Dự báo tình hình kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đấu tranh phòng chống buôn lậu của Cục Hải quan Bình Định - thực trạng và giải pháp doc (Trang 73 - 79)

Tình hình tội phạm nói chung và buôn lậu nói riêng là hệ quả trực tiếp của các diễn biến trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó buôn lậu là hiện tượng kinh tế - xã hội tiêu cực; việc dự báo tình hình buôn lậu trong thời gian tới cần phải đặt trong sự biến đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội của Nhà nước ở giai đoạn tương ứng.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội đất nước, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế theo xu hướng quốc tế hóa mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đưa nước ta hội nhập với cộng đồng quốc tế và khu vực, tạo ra những điều kiện thuận lợi thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; đó là:

Nền kinh tế từ tình trạng hàng hóa khan hiếm nghiêm trọng nay sản xuất đã đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và nền kinh tế; từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp đã chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ chỗ chủ yếu chỉ có hai thành phần là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đã chuyển sang nền kinh tế có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện [22, tr. 18].

Nhưng cũng phải thấy rằng, chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có cả thuận lợi và thách thức. Các mối đe dọa về an ninh quốc gia vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn; tình hình tội phạm kinh tế và trật tự xã hội diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. "Một số vấn đề văn hóa - xã hội bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao, đang là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của xã hội. Chất lượng giáo dục và đào tạo thấp so với yêu cầu" [22, tr. 74]. Trên các tuyến biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam với chính sách thúc đẩy buôn bán "tiểu ngạch", buôn lậu trên tuyến biển... sẽ là những yếu tố tạo điều kiện cho buôn lậu hoạt động và phức tạp thêm; các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" bằng các thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, chúng triệt để lợi dụng quan hệ hợp tác quốc tế, đầu tư, liên doanh liên kết, thăm viếng, du lịch v.v... để có thể đưa vũ khí, tài liệu phản động, văn hóa phẩm đồi trụy vào nước ta nhằm tuyên truyền kích động, đề cao lối sống thực dụng, sẽ lôi kéo một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên sa sút, thoái hóa về phẩm chất đạo đức, chạy theo những ham muốn làm giàu bất chính bằng tất yếu sẽ dẫn đến con đường phạm tội buôn lậu, tham nhũng.

Mặt khác, trong xu hướng quốc tế hóa, khu vực châu á và Đông Nam á là hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển. Việt Nam gia nhập ASEAN đã mở ra cơ hội thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là để thực hiện cam kết trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Việt Nam phải thực hiện giảm thuế và loại bỏ hàng rào thuế quan trong 10 năm, thời gian bắt đầu từ 01/01/1996.

So với nhiều nước trong ASEAN, trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam còn có một khoảng cách khá xa, nên việc gia nhập AFTA trong lúc này là một thử thách lớn. Tuy nhiên chấp nhận thử thách này, buộc Việt Nam phải vươn lên cải cách kinh tế, cải cách hành chính nhanh hơn để đương đầu với thử thách đó [50, tr. 24].

Về kinh tế, trong những năm tới chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước ta sẽ tiếp tục có những đổi mới sâu sắc và triệt để. Cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà

nước sẽ định hình một cách hoàn chỉnh, phù hợp với xu thế và quy luật phát triển chung; các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, độc lập hơn trong sản xuất kinh doanh.

Sự hình thành thị trường vốn, thị trường trong nước sẽ được thông thương, gắn chặt với thị trường trong khu vực và thị trường quốc tế là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng là điều kiện nảy sinh các loại tội phạm kinh tế mới. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh mặt tích cực sẽ xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực mới như tăng tỷ lệ người không có việc làm; sự phân hóa trong xã hội ngày càng sâu sắc, thêm cùng với tư tưởng tôn sùng lợi ích cá nhân, đặt lợi ích vật chất lên trên hết... tất yếu sẽ nảy sinh tình trạng phạm tội nói chung và tội phạm buôn lậu nói riêng.

Chúng ta tiếp tục thực hiện nền kinh tế "mở" trong sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở khu vực chưa phục hồi hoàn toàn đã tạo ra sự chênh lệch hàng hóa giữa nước ta với các nước trong khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tội phạm buôn lậu không những có chiều hướng diễn biến phức tạp mà còn tạo thành các đường dây, ổ nhóm xuyên quốc gia (dạng Mafia), với phương thức thanh toán phức tạp như có thể ứng vốn bằng hàng hóa và thu về bằng vàng, ngoại tệ mạnh... vì vậy rất khó phát hiện đường dây và đánh trúng bọn chủ mưu, cầm đầu.

