Các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Hải quan trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đấu tranh phòng chống buôn lậu của Cục Hải quan Bình Định - thực trạng và giải pháp doc (Trang 25 - 30)

quan Hải quan trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Như đã phân tích ở trên, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu không phải bây giờ mới đề cập mà nó đã có từ lâu trong lịch sử quan hệ buôn bán giữa các quốc gia với nhau, đó là cách "xử sự" của từng quốc gia đối với hành vi buôn bán không sòng phẳng.

Theo quy định của pháp luật ta có thể hiểu đấu tranh phòng phòng chống buôn lậu là việc thực hiện pháp luật nhà nước của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc các vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hóa.

Công tác XNK là mua bán, trao đổi hàng hóa trong nước với nước ngoài (ngoại thương) để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống nhân dân có nhiều nét đa dạng, phức tạp, khác với buôn bán hàng hóa trong nước (nội thương). Trong môi trường này, ngoài việc tuân thủ pháp luật còn có hành vi "phi thương mại" đó là buôn lậu, trốn thuế. Vì vậy, ở nước ta cũng như bất cứ quốc gia nào, tổ chức Hải quan đều có vai trò, vị trí quan trọng đối với các lĩnh vực XNK hàng hóa và đặc biệt là chống buôn lậu và ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Hải quan Việt Nam là một trong những công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước bảo vệ lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia. Vì xác định là lực lượng quan trọng nên sau

ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Nội

vụ Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh số 27/SL ngày 10/9/1945 thành lập Sở thuế quan và thuế

gián thu, tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay để thu các loại thuế nhập cảng, xuất cảng và thuế gián thu; sau đó được giao thêm nhiệm vụ chống buôn lậu thuốc phiện và giải quyết các vụ vi phạm về thuế quan và thuế gián thu. Trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành Hải quan Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền an ninh quốc gia

Với chức năng quản lý nhà nước về hải quan, nhiệm vụ cơ quan Hải quan gắn liền với mọi hoạt động về kinh tế đối ngoại của đất nước, thể hiện ở việc áp dụng các quy định về pháp luật hải quan để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa XNK; phương tiện vận tải và hành khách xuất nhập cảnh; thu thuế XNK và các loại thuế khác; công tác điều tra chống buôn lậu.., chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và kiến nghị biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với các hoạt động trên.

Để phục vụ đường lối kinh tế mở cửa và hội nhập của Đảng và Nhà nước, không ngừng tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động hải quan. Thực tế cho thấy hoạt động hải quan có tác dụng rất quan trọng, và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động XNK, đến môi trường đầu tư nước ngoài, đến hoạt động du lịch; ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo hộ và thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo hộ lợi ích người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Với vai trò và vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, hoạt động của Hải quan cần đặt dưới sự quản lý của Nhà nước, đây là yêu cầu khách quan, bắt buộc đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Tầm quan trọng đó được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chỉ rõ:

Nhiệm vụ gác cửa của Hải quan trong điều kiện mở cửa hội nhập, chính là thu hút các "làn gió lành" và ngăn chặn những "làn gió độc" thổi vào nước ta, tạo thuận lợi nhất cho các hoạt động kinh tế đối ngoại: xuất nhập khẩu, đầu tư, du lịch, hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước [37, tr. 4].

So với các nước phát triển, pháp luật hải quan hình thành và phát triển đã vài trăm năm, ở nước ta ngành Hải quan được thành lập đến nay gần 60 năm, nhưng hệ thống pháp luật hải quan phát triển rất chậm. Đến năm 1960 Chính phủ ra Nghị định số 03/CP ngày 27/2/1960 ban hành "Điều lệ Hải quan", đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hải quan trong đó có việc thi hành chính sách thuế quan và chống buôn lậu qua biên giới; tiếp đến Nghị định 139/HĐBT ngày 20/10/1984 của Hội đồng Bộ trưởng và Pháp lệnh Hải quan ngày 20/2/1990 có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn, xác định vị trí, vai trò của Hải quan Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Luật Hải quan có hiệu lực vào ngày 01/01/2002. Đây là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Hải quan. Vì vậy, để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình đối với nền kinh tế đang phát triển hết sức đa dạng và phong phú thì vấn đề quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động hải quan lại càng phải quan tâm và phải xác định đây là yêu cầu bắt buộc, khách quan đối với hoạt động của Nhà nước Việt Nam.

