nội dung được tổ chức theo trình tự: làm rõ vai trò, thực trạng hoạt động của đài truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ; trên cơ sở xác định những thuận lợi - khó khăn; thành công - nhược điểm và nguyên nhân của những tác động đó, chúng tôi đã nêu ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đài truyền thanh huyện, thị trong khu vực quan trọng này.
Trong những năm qua, các đài truyền thanh cấp huyện miền ĐNB đã thực sự trở thành một kênh thông tin chủ đạo trong công tác tư tưởng của Đảng xuyên suốt các thời kỳ cách mạng. Nó đã cùng hệ thống báo chí trung ương làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản ánh và đưa các nghị quyết, chính sách vào cuộc sống, đồng thời góp phần nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Các đài truyền thanh huyện, thị chính là “cánh tay nối dài” của các đài phát thanh trung ương và tỉnh, góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường dân chủ hoá trong đời sống. Qua đó, nó ngày càng phát huy vai trò, chức năng làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội với nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hướng đến mục tiêu: dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, gọi là đài huyện nhưng nó không thuần tuý mang tính tuyên truyền trong phạm vi huyện, thị.
Mặt khác, đài truyền thanh các huyện là tiếng nói của Đảng bộ, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân ở một địa phương, với những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế - văn hóa, xã hội cụ thể mang sắc thái riêng của mỗi địa phương. Nếu theo nguyên tắc tiếp nhận thông tin trong phát thanh cộng đồng thì người dân thường quan tâm đến những vấn đề như: nhà tôi, xã tôi, huyện tôi... hơn là những vấn đề của nhà bạn, xã bạn, huyện bạn ... Vì vậy, trong chừng mực nào đó, đài huyện đã làm được những cái "riêng" mà báo chí trung ương, tỉnh không thể làm thay được.
Vùng ĐNB có hơn 70% dân số là nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, hải đảo. Ở một số vùng sâu, vùng xa muốn có báo đọc hay muốn được xem các kênh truyền hình với nhiều gia đình vẫn đang còn là một điều khó khăn. Vì thế, đài phát thanh - tờ báo nói - vẫn phù hợp với quần chúng nhân dân và được họ đón nhận. Ưu thế của phát thanh là ở chỗ: vào mọi lúc, mọi nơi người nông dân dù đang tưới cây, dọn cỏ, trồng rừng... vẫn có thể nghe đài và tất cả những tin tức có liên quan đến chính cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, cho đến nay, cũng như các đài truyền thanh huyện, thị của cả nước, truyền thanh cấp huyện ở ĐNB vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, bất cập do những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quản lý ngành nói chung và đối với phát thanh - truyền thanh cơ sở nói riêng. Đó là những tồn tại được thể hiện rõ qua thực tế hoạt động của các đài huyện thời gian qua, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như:
Chưa có những cơ sở pháp lý quy định cụ thể về hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị; Chưa có cơ chế, chính sách thống nhất cho hoạt động truyền thanh về nhân lực, kinh phí, chế độ nhuận bút.
Tuy chưa được công nhận là một cơ quan báo chí, nhưng các đài truyền thanh huyện đã và đang tác nghiệp theo những cơ sở quy định từ chính chức năng, nhiệm vụ và phương tiện hành nghề của báo chí. Mặc dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết, song đội ngũ này đang từng bước chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá và khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội.
Để cho các đài truyền thanh huyện không ngừng phát triển và hoạt động đúng hướng, bên cạnh việc quản lý bằng pháp luật, Nhà nước cần đưa ra các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy, phát huy những mặt tích cực, đồng thời cũng hạn chế những mặt tiêu cực của hoạt động truyền thanh.