Một số khó khăn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 25 - 33)

Không được công nhận là một cơ quan báo chí, nhưng trên thực tế lực lượng công tác ở đài huyện lại đang hoạt động như một cơ quan báo chí đa năng: vừa tự xây dựng chương trình phát thanh huyện; vừa tham gia tin, bài phát sóng hàng ngày trên đài PT & TH địa phương. Trong nhiều năm qua, hoạt động ở đài truyền thanh cấp huyện luôn đối mặt với nhiều khó khăn, nổi cộm là những khó khăn sau đây:

- Sự tiến bộ của khoa học về công nghệ phát thanh - truyền hình ngày càng phát triển đổi mới liên tục, do đó muốn tiếp cận công nghệ phát thanh - truyền hình mới rất khó khăn vì kinh phí của huyện, thị có hạn

Chậm đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực phát thanh là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của các đài truyền thanh huyện trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông hiện nay.

ĐNB là một khu vực năng động về kinh tế, ngành PT - TH cũng không ngừng phát triển, được ghi nhận là nơi có hoạt động báo chí sôi động nhất trong cả nước, các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được áp dụng một cách nhanh chóng, cùng với sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đài trong khu vực.

Tuy nhiên, do sự quan tâm của lãnh đạo các huyện, thị ở những mức độ khác nhau và kinh phí có hạn nên quá trình nhập cuộc của các đài truyền thanh huyện cũng có nhiều khó khăn và không đồng bộ.

- Nhân lực thiếu và lại luôn biến động khiến hoạt động của các đài truyền thanh gặp khó khăn, thiếu tính ổn định

Hiện nay, toàn bộ các đài truyền thanh huyện trong khu vực ĐNB đều đặt dưới sự quản lý toàn diện của UBND huyện về bộ máy, biên chế nhân sự và kinh phí hoạt động. Sự quan tâm, xem trọng vai trò, hiệu quả hoạt động truyền thanh cấp huyện của cấp ủy, chính quyền thời gian qua đã tạo nhiều điều kiện cho các đài huyện trong khu vực phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, việc phân bổ biên chế không theo yêu cầu công việc mà lại căn cứ vào dân số ở từng huyện, thị khiến không ít đài gặp nhiều khó khăn trong thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. “Ở Tây Ninh, tổng số cán bộ, viên chức của 9 đài truyền thanh huyện, thị là 60 người. Đài truyền thanh huyện, thị có biên chế cao nhất là 7 người, thấp nhất là 5 người, bình quân khoảng 6 người/đài” [23, tr.2].

Đồng Nai là tỉnh có biên chế bình quân của các đài huyện cao nhất trong khu vực, hầu hết đều có từ 10 người trở lên. Nhưng ngay cả với số biên chế ấy, các đài này vẫn phải hợp đồng thêm lao động và CBVC vẫn phải kiêm nhiệm nhiều phần việc mới có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý ở các đài huyện sang các lĩnh vực khác trong thời gian qua phần nào cũng đã gây nhiều bất cập cho hoạt động lãnh đạo, điều hành ở các đài.

Riêng ở tỉnh Đồng Nai, trong vòng 5 năm trở lại đây có gần 10 cán bộ lãnh đạo đài đã chuyển ngành do được huyện điều động, bổ nhiệm sang công tác khác. Đa phần các cán bộ lãnh đạo này đều được đào tạo đúng chuyên ngành, trong khi có những cán bộ mới được bổ nhiệm về đài lại không có nghiệp vụ chuyên môn.

- Nguồn kinh phí phân bổ chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ nên nhiều đài huyện thường xuyên rơi vào tình trạng bị động.

Cho đến thời điểm này, việc tính toán phân bổ kinh phí hoạt động cho các đài truyền thanh huyện, thị trong cả nước nói chung và khu vực ĐNB nói riêng, phần lớn vẫn chưa lấy tính chất, yêu cầu công việc làm cơ sở tính toán. Chế độ mua sắm, đầu tư trang bị cơ sở vật chất cũng mỗi nơi, mỗi khác. Sự khác biệt này không chỉ hiển hiện ở từng huyện, thị trong cùng một tỉnh mà nó còn thấy rõ khi so sánh giữa các đài huyện trong khu vực.

Thử làm một sự so sánh trong phạm vi cùng một tỉnh về kinh phí hoạt động thường xuyên của năm 2009, sẽ thấy có những sự khác biệt khá rõ nét, tuy rằng trên thