0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (118 trang)

Về quy trình sản xuất chương trình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THANH CẤP HUYỆN, THỊ Ở CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM BỘ POT (Trang 38 -42 )

- Trang thiết bị kỹ thuật:

Hiện nay, các đài PT & TH ở các tỉnh miền ĐNB đang từng bước chuyển từ kỹ thuật analog sang digital theo quy hoạch phát triển hệ thống PT - TH từng địa phương và quan điểm, định hướng phát triển được nêu trong Quy hoạch truyền dẫn sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 16/2/2009):

hoàn thành việc phát triển mạng lưới truyền dẫn, phát sóng tương tự theo các quy hoạch đã được phê duyệt….Triển khai xây dựng chính sách, biện pháp và lộ trình chuyển đổi sang phát thanh, truyền hình số; triển khai đầu tư hệ thống truyền dẫn, phát sóng số lần lượt theo từng vùng trên nguyên tắc: các khu vực có trình độ phát triển cao, khan hiếm tần số thì triển khai và chuyển đổi trước, các khu vực có trình độ kinh tế khó khăn hơn sẽ được triển khai và chuyển đổi sau [55, tr. 3].

Đến nay, 100% các đài truyền thanh cấp huyện, thị vùng ĐNB đều đã được đầu tư hệ thống sản xuất chương trình truyền thanh bằng kỹ thuật số, kết hợp với một phần công nghệ tương tự (Analog), đồng thời chuyển đổi dần các thiết bị ghi âm kỹ thuật số cá nhân. Các phần mềm biên tập cho việc làm tin, xử lý âm thanh, thu và phát chương trình bằng vi tính được ứng dụng trong toàn ngành. Ưu điểm của công nghệ mới về tốc độ hoàn chỉnh từng sản phẩm, chương trình đã góp phần rút ngắn thời gian và giảm bớt áp lực làm việc cho mỗi cá nhân,

bộ phận. Chất lượng về mặt kỹ thuật âm thanh cũng được cải thiện nhiều, giúp các đài truyền thanh huyện nâng cao hơn hiệu quả phục vụ bạn nghe đài.

- Cấu trúc chương trình

Ở miền ĐNB, toàn bộ các đài truyền thanh cấp huyện đều tổ chức sản xuất chương trình hàng ngày. Tuy có vài điểm khác nhau do chưa có sự thống nhất về quản lý ngành, chưa có quy định cụ thể về thời lượng và cấu trúc chương trình nhưng về tổng thể, chương trình truyền thanh của các đài huyện, thị thường bao gồm chương trình thời sự địa phương và kèm theo là các chuyên mục, tiết mục. Thời lượng cũng như số lượng và chủ đề tập trung của các chương trình thời sự, tiết mục, chuyên mục tuỳ thuộc vào yêu cầu thực tế, năng lực của PV, BTV và định hướng của ban lãnh đạo đài.

Qua khảo sát 221 chương trình và bằng phiếu điều tra cho lãnh đạo 32/41 đài truyền thanh huyện cụm miền ĐNB, chúng tôi nhận thấy: cơ cấu chương trình phát thanh hàng ngày của các đài huyện phổ biến là 30 phút, bao gồm: 15 phút dành cho chương trình thời sự và 10 phút cho một tiết mục, (hoặc chuyên mục), cộng thêm gần 5 phút cho sử dụng nhạc xen, nhạc lồng, nhạc cắt. Bình quân mỗi chương trình sử dụng 7 tin, 2 bài và các thể loại khác. Các đài thường xây dựng từ 6 - 9 chuyên mục, tiết mục mỗi tuần. Cách tính toán số lượng chuyên mục, tiết mục căn cứ trên số ngày trong tuần và cơ cấu chương trình phát thanh trong tuần.

Song cũng có vài trường hợp ngoại lệ. Đài Truyền thanh huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có thời lượng xây dựng chương trình mỗi ngày là 45 phút. Bao gồm 15 phút thời sự và 25 phút cho 2 chuyên mục, tiết mục hàng ngày, 5 phút cho bài hát và nhạc xen. Trong đó, thông tin về huyện trong chương trình thời sự hàng ngày chiếm gần 70%.

Hoặc như Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài chương trình Thời sự hơn 20 phút, hàng ngày Đài chỉ xây dựng duy nhất một chuyên mục Phổ biến pháp luật với thời lượng 5 phút phát sau chương trình Thời sự, còn lại là bài hát và nhạc cắt. Đài Truyền thanh Phước Long, tỉnh Bình Phước, hàng tuần chỉ xây dựng 2 tiết mục: Dân số và gia đình; Pháp luật và đời

sống, mỗi tiết mục 30 phút phát vào thứ năm và thứ bảy hàng tuần. Các ngày: thứ hai, ba, tư, sáu trong tuần dành cho chương trình Thời sự 30 phút.