Cùng với việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đòi hỏi tăng cường hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ kinh tế; nền kinh tế nhất thiết phải được bảo đảm an toàn, vận hành trong khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật, tăng cường pháp chế. Trong bối cảnh đó, hoạt động kinh tế tài chính sẽ phức tạp hơn nhiều so với hiện nay, do đó việc kiểm soát phát hiện những hành vi gian lận, làm trái pháp luật, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Về lao động và việc làm: Tiềm năng dân số và lao động nước ta là một lợi thế cho sự phát triển nhưng đồng thời cũng là một áp lực nặng nề với đời sống kinh tế - xã hội. Theo số liệu thống kê chứa đầy đủ, hiện nay nước ta có khoảng 3 triệu người thất nghiệp; ngoài ra trên thực tế có một bộ phận không nhỏ người lao động tuy là có việc làm nhưng không ổn định; trong khi đó hàng năm chúng ta chỉ có khả năng giải quyết việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, số lao động này chỉ đủ cân bằng với số lao động bổ sung hàng

năm theo tỷ lệ tăng dân số. Mặt khác, sự nghiệp CNH, HĐH tất yếu sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu về lực lượng lao động xã hội, nhất là lao động giản đơn; sự dôi dư lao động nhàn rỗi sẽ là một trong các yếu tố bổ sung đầu vào của tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu nói riêng. Do vậy, giải quyết việc làm vẫn còn là vấn đề nan giải trong những năm sắp đến.

Việc phát triển tham quan du lịch trong những năm tới không chỉ dừng ở lĩnh vực

sinh hoạt văn hóa mà trở thành một ngành kinh tế quan trọng - ngành "công nghiệp không

khói". Số lượng du khách nước ngoài ra vào Việt Nam ngày một tăng nhanh, phương tiện,

điều kiện, khả năng đi lại đa dạng trong điều kiện toàn cầu hóa thì vấn đề bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở cửa ngõ đất nước sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Bởi lẽ cùng với việc mở rộng giao lưu với bên ngoài sẽ kéo theo hành vi mua bán hàng cấm, hàng lậu dưới các hình thức như quà biếu, hàng gửi; quan hệ giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không chỉ là hiện tượng đơn lẻ và dễ dàng kiểm soát như hiện nay, đòi hỏi phải thay đổi phương thức kiểm tra, kiểm soát, thu thập, xử lý thông tin để phát hiện, ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.

Tóm lại, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 21 có những thuận lợi đan xen nhiều thách thức mới, "chính vì vậy mà đối với các nước đang hình thành nền kinh tế thị trường trong toàn cầu hóa ẩn chứa không chỉ những lợi thế nhất định mà cả những nguy cơ lớn" [34, tr. 15]; trong đó:

Hội nhập sẽ mang lại những cơ hội mới, đồng thời cũng đặt nước ta trước những thách thức cực kỳ gay gắt. Các ngành, các cấp và các doanh nghiệp cần nhận thức rõ cả thuận lợi và khó khăn, thách thức để tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa [23, tr. 5].

Muốn vậy, phải triển khai khẩn trương và đồng bộ việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện để giành thế chủ động trong hội nhập, nhất là: sửa đổi và xây dựng mới các văn bản pháp luật phù hợp với yêu cầu hội nhập, tăng nhanh năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.

3.1.1.2. Dự báo tình hình buôn lậu trong những năm tới

Trong các năm tới nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển, Việt Nam sẽ tham gia đầy đủ vào tiến trình hội nhập khu vực và thế giới: Gia nhập WTO năm 2005, ký kết và thực hiện Công ước ATA năm 2005, ký kết và tham gia Công ước Container năm 2006, ký kết và tham gia Công ước Nairobi năm 2007 v.v... hàng rào thuế quan sẽ không còn, sự chênh lệch giá hàng hóa trong nước với nước ngoài sẽ được rút ngắn; biểu thuế suất sẽ thay đổi theo chiều hướng giảm dần; như thực hiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, AFTA trong thời gian qua ta đã giảm thuế suất xuống còn từ 0 - 5% với một số mặt hàng nhập khẩu của các nước tham gia ký kết; đến năm 2006 thì xóa bỏ thuế quan đối với các mặt hàng nói trên. "Trong điều kiện đó gian lận thương mại, trốn thuế có thể sẽ giảm nhưng buôn lậu không vì thế mà giảm. Hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại vẫn là vấn đề nóng của tất cả các nền kinh tế thị trường" [7, tr. 126]; bởi lẽ:

Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, thể chế kinh tế, thể chế chính trị còn có rất nhiều chỗ không hoàn thiện, vì thế trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn tồn tại thu nhập cao là do các thủ đoạn phi pháp như lậu trốn thuế, làm và buôn bán hàng giả, buôn lậu, ức hiếp, ngang ngược làm bá chủ thị trường... [44, tr. 30].

