- Đề nghị sớm ban hành Pháp lệnh chống buôn lậu làm cơ sở pháp lý giúp cho các cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật và các chính sách quản lý kinh tế - xã hội cho phù hợp với điều kiện thực tế ở hiện nay. Về chính sách vĩ mô: xây dựng cơ chế quản lý, các chính sách đồng bộ giữa phát triển kinh tế với chống buôn lậu; đề nghị Nhà nước kịp thời ban hành các nghị định, thông tư chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có chính sách mậu dịch linh hoạt, phù hợp với chính sách của nước láng giềng; điều chỉnh kịp thời một số chính cách về thuế, mặt hàng tránh bị lợi dụng gây thất thoát cho Nhà nước... có cơ chế điều hành XNK phù hợp với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập. Ưu tiên đầu tư các dự án phù hợp với trình độ dân trí ở những vùng sâu, vùng xa mà nhất là địa bàn biên giới để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ, quan tâm hơn nữa các đối tượng chính sách.
- Đề nghị hướng dẫn cụ thể khi khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu trong trường hợp phạm pháp dưới 100 triệu đồng, hàng cấm có số lượng không lớn. Vì Luật hình sự đòi hỏi phải có đủ chứng cứ chứng minh người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này (Điều 153) hoặc một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161 của BLHS, hoặc đã bị kết án một trong các tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232,
233, 236 và 238 của BLHS; trong khi đó thẩm quyền xử lý hành chính đối với các hành vi quy định tại các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của BLHS lại thuộc các cơ quan khác, việc xét xử các tội phạm nêu trên (từ Điều 193 - 196, 230...) thuộc về tòa án. Vậy làm thế nào để cơ quan Hải quan biết được người vi phạm đã bị xử phạt hành chính và được xóa án tích theo các điều luật trên? Vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định về quy chế cung cấp thông tin giữa Hải quan và các cơ quan liên quan.