Giai đoạn từ năm 1980 đến năm

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương - từ thực tiễn tỉnh Vĩnh Phúc pptx (Trang 53 - 59)

Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1992 là giai đoạn cả nước hòa bình, thống nhất, độc lập, qua độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn này, pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có những bước phát triển đáng kể, thể hiện như sau:

- Về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động hành chính của

cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Một trong những biện pháp nhằm tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là việc Quốc hội sửa đổi Hiến pháp năm 1980 và tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân vào các năm 1983, năm1989. Đặc trưng nhất của các lần sửa đổi này là quy định mới về việc thành lập cơ quan thường trực Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở lên. Đây là một bước phát triển nhằm tăng cường chất lượng của hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức, điểm mới của pháp luật giai đoạn này là Hội đồng nhân dân các cấp được thành lập các Ban chuyên trách và Ban Thư ký để giúp Hội đồng nhân dân theo quy định của Hội đồng Nhà nước (Điều 27 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân). So với giai đoạn trước đây, việc thành lập các ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân được xác định rõ ràng, cụ thể hơn về chức năng nhiệm vụ nên việc hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương được đảm bảo hơn. Theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1983) thì các ban của Hội đồng nhân dân có chức năng, nhiệm vụ như:

- Giúp Hội đồng nhân dân nghiên cứu trước, thẩm tra trước các dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết dự định trình Hội đồng nhân dân.

- Giúp Hội đồng nhân dân kiểm tra, giám sát ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

- Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Trong các quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1983) có quy định về thành viên của các Ban của Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của ủy ban nhân dân cùng cấp. Quy định này khắc phục được tình trạng người làm công tác giám sát đồng thời lại là người bị giám sát. Do đó, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân sẽ đảm bảo khách quan hơn. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Hội đồng nhân

dân và ủy ban nhân dân (năm 1983) còn có quy định mới cho phép các ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn ủy ban nhân dân tại điểm 7, Điều 29. Đây là quy định nhằm tăng thêm quyền hạn và trách nhiệm cũng như khẳng định vai trò giám sát của các ban của Hội đồng nhân dân đối với các ủy ban nhân dân.

Về đối tượng giám sát, so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 thì Hiến pháp năm 1980 đã có quy định mở rộng hơn về đối tượng giám sát của Hội đồng nhân. Khoản 12, Điều 115 Hiến pháp năm 1980 quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác của cấp trên đóng ở địa phương. Quy định này cho thấy, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ở địa phương đã bao quát hết các đối tượng giám sát nhằm đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất trên phạm vi địa phương.

Quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cũng được quy định một cách cụ thể hơn trong Hiến pháp năm 1980. Điều 120 Hiến pháp quy định:

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước khác của địa phương. Cơ quan bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Những người phụ trách các cơ quan này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét và giải quyết kiến nghị của đại biểu [12].

Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của cơ quan hoặc của người trả lời chất vấn, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1983) đã có quy định: Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc trả lời và trách nhiệm của cơ quan hoặc người bị chất vấn (Điều 36) v.v...

Như vậy, có thể thấy rằng, Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1983) đã có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của Hội đồng nhân dân đối với cơ quan hành chính

nhà nước ở địa phương. Bên cạnh những quy định mới nhằm tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, pháp luật thời kỳ này còn có những quy định bất cập làm ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Đó là quy định tại Điều 47 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1983): "Giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân được xét và giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cùng cấp" [38]. Đây là sự mâu thuẫn trong việc quy định cho ủy ban nhân dân thực hiện cùng một lúc hai chức năng - chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương và chức năng của Hội đồng nhân dân trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp. Quy định này làm giảm khả năng hoạt động của Hội đồng nhân dân và tạo ra nguy cơ lộng quyền cho hoạt động của ủy ban nhân dân.

Sau một thời gian thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1983), đến năm 1989, sau Đại hội Đảng lần thứ VI ba năm, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1989). Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (năm 1989) đã có quy định mới nhằm tăng cường hoạt động của Hội đồng nhân dân nói chung và hoạt động giám sát nói riêng. Đó là việc thay thế Ban thư ký Hội đồng nhân dân bằng Thường trực Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan bảo đảm cho tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, duy trì mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, điều hòa phối hợp giữa các ban của Hội đồng nhân dân, chịu sự giám sát, hướng dẫn của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh còn thực hiện việc giám sát, hướng dẫn thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện.

Sự hiện diện của Thường trực Hội đồng nhân dân đã đưa ủy ban nhân dân trở lại đúng vị trí của mình là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, thực hiện quản lý kinh tế - xã hội của địa phương, không còn thực hiện chức năng hai mặt nữa. Đây là bước thực hiện việc phân định rõ quyền hạn trách nhiệm giữa cơ quan quyền lực và cơ quan hành pháp ở địa phương [48, tr. 40].