Riêng ngày chủ nhật, cách bố trí chương trình thường gặp ở các đài huyện là không xây dựng chương trình thời sự mà phục vụ người nghe đài từ 2 đến 3 chuyên mục, tiết mục trong mỗi buổi phát. Chẳng hạn, ở Đài Truyền thanh huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vào mỗi chủ nhật hàng tuần, chương trình phát thanh của Đài gồm: 15 phút Câu chuyện truyền thanh; 10 phút tiết mục Nhịp cầu nhân ái; 10 phút tiết mục Người lao động và 60 phút dành cho chương trình Quà tặng âm nhạc (hình thức ca nhạc theo yêu cầu bạn nghe đài). Đài Truyền thanh thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, chương trình phục vụ bạn nghe đài ngày chủ nhật, gồm: 30 phút ca nhạc, 10 phút tiết mục Làm theo lời Bác, 10 phút tiết mục Câu chuyện cuối tuần và 10 phút tiết mục Đất nước, con người.

Cá biệt là trường hợp của Đài Truyền thanh huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Trong chương trình phát thanh ngày chủ nhật hàng tuần, đài này không phát chương trình của mình mà chỉ tiếp âm chương trình Đài TNVN và Đài PT & TH Bình Phước.

Cũng trên căn cứ định hướng của ban lãnh đạo đài, bố cục tin, bài trong chương trình phát thanh của các đài huyện cũng được sắp xếp khác nhau. Song, nhìn chung cơ cấu phổ biến của một chương trình thường được sắp xếp xen kẽ giữa tin tức về các hoạt động của trung ương với tỉnh, huyện và phường, xã, theo hướng từ tin sự kiện chính trị quan trọng, đến kinh tế, văn hoá - xã hội. Các dạng bài phản ánh, phóng sự... thường được xếp cuối chương trình thời sự và chuyên mục, tiết mục.

Đài Truyền thanh huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có cách bố cục chương trình khác hơn so với các đài huyện bạn. Chương trình hàng ngày của Đài không xây dựng tiết mục hay chuyên mục mà dành trọn 30 phút cho chương trình Thời sự. Bố cục chương trình thường chia làm hai phần riêng biệt: Phần đầu tập trung cho tin, bài về hoạt động trong huyện; phần sau là những nội dung liên quan đến hoạt động của tỉnh hoặc những bài trích trên các báo.

Hiện nay, nhìn chung các đài truyền thanh huyện đều sản xuất chương trình theo công nghệ truyền thống, với quy trình sản xuất như sau:

Thu thập, xử lý các nguồn tin→ biên tập, hoàn chỉnh chương trình→ Lãnh đạo xem- duyệt → phát thanh viên dò, đọc → kỹ thuật viên (KTV) thu lại dưới dạng âm thanh; kiểm tra, xen nhạc và dàn dựng thành chương trình hoàn thiện để phát sóng.

Sự khác biệt giữa các đài chỉ là quy trình này được thực hiện riêng lẻ từng bộ phận hay có sự kiêm nhiệm ở những phần việc hậu kỳ mà thôi.

Trong khi đó, trong bối cảnh bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, phương thức sản xuất các chương trình phát thanh trực tiếp

(PTTT) chính là giải pháp tối ưu cho phát thanh hiện đại không chỉ riêng ở Việt Nam.

Về phương thức sản xuất các chương trình PTTT, trong cuốn Lý luận báo phát thanh, tác giả Đức Dũng đã tán thành quan niệm của nhà báo Nguyễn Lương Phán (được nêu trong chương XIX của giáo trình Báo phát thanh), đó là: “PTTT có thể được hiểu là công nghệ sản xuất chương trình phát thanh được thực hiện đồng thời với quá trình phát sóng, nhằm chuyển đến người nghe những thông tin đồng thời với sự kiện đang xảy ra và có thể thu hút người nghe tham gia vào quá trình sản xuất chương trình” [10, tr.118].

Từ năm 1997, Đài TNVN đã tiếp nhận dự án “Hỗ trợ phát thanh địa phương ở Việt Nam” do tổ chức SIDA (Thuỵ Điển) tài trợ. Thông qua dự án này, phương thức sản xuất các chương trình PTTT đã được các chuyên gia của tổ chức SIDA trực tiếp giảng dạy cho gần 28 đài tỉnh, một đài huyện và Trường PT - TH II của Đài TNVN tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2004 đã có khoảng 300 lượt cán bộ, PV làm công tác phát thanh cấp huyện được dự án đào tạo làm PTTT.

Tuy nhiên, ở các đài cơ sở nước ta (đài huyện, thị và hệ thống đài xã, phường, thị trấn…) tình hình không mấy khả quan. Đến thời điểm hiện nay, trong tổng số hơn 600 đài huyện trong toàn quốc, số đài phát thanh-truyền thanh thực hiện được hình thức PTTT hàng ngày chỉ chiếm tỷ lệ khoảng trên 1%. Trong số còn lại, một số đài cũng đôi khi thực hiện một số chương

trình để tường thuật các sự kiện của địa phương, nhưng với cách làm nhìn chung còn rất thô sơ do thiếu phương tiện và không được đào tạo [8, tr. 227]

Riêng ở khu vực ĐNB, hầu hết các đài huyện, nhìn chung cũng chưa mặn mà lắm với phương thức này vì lo ngại sự an toàn trên sóng và còn vì một số nguyên nhân khác. Hầu hết các đài chỉ mới thử nghiệm vài lần phương thức PTTT tại một vài hội nghị quan trọng, như kỳ họp của Hội đồng nhân dân huyện.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THANH CẤP HUYỆN, THỊ Ở CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM BỘ POT (Trang 38 -42 )

×