Tóm lại, Hải quan Việt Nam được giao nhiệm vụ "gác cửa" nền kinh tế đất nước, đây là vinh dự và trách nhiệm nặng nề. Thực tế cho thấy trong kinh tế thị trường khi lợi nhuận cao thì buôn lậu càng tinh vi, gắn liền với tệ tham nhũng và các tệ nạn khác; do đó việc chống buôn lậu không thể giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai và là trách nhiệm của một vài cơ quan, mà trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương; phải tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp, liên tục có như vậy mới đạt kết quả.

Nói về nhiệm vụ của ngành Hải quan trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã dặn:

Cần hiểu sâu, hiểu đầy đủ nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan đối với đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH. Ngành Hải quan là chiến sĩ gác cửa quốc gia và cũng là một trong những binh chủng đặc biệt trên mặt trận kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại, vì vậy việc hoàn thành tốt hoặc không tốt nhiệm vụ đều ảnh hưởng rất lớn đến sức mạnh của đất nước.

Về chức năng Luật Hải quan quy định: "Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới..." [40, Điều 11].

Về phạm vi trách nhiệm chống buôn lậu Điều 64 Luật Hải quan quy định trong phạm vi địa bàn hoạt động cơ quan hải quan có toàn quyền trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu. Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan có quyền trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống buôn lậu như: xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng biện pháp nghiệp vụ cần thiết, áp dụng biện pháp nhiệm vụ trinh sát... có quyền hạn trong việc xử lý các hành vi buôn lậu hàng hóa qua biên giới; Điều 66 luật Hải quan quy định: khi có căn cứ cho rằng có hành vi cất giấu hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới như quyết định khám người, khám phương tiện, nơi cất giấu hàng hóa, tạm giữ người và phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính. Nếu hành vi vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan Hải quan, công chức Hải quan có thẩm quyền do pháp luật tố tụng hình sự quy định được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra.

Điều 34 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; theo đó, Tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm và thẩm quyền xử phạt mà áp dụng các hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 20 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 20 triệu đồng.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan được quy định, hướng dẫn trong nhiều Nghị định của Chính phủ, thông tư của Ngành.

Ngoài ra, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực vào ngày 01/7/2004, cơ quan Hải quan cũng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại khoản 1 Điều 93 như sau:

1. Khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì cơ quan Hải quan có thẩm quyền:

a) Đối với tội ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, thì ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

b) Đối với tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Theo quy định điều luật trên thì cơ quan Hải quan không phải là cơ quan điều tra chuyên trách mà chỉ là nhóm cơ quan được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn điều tra hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình. Nhiệm vụ đó được quy định tại Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự vừa được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/10/2004:

Khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan phát hiện tội phạm quy định tại Điều 153 và Điều 154 BLHS thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) có quyền:

1. Đối với tội ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, lai lịch người phạm tội rõ ràng thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi oa trữ trong khu vực kiểm soát của Hải quan, trưng cầu giám định khi cần thiết; khởi tố bị can; tiến hành các biện pháp điều tra khác quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, thu giữ và bảo

quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi oa trữ trong khu vực kiểm soát của Hải quan; chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

2. Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục HQCK trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó; giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc quy định như trên đã khắc phục được những thiếu sót của cơ quan Hải quan trong công tác điều tra xử lý tội phạm buôn lậu; tạo điều kiện thuận lợi trong việc đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa trong nước đứng vững trong cơ chế mới, không ngừng phát triển; góp phần làm ổn định thị trường, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế đối ngoại phát triển trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đấu tranh phòng chống buôn lậu của Cục Hải quan Bình Định - thực trạng và giải pháp doc (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)