Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo tuyên truyền

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 85 - 89)

Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Tạo điều kiện cho các lĩnh vực xuất bản, thông tin đại chúng phát triển, nâng cao chất lượng tư tưởng và văn hoá, vươn lên hiện đại về mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất - kỹ thuật; đồng thời xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, chủ động, khoa học” [36, tr.107].

- Lãnh đạo, quản lý về nội dung thông tin

Chúng ta biết rằng “chất lượng của nền thông tin báo chí bao hàm cả sự phong phú, đa dạng về nội dung cũng như hình thức thông tin, khả năng dự báo, phát hiện cái mới, sự sắc sảo và nhạy bén chính chính trị trong nhận thức thực tiễn và trong hoạt động sáng tạo. Cũng cần tính đến chất lượng kỹ thuật, tính hấp dẫn, sức thuyết phục của sản phẩm báo chí” [57, tr.187, 188].

Với vai trò là cơ quan quản lý, chỉ đạo tuyên truyền đối với đài truyền thanh, tuy nhiên thực tế cho thấy, ở nhiều huyện, thị vẫn còn phổ biến tình trạng cấp uỷ, chính quyền ít quan tâm theo dõi các chương trình của đài, nên chưa thực hiện đến nơi, đến chốn vai trò quản lý nội dung tuyên truyền. Vì vậy, cũng không kịp thời biểu dương hay góp ý đối với nội dung, chất lượng thông tin của đài. Yêu cầu đặt ra là cần có một cơ chế kiểm tra, theo dõi thường xuyên các chương trình truyền thanh của đài huyện. Theo đó, cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể từ cấp uỷ, chính quyền của huyện, cần đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo tuyên truyền.

Đảng bộ, chính quyền huyện, thị cần có sự định hướng thường xuyên hơn cho các đài truyền thanh về nội dung tuyên truyền, duy trì các cuộc gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo và CBVC đài về những vấn đề nhạy cảmchính trị, bức xúc của người dân liên quan đến việc thực thi

các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương...Từ đó, tăng cường sự hiểu biết của lực lượng những người làm báo ở huyện về các vấn đề trên, tạo điều kiện cho đài thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền và vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Bên cạnh đó, Đảng và chính quyền cần chủ trì các cuộc họp chỉ đạo các đơn vị, ban ngành, đoàn thể ở huyện tăng cường phối hợp với đài trong hoạt động tuyên truyền, như: tham gia cộng tác tin bài; xây dựng chuyên mục tuyên truyền cho đoàn thể, đơn vị mình; tích cực trả lời các yêu cầu phát biểu, phỏng vấn của đài huyện....

Cơ quan Đảng và chính quyền huyện, thị cần thực hiện nghiêm cơ chế phân công người đại diện trả lời phỏng vấn (người đại diện phát ngôn) nhằm hỗ trợ đài truyền thanh huyện đảm bảo tính chủ động, kịp thời và thông tin chất lượng.

Mặt khác, cần lưu ý rằng, tuy là một hoạt động trực tiếp tác động đến lĩnh vực chính trị, song giống như các loại hình báo chí khác, hoạt động đài truyền thanh huyện cũng mang tính sáng tạo cao. Do đó, trong quá trình quản lý, lãnh đạo huyện cần có những chính sách vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo giúp đài truyền thanh huyện đảm bảo được tính chính trị đúng hướng và phát huy cao tính sáng tạo.

Chính quyền cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho ban lãnh đạo các đài truyền thanh, không can thiệp quá sâu vào hoạt động của các đài. Song với trách nhiệm của mình, tuy linh hoạt trong hoạt động, đài truyền thanh vẫn phải chịu sự tác động, kiểm soát của Nhà nước.

- Về các chế độ, chính sách, đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật

Trong thời gian qua, Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút và Nghị Định 43/2006/NĐ-CP Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính được triển khai ở các địa phương trong khu vực nhưng thực tế còn nhiều bất cập. Do chưa phù hợp và cách vận dụng cũng chưa khuyến khích các đài huyện phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng nguồn kinh phí được trang cấp.

Đối với Nghị định 61/2002/NĐ-CP cần có một văn bản thay thế hoặc bổ sung nhằm phù hợp hơn với thực tế các đài huyện (Vì ở Nghị định này, mức chi trả nhuận bút tin bài cao; PV, BTV bị trừ nhuận bút cao, nhưng thực tế hiện nay áp dụng không hiệu quả vì nhuận bút của các đài luôn bị khống chế, nên ngay cả các đài PT & TH tỉnh cũng rất khó vận dụng)

Đối với Nghị định 43/2006/NĐ-CP Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, khi vận dụng UBND các huyện cần có sự tính toán toàn diện hơn để đảm bảo phát huy đúng theo tinh thần của Nghị định này. Tức là, nguồn kinh phí đáp ứng được nhu cầu hoạt động, khuyến khích lãnh đạo các đài phát huy cao vai trò chủ động tài chính: chi những khoản cần thiết và tiết kiệm các khoản chi chưa cần hoặc trong khả năng có thể tự xoay sở, nhằm tạo nguồn tăng thu nhập cho CBVC mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Cần có những văn bản, quy định chính thức về mức phân bổ kinh phí hoạt động chung cho các đài truyền thanh huyện, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của đài và được tính toán cho phù hợp với tình hình mới. Vì thực tế, kinh phí khoán định mức như hiện nay là quá thấp, không đáp ứng với yêu cầu hoạt động thường xuyên và xu hướng phát triển của các đài huyện, thị.

