0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (114 trang)

Giai đoạn từ năm 1959 đến năm

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG HÀNH CHÍNH CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG - TỪ THỰC TIỄN TỈNH VĨNH PHÚC PPTX (Trang 50 -53 )

Giai đoạn 1959 và 1980 là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự phát triển của đất nước, với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Pháp luật về giám sát hoạt động hành chính nhà nước của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trong giai đoạn này thể hiện tập trung trong các quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp năm 1962. Về nội dung, các văn bản pháp luật đã quy định:

- Về giám sát của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính

nhà nước ở địa phương:

Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp (năm 1962) đã đề cao vị trí, vai trò và tăng cường quyền hạn của Hội đồng nhân dân trong mối quan hệ với ủy ban hành chính. Hội đồng nhân dân được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, ủy ban hành chính là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. ủy ban hành

chính chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với Hội đồng nhân dân cấp mình. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn ủy ban hành chính cùng cấp, chất vấn các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban hành chính. Theo quy định của Hiến pháp năm 1959, Hội đồng nhân dân có quyền giám sát các hoạt động của ủy ban hành chính cùng cấp (Điều 91) và có quyền giám sát quyết định của ủy ban hành chính, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới. Khi thực hiện quyền giám sát, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền bãi miễn thành viên ủy ban hành chính cấp mình, có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của ủy ban hành chính cấp mình, những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và những quyết định không thích đáng của ủy ban hành chính cấp dưới trực tiếp (Điều 85 Hiến pháp năm 1959 và Điều 81 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1962). Ngoài ra, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Hội đồng nhân dân có những quyết định làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhân dân. Nghị quyết giải tán của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi thi hành (Điều 86). Bên cạnh đó, Luật còn quy định cho Hội đồng nhân dân có quyền đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị không thích đáng của ủy ban hành chính cấp mình và của cả ủy ban hành chính cấp dưới trực tiếp.

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trong giai đoạn này có sự phát triển hơn so với giai đoạn trước đây. Điển hình là việc quy định thành lập các Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính (năm 1962, các điều 2-6, điều 28- 33). Việc thành lập các Ban chuyên trách đã góp phần tích cực trong việc tăng cường họat động giám sát của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1962) lại chưa có quy định rõ tên từng Ban, số lượng ban, chức năng nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của Ban nên dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. Mặc dù vậy, pháp luật quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã thể hiện vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân đối với ủy ban hành chính và đối với các cơ quan nhà nước khác ở địa phương.

- Về hoạt động giám sát thông qua hình thức khiếu nại tố cáo của nhân dân. Trong

thời kỳ này đã một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thông qua công tác thanh tra. Nghị quyết số 164/CP ngày 31 tháng 8 năm 1970 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường công tác thanh tra, chấn chỉnh hệ thống cơ quan thanh tra, chỉ rõ nhiệm vụ của công tác thanh tra là xét giải quyết và đôn đốc việc xét giải quyết đúng đắn, kịp thời các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, phương hướng tiến hành công tác thanh tra; Nghị quyết số 165 ngày 31/8/1970 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ủy ban thanh tra Chính phủ, việc giải quyết và thanh tra việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân. Đến năm 1976, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 25/TTg ngày 9/01/1976 về việc tổ chức các Ban thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở chính quyền, kinh tế, sự nghiệp. Quyết định số 25/QĐ-HĐCP đã quy định rõ nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân là tham gia góp ý kiến với chính quyền cơ sở hoặc Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp trong việc xét giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo hoặc các kiến nghị, thỉnh cầu của nhân dân thuộc trách nhiệm đơn vị giải quyết. Hình thức hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân được pháp luật thời kỳ này khẳng định là sự kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra của quần chúng nhân dân với Thanh tra của Chính phủ và tạo điều kiện để nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc kiểm tra, giám sát. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân được được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền cơ sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và ủy ban thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành. Tiếp sau đó, ngày 15/4/1976 ủy ban Thanh tra Chính phủ đã có Thông tư số 02/TTg hướng dẫn việc thi hành Quyết định số 25/TTg. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho Ban thanh tra thực hiện quyền giám sát mang tính xã hội.

Như vậy, pháp luật về hoạt động giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương thời kỳ này đã có bước phát triển hơn so với giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1959. Nếu như, giai đoạn trước đây, pháp luật điều chỉnh về hoạt động giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương được thể hiện dưới hình thức Sắc lệnh của Chủ tịch nước thì ở giai đoạn này các đạo luật đã có tác dụng điều chỉnh trực tiếp hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; các văn bản dưới luật

nhằm quy định cụ thể, hướng dẫn thực hiện chủ yếu có hình thức quyết định, thông tư, đã hình thành nên hệ thống pháp luật về giám sát hành chính, trong đó đã đặt cơ sở cho sự ra đời của Ban Thanh tra nhân dân. Như vậy, có thể khẳng định đây là dấu mốc đánh dấu sự phát triển của pháp luật về hoạt động giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980 còn ghi nhận sự phát triển của pháp luật về giám sát hoạt động hành chính nói chung và hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước nói riêng bởi sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Điều 105 Hiến pháp năm 1959 quy định: Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi luật định. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước ở địa phương và các nhân viên cơ quan nhà nước ở địa phương.

Như vậy, pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương thời kỳ 1959 đến 1980 đã có những bước phát triển mới hơn so với giai đoạn trước đây, thể hiện sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện và phát huy vai trò của pháp luật về giám sát hành chính, đảm bảo cho hoạt động giám sát hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương được thực hiện trong một môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG HÀNH CHÍNH CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG - TỪ THỰC TIỄN TỈNH VĨNH PHÚC PPTX (Trang 50 -53 )

×