d) Bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho công chức làm nhiệm vụ chống buôn lậu
3.2.4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu
tranh phòng, chống buôn lậu
Trước những phương thức, thủ đoạn của buôn lậu ngày càng tinh vi và yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu trong tình hình mới, đòi hỏi các cơ quan chức năng chống buôn lậu cần tập trung lực lượng, phương tiện, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ mà cụ thể là công tác tuyên truyền, vận động quần chúng cùng tham gia nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý có như vậy công tác phòng chống buôn lậu mới hiệu quả.
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh vai trò to lớn, vĩ đại của quần chúng nhân dân; quần chúng nhân dân là động lực của mọi cuộc cách mạng. Ngày nay xây dựng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh thì vai trò của quần chúng nhân dân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường như buôn lậu, tham nhũng, cửa quyền v.v... bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, cần tuyên truyền vận động và hướng dẫn quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng ngừa buôn lậu; không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu; phát hiện tố giác tội phạm buôn lậu. Nội dung vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa buôn lậu, trước hết là xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động thực hiện các quy ước xây dựng thôn xóm an toàn, văn minh, xây dựng đời sống văn hóa mới, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn. Mặt khác, để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống, mọi đối tượng hiểu và thực hiện đúng pháp luật, công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia phải được đặt lên hàng đầu và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chức năng, trong đó có nhiệm vụ của cơ quan Hải quan và của mỗi công chức Hải quan.
Việc tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước quy định chống buôn lậu trong thời gian qua có nơi, có lúc còn làm chưa tốt; công tác giáo dục quản lý cán bộ, công chức Hải quan nói chung còn nhiều sơ hở; hơn nữa lực
lượng Hải quan còn phải sử dụng một khối lượng văn bản pháp quy rất lớn liên quan đến hầu hết các Bộ, ngành thuộc Chính phủ. Để các đối tượng hiểu rõ và thực hiện pháp luật hải quan một cách đúng đắn Cục HQBĐ cần phải chú trọng tuyên truyền công tác này.
Về phương pháp, phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tận dụng mọi ưu thế sẵn có cũng như đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật tiến tiến, hiện đại phối hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, các bản tin, trang thông tin Website hải quan trên internet, tuyên truyền trực tiếp: trả lời, phỏng vấn, hội thảo, hội nghị chuyên đề, tờ rơi, gặp gỡ, trao đổi... và các loại hình khác: ấn phẩm chuyên ngành, hỏi đáp nghiệp vụ, tổ chức cuộc thi tìm hiểu luật Hải quan...
Do đặc thù "ngoài các văn bản pháp luật do cơ quan Hải quan ban hành, còn trên 80% các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hải quan do các Bộ, ngành cơ quan chức năng khác mà các đối tượng thực hiện pháp luật hải quan phải tuân thủ" [46, tr. 6] nên trách nhiệm của ngành Hải quan, công chức Hải quan không chỉ nắm chắc văn bản khi thực thi nhiệm vụ mà còn làm cho mọi đối tượng liên quan hiểu để thực hiện. Muốn cho đấu tranh phòng chống buôn lậu đạt hiệu quả, cán bộ công chức Hải quan phải đổi mới nhận thức về công tác phòng chống tệ nạn này; đã đến lúc cần "xã hội hóa" công tác chống buôn lậu.
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu là nhiệm vụ của cách mạng; mọi cấp, mọi ngành và của cả xã hội có trách nhiệm tham gia. Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là làm cho các quy định của Nhà nước phải đến với người dân, đưa pháp luật đi vào cuộc sống và để cho mọi người coi công tác phòng, chống buôn lậu là của chính mình, có như vậy công tác chống buôn lậu trên địa bàn Bình Định mới đạt hiệu quả.