Cho đến nay, vẫn chưa có được một chế độ nhuận bút thống nhất cho các đài huyện, mỗi đài tự xoay xở một cách, mức độ nhiều hay ít tuỳ thuộc vào các mối quan hệ và sự quan tâm của lãnh đạo huyện, thị. Điều này dẫn đến sự khác biệt rõ rệt trong nhuận bút của các đài huyện và giá trị mỗi tin, bài chênh lệch từ 3 - 5 lần. Nhìn chung, nhuận bút của phần lớn các đài huyện đều còn rất thấp. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần sớm có một chế độ nhuận bút thống nhất, nhằm kích thích khả năng sáng tạo của lực lượng công tác ở các đài và thu hút CTV, đồng thời tạo sự công bằng trong giá trị mỗi tin, bài của các đài huyện.

Đối với nguồn kinh phí phân bổ hàng năm, ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên, lãnh đạo UBND huyện cần xem xét, cân đối kinh phí đầu tư, mua sắm tài sản, thiết bị cố định theo dự trù của các đài huyện ngay từ đầu năm. Qua đó, tạo điều kiện cho các đài chủ động trong trang bị các phương tiện làm việc.

Để khắc phục tình trạng trang thiết bị lạc hậu và đầu tư chưa đồng bộ của các đài truyền thanh huyện, chính quyền cần quan tâm hơn đến nhu cầu đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho đài theo hướng trước mắt và lâu dài. Cần có cơ chế kiểm tra, nhắc nhở về trách nhiệm và hỗ trợ các đài về mặt này, nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư theo hướng hiện đại, đảm bảo chất lượng phát sóng và duy trì hoạt động thường xuyên của tờ báo nói ở huyện, thị mình.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng thêm nguồn nhân lực cho các đài truyền thanh huyện

Phân tích kết quả khảo sát 32/41 đài huyện cho thấy: sự chênh lệch về nhân sự giữa các đài huyện trong cùng một tỉnh, có nơi chênh lệch gần 3 lần (như tỉnh Đồng Nai, giữa Đài Truyền thanh huyện Trảng Bom (17 CBVC) với Đài Truyền thanh huyện Vĩnh Cửu (6 CBVC). Mức chênh lệch giữa các đài huyện so sánh trong khu vực ĐNB cũng tương đương ở hệ số này.

Những đài có nhân lực quá thấp thường xuyên gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ và ảnh hưởng cả đến việc tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Điều cần đặt ra ở đây chính là: dù là thành thị hay nông thôn, huyện hay thị xã thì cơ cấu tổ chức các đài huyện vẫn cần có một sự thống nhất. Các đài vẫn phải được đáp ứng như nhau về mặt nhân sự vì nhìn chung, thời lượng chương trình đều như nhau, các lĩnh vực chuyên trách và chức năng, nhiệm vụ tác nghiệp đều tương đồng.

Áp lực về công việc, về thời gian do thiếu nhân lực khiến lực lượng công tác ở đài huyện thường xuyên căng thẳng, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và chất lượng công việc. Vì vậy, bổ sung nhân sự là một yêu cầu cần được chính quyền các huyện quan tâm và sớm xem xét giải quyết, nhất là đối với các đài hiện có số lượng CBVC quá thấp so với các huyện khác trong khu vực.

Trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề bất cập. Do hoạt động ở lĩnh vực báo chí, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải có trình độ chuyên ngành và những am hiểu nhất định về nghiệp vụ chuyên môn mới có thể phát huy cao vai trò lãnh đạo, điều hành. Cần lưu ý, hiệu quả của công tác lãnh đạo tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động của toàn đơn vị. Với

vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện và Ban Giám Đốc các đài PT & TH cần ngồi lại trao đổi, thống nhất ý kiến trước khi đi đến quyết định, nhằm để công tác luân chuyển, điều động cán bộ phát huy cao hiệu quả, tác dụng.

Bên cạnh đó, để có một đội ngũ làm nhiệm vụ tuyên truyền ở các đài huyện “vừa hồng, vừa chuyên”, lãnh đạo các huyện cần quan tâm hơn đến hoạt động phối hợp với hội Nhà báo, các đài PT & TH địa phương, sở Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lực lượng công tác ở đài truyền thanh cả về mô hình tổ chức; về nội dung chương trình; về đầu tư, ứng dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại...

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 85 - 89)