Nếu như trong các quy định pháp luật trước đây, các thành viên ủy ban nhân dân nhất thiết phải là đại biểu Hội đồng nhân dân thì theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 1989 chỉ có Chủ tịch ủy ban nhân dân nhất thiết phải là đại biểu Hội đồng nhân dân, còn các thành viên khác không nhất thiết phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, các thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân và của các Ban của Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của ủy ban nhân dân. Quy định này đánh dấu một bước quan trọng đối với pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Những quy định này tạo nên những bảo đảm pháp lý cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với ủy ban nhân dân một cách khách quan và minh bạch.

- Về giám sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Pháp luật thời kỳ này cũng đánh dấu một sự phát triển về hình thức và nội dung cũng như tính cụ thể của những quy định pháp luật. Điều 138, Hiến pháp năm 1980 quy định: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 1980 cũng trao cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố.

Như vậy, đối với chính quyền địa phương, hoạt động kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của Viện kiểm sát theo Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (năm 1992) bao gồm:

- Kiểm tra, giám sát việc ban hành quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân các cấp. Mục đích của việc kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật này là để phát hiện ra những văn bản không còn phù hợp với các văn bản pháp luật của Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đồng thời đảm bảo việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân được nghiêm chỉnh chấp hành.

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hành vi của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Pháp luật thời kỳ này cũng quy định trong quá trình kiểm sát văn bản nếu thấy có sự vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị yêu cầu các cơ quan ban hành văn bản pháp luật đình chỉ việc thực hiện, sửa đổi hoặc hủy bỏ các văn bản đó. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu loại trừ nguyên nhân gây ra vi phạm pháp luật, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm, Viện kiểm sát có quyền khởi tố về hình sự. Trong những trường hợp pháp luật quy định Viện kiểm sát có quyền khởi tố dân sự và áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản và bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra.

Những quy định nêu trên cho thấy, hoạt động giám sát văn bản do ủy ban nhân dân ban hành và hành vi của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương được Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện kiểm sát giao cho Viện kiểm sát đã chứng tỏ vai trò và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương một cách cụ thể.

- Về hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân. Pháp luật thời kỳ này đã có

sự phát triển nhằm tạo điều kiện cho Ban thanh tra nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Ngày 15 tháng 2 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ra ra Nghị quyết số 26-HĐBT về tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra. Nghị quyết 26- HĐBT đã xác định tổ chức Thanh tra nhân dân là cấp cơ sở trong hệ thống tổ chức Thanh tra nhà nước và là tổ chức thanh tra của quần chúng cơ sở, thực hiện sự thống nhất hoạt động thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân". Quy định này cho thấy, pháp luật giai đoạn này đã có sự phát triển khi quy định sự phối hợp của Thanh tra nhà nước và Thanh tra nhân dân. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngày 01/4/1990, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thanh tra quy định nhiệm vụ quyền hạn cho các tổ chức Thanh tra nhà nước trong đó đề cao trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Điểm mới của Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 là việc tách thanh tra nhân dân ra khỏi Thanh tra Nhà nước và chuyển sự chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với thanh tra xã phường; cho Công đoàn đối với Thanh tra ở cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Để cụ thể hóa việc tổ chức các Ban

thanh tra nhân dân nói trên, Hội đồng bộ trưởng đã ra Nghị định số 24/NĐ-CP quy định cụ thể việc tổ chức các Ban thanh tra nhân dân.

Ngày 1/1/1991, Thông tư liên tịch số 01/TT giữa Thanh tra Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 241-HĐBT đối với các Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh. Bên cạnh đó, ngày 25/11/1991 Mặt trận Tổ quốc đã ra Thông tri số 08-TT/MTTQ về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra xã, phường thị trấn. Những quy định pháp luật nêu trên là những cơ sở pháp lý cần thiết để Ban Thanh tra nhân dân thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng là giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, văn bản pháp luật thời kỳ này chưa có quy định cụ thể về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn cũng như các mối quan hệ phối hợp giữa Ban thanh tra nhân dân với ủy ban nhân dân, với Mặt trận Tổ quốc các cấp nên trên thực tế, sự phối hợp hoạt động này còn nhiều lúc tỏ ra lúng túng. Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân rơi vào bị động trước sự chỉ đạo của ủy ban nhân dân và thậm chí còn lấn sân sang hoạt động của chính quyền trong một số vấn đề như giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Điều này làm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong giai đoạn này chưa phát huy được vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Tóm lại, pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà

nước ở địa phương giai đoạn từ 1980 đến 1992 có ý nghĩa quan trọng trong việc kế thừa và phát triển có chọn lọc những quy định pháp luật về hoạt động giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương của giai đoạn trước đây. Trên cơ sở những quy định pháp luật về hoạt động giám sát hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương của giai đoạn này, hoạt động giám sát được tiến hành một cách có nề nếp nếp và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương - từ thực tiễn tỉnh Vĩnh Phúc pptx (Trang 53 - 59)