Pháp luật phải đảm bảo độ tin cậy và có tính dự báo là một trong những yêu cầu nhằm đảm bảo hiệu quả của pháp luật trong quá trình thực hiện và trở thành một trong những tiêu chí xác định mức độ hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tính tin cậy của pháp luật thể hiện ở chỗ với tư cách là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội, đảm bảo thực thi quyền lực nhà nước, pháp luật phải tạo ra những khả năng giúp các chủ thể thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh và triệt để. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với pháp luật là phải tạo ra sự thuận lợi tối ưu đối với các chủ thể khi thực hiện. Đáp ứng được yêu cầu đó, các chủ thể mới coi pháp luật là chỗ dựa tin cậy khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Trên thực tế, trong xây dựng pháp luật việc đảm bảo độ tin cậy của pháp luật chưa được chú ý thích đáng. Chẳng hạn như Luật Phá sản, mặc dù đã sửa đổi đến lần thứ hai nhưng theo thống kê trong một năm chỉ có vài trường hợp áp dụng luật này, vì nó xa rời thực tế, không tạo ra được cơ chế giải quyết yêu cầu của chủ nợ, nên các chủ thể kinh doanh không áp dụng, họ vẫn tìm cách khác để đòi nợ thay vì thực hiện các quy định của Luật Phá sản. Hay như Luật Cạnh tranh cũng vậy, các chủ thể kinh doanh đều mong chờ có luật nhưng cơ chế vận hành không có, rất khó thực hiện trên thực tế và rơi vào tình trạng luật ra đời chỉ để đáp ứng nhu cầu hội nhập là phải có đủ luật.
Đối với pháp luật về giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương cũng có thể thấy những hiện tượng tương tự, như các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân đối với ủy ban nhân dân mới chỉ dừng ở những nét "chấm phá", mang tính nguyên tắc. Các quy định về thủ tục còn hết sức sơ sài. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quyền giám sát của Hội đồng nhân dân khó thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu lực, hiệu quả. Các quy định về hậu quả pháp lý trong các
trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính gây cản trở, không thực hiện các yêu cầu của Hội đồng nhân dân hoặc từ chối hợp tác với Hội đồng nhân dân chưa được xác định. Như vậy, các chủ thể sẽ thiếu tin cậy vào pháp luật khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Trên thực tế Hội đồng nhân dân chưa thể "thực quyền" trong hoạt động giám sát hành chính, dẫn đến tình trạng hoạt động còn mang nặng tính hình thức.
Tính dự báo của pháp luật thể hiện ở chỗ pháp luật không chỉ phản ánh nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội hiện tại mà còn phải có khả năng đáp ứng với những quan hệ xã hội trong tương lai. Chỉ trên cơ sở đó pháp luật mới có tính ổn định tương đối, hạn chế tới mức thấp nhất việc pháp luật mới ban hành đã rơi vào tình trạng lạc hậu cần phải sửa đổi bổ sung, hoặc quá xa rời cuộc sống trở thành "luật treo". Tính ổn định của pháp luật sẽ làm cho nhận thức về các quy định của pháp luật của các chủ thể trở nên rõ ràng, đầy đủ hơn, do đó sẽ có tác dụng làm tăng hiệu quả của việc thực hiện pháp luật.
Đặt vấn đề về tính dự báo của pháp luật giám sát hoạt động hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đòi hỏi phải cần giải quyết được vấn đề hoạt động giám sát hành chính sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới? Xu hướng hiện nay trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cần thiết phải mở rộng, phát huy các hình thức giám sát xã hội - giám sát của nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể của nhân dân.