Mặt hàng buôn lậu: Tập trung chủ yếu sẽ là các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng giả, tiền giả hoặc những mặt hàng XNK có điều kiện, những mặt hàng có thuế suất còn cao v.v... hoạt động buôn bán vận chuyển ma túy, chất gây nghiện, vũ khí, văn hóa phẩm đồi trụy, phản động ngày càng gia tăng và sẽ phức tạp nhiều. Do cạnh tranh về giá cả, chất lượng giữa hàng nội với hàng ngoại nên vẫn xuất hiện buôn lậu dưới các hình thức khác nhau; có thể xuất hiện những hình thức buôn lậu với tên gọi mới như: vi phạm bản quyền, xâm phạm sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, rửa tiền, buôn lậu động thực vật quý hiếm, tranh ảnh cổ...

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của buôn lậu: Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là hàng cấm, hàng giả, tiền giả, ma túy, vật liệu nổ... ảnh hưởng xấu đến an ninh của các nước trong khu vực, do đó để đối phó với công tác đấu tranh phòng chống của các cơ quan

chức năng Việt Nam và quốc tế nên hoạt động của bọn buôn lậu sẽ ngày càng có tổ chức cao hơn, chặt chẽ hơn, tinh vi hơn, trị giá hàng hóa lớn hơn. Đối tượng buôn lậu chủ yếu hoạt động theo phương thức bí mật, có sự phân công, tổ chức chặt chẽ theo hướng chuyên sâu và hình thành những tổ chức buôn lậu (dạng Maphia) chi phối cả vùng hoặc khu vực mang tính quốc tế. Các hình thức mang vác nhỏ lẻ qua biên giới có thể vẫn tồn tại nhưng ở quy mô nhỏ hơn, khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng ngày càng có hiệu quả hơn đối với loại hình này. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trong điều kiện cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan theo xu thế hội nhập, thủ tục xuất nhập cảnh của tất cả các phương tiện (đường không, đường biển, đường bộ, đường bưu điện) và hành khách theo xu hướng ngày càng giản đơn và tự do hơn. Trong điều kiện Việt Nam tham gia đầy đủ vào AFTA, WTO và các Hiệp định khác thì việc cải cách thủ tục hải quan trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính của quốc gia sẽ được đẩy mạnh hơn nữa theo xu hướng đơn giản về thủ tục, tự do về điều kiện. Từ tình hình đó hành khách và phương tiện vận tải khi xuất nhập cảnh sẽ thuận lợi hơn, ít bị kiểm soát hơn. Sự tự do hóa này sẽ không loại trừ đối tượng buôn lậu lợi dụng để mang vác, vận chuyển hàng cấm, vũ khí, chất nổ, văn hóa phẩm đồi trụy, tài liệu phản động vào trong nước.

Đối tượng buôn lậu: Trong điều kiện diễn biến của tình hình mới, các hoạt động buôn lậu nhỏ lẻ ít dần và thay vào đó là hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm có tổ chức ở quy mô xuyên quốc gia; và như vậy thì khả năng hoạt động buôn lậu ở mức tinh vi hơn, khả năng trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan được nâng lên tầm mới, bọn buôn lậu sẽ sử dụng tối đa những sơ hở về cơ chế, chính sách để trốn tránh; đồng thời khả năng đối phó bằng các hành vi bạo lực sẽ thường xuyên xảy ra vì lượng hàng hóa khi bắt giữ sẽ rất lớn, do vậy thành phần đối tượng buôn lậu sẽ không rộng rãi như những năm gần đây mà tập trung chủ yếu vào số chuyên nghiệp và một số đối tượng là cán bộ có chức quyền trong bộ máy nhà nước, trong quản lý kinh tế, quản lý XNK hoặc trong kiểm tra, giám sát đường biên giới... Trong điều kiện này để đường dây buôn lậu hoạt động được, có thể có sự bảo kê của một số cơ quan nhà nước hoặc những công chức có chức, quyền trong xã hội.

Dự báo yêu cầu của công tác đấu tranh chống buôn lậu đặt ra đối với Hải quan là rất cao, trong điều kiện mới hoạt động đấu tranh chống buôn lậu phải tập trung lực lượng đánh trúng ổ, nhóm, đường dây buôn lậu có tổ chức. Thông qua hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu phải kiểm soát được tình hình, kiềm chế sự gia tăng tiến tới hạn chế thấp nhất hành vi buôn lậu góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động xuất, nhập khẩu; bảo hộ nền sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư nước ngoài [7, tr. 127].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đấu tranh phòng chống buôn lậu của Cục Hải quan Bình Định - thực trạng và giải pháp doc (Trang 73 - 79)