi xây dựng chương trình giám sát, Ban đã tiến hành thu thập tài liệu, nghiên cứu các văn bản liên quan đến đối tượng giám sát. Chương trình và kế hoạch giám sát đều được gửi trước cho các đối tượng chịu sự giám sát và các thành viên trong đoàn giám sát. Các cuộc giám sát Ban thường xuyên phối hợp với Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan hữu quan. Kết thúc cuộc giám sát, các Ban đều có báo cáo kết quả đến thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và thông báo kết quả đến cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát về việc chấp hành chính sách, pháp luật, nêu rõ những việc đã làm được và chưa làm được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đưa ra các giải pháp kiến nghị với cơ quan đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, sau giám sát các Ban phân công thành viên và chuyên viên giúp việc theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết kiến nghị và sau giám sát của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát. Ngoài chương trình giám sát của Ban, Trưởng, Phó Ban Pháp chế còn tham dự các chương trình
giám sát của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh [17, tr. 3-4].
Với thực tế nêu trên, hoạt động giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự vận dụng đúng các quy định của pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh. Ngay kể cả những vấn đề luật và Quy chế chưa có quy định song Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các Ban, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã có sự vận dụng linh hoạt và sáng tạo đảm bảo cho hoạt động giám sát tiến hành có hiệu quả như việc phối hợp giám sát với các cơ quan hữu quan, giữa các Ban và với đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, hoạt động sau giám sát mặc dù không được quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện và quyền hạn cụ thể trong Luật và quy chế song Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và Thường trực Hội đồng nhân dân ở Vĩnh Phúc vẫn triển khai thực hiện một cách có hiệu quả trên thực tế, đảm bảo cho các đối tượng giám sát phải thực hiện các kết luận và kiến nghị giám sát. Sự vận dụng này mặc dù đã có cố gắng song vì chưa có quy định cụ thể trong Luật và Quy chế nên tiềm ẩn trong nó là nguy cơ tùy tiện trong cách vận dụng dẫn đến hoạt động giám sát thiếu thống nhất trong thực tế. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, việc tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh Vĩnh Phúc cần phải được gắn với việc hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Đây thực sự là một yêu cầu mang tính thực tiễn cấp bách.
2.2.2. Thực trạng thực hiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Tòa án ở tỉnh Vĩnh Phúc thực