Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công chức Cục Hải quan tỉnh Bình Định về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trong tình hình mớ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đấu tranh phòng chống buôn lậu của Cục Hải quan Bình Định - thực trạng và giải pháp doc (Trang 82 - 84)

tỉnh Bình Định về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trong tình hình mới

Như đã phân tích ở phần đầu, ngay từ khi có sự trao đổi hàng hóa giữa các vùng trong cùng lãnh thổ với nhau và dần dần rộng hơn là giữa các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của con người đã làm nảy sinh nhiều mối quan hệ và để đảm bảo lợi ích của mình mỗi quốc gia tự quy định các biện pháp bảo vệ kinh tế của nhà nước, trong đó có biện pháp thu thuế đối với hàng hóa trao đổi với nhau, từ đó tổ chức Hải quan ra đời. Như vậy, "hoạt động Hải quan đã xuất hiện từ lâu, từ khi có sự phân công lao động sản xuất và xuất hiện hàng hóa, hoạt động Hải quan gắn liền với sự xuất hiện nhu cầu trao đổi hàng hóa" [1, tr. 19].

Hải quan Việt Nam có vai trò quan trọng, là công cụ của Nhà nước quản lý hoạt động XNK hàng hóa, bảo vệ an ninh quốc gia, đó là: "Kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới..." [40, tr. 12]. Cán bộ công chức Hải quan Việt Nam nói chung và cán bộ Cục Hải quan tỉnh Bình Định nói riêng là lực lượng gác cửa quốc gia không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, an ninh và đối ngoại trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Phú Yên; do đó bản thân cán bộ công chức Cục HQBĐ phải tự rèn luyện nâng cao trình độ, nhận thức về tình hình hiện nay nhất là trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và vấn đề hội nhập, giao lưu hợp tác quốc tế.

Cần phải hiểu rằng:

Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, ngày càng cuốn hút nhiều nước trên thế giới tham gia với những mức độ không giống nhau. Nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế do chủ nghĩa tư bản chi phối; vì vậy việc nhận thức bản chất và nguyên nhân của toàn cầu hóa kinh tế cũng như những tác động của nó đến các mặt chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định đường lối chiến lược và thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm đưa đất nước chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa [4, tr. 12 ].

Đồng thời, cũng phải nhận thức: "Toàn cầu hóa kinh tế cũng là xu thế khách quan của lịch sử, bắt nguồn từ sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, của phân công lao động xã hội và kinh tế thị trường trên phạm vi toàn cầu" [32, tr. 13].

Như vậy, toàn cầu hóa kinh tế là xu thế phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất dưới tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, nó "có tính chất hai mặt, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, chứa đựng cả thời cơ và thách thức, trong quá trình đó các nước đang phát triển và chậm phát triển đang phải gánh chịu những mặt tiêu cực và những thách thức gay gắt hơn" [32, tr. 13]. Một trong những mặt tiêu cực đó là hoạt động móc ngoặc, tham ô, hối lộ, buôn lậu, làm và buôn bán hàng giả, lậu thuế, trốn thuế v.v... Nhận thức tốt được vấn đề này chúng ta mới có thể lý giải tại sao trong cơ chế thị trường buôn lậu vẫn còn tồn tại

và có lúc nổi lên gay gắt, từ đó tìm ra giải pháp phòng chống, không bị động trước diễn biến phức tạp của nó. Hơn nữa trong điều kiện kinh tế thị trường cần đổi mới cách nhìn nhận đánh giá về buôn lậu, nhận thức tốt vấn đề có ý nghĩa quyết định "ai thắng ai" trong cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu hiện nay.

Thực tế hiện nay có một số cán bộ công chức nhận thức chưa đầy đủ, chưa thấy hết phức tạp của cuộc đấu tranh chống buôn lậu, còn có biểu hiện giản đơn và có lúc có những ý kiến khác nhau ngay trong nội bộ đơn vị; có người cho rằng, nhiệm vụ chống buôn lậu là trách nhiệm riêng của Đội Kiểm soát điều tra chống buôn lậu, hoặc có ý kiến khác lại cho rằng buôn lậu tồn tại song song với cơ chế thị trường và chính sách hội nhập kinh tế là tất yếu khách quan không thể ngăn chặn được triệt để... từ đó đã tỏ thái độ thờ ơ, bỏ bê công tác phòng ngừa; cũng có trường hợp vì lợi ích kinh tế chỉ chú trọng đến việc bắt giữ thậm chí có trường hợp thiếu trách nhiệm, lợi dụng sơ hở chế độ thông thoáng trong một số chính sách khuyến khích của Nhà nước để tiếp tay cho buôn lậu.

Khắc phục tình trạng trên, để nâng cao trách nhiệm của mình, cán bộ công chức HQBĐ cần phải nhận thức một cách đầy đủ về tính cấp thiết của việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu ngay trong nội bộ để làm trong sạch đội ngũ; tăng cường công tác rèn luyện, học tập đối với cán bộ, công chức Hải quan về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật như Pháp lệnh cán bộ công chức, Pháp lệnh chống tham nhũng, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường tiếp xúc lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, của quần chúng nhân dân phản ánh về đạo đức lối sống về phong cách làm việc của công chức Hải quan, kịp thời biểu dương những thành tích và uốn nắn chấn chỉnh những sai phạm.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đấu tranh phòng chống buôn lậu của Cục Hải quan Bình Định - thực trạng và giải pháp doc (Trang 82 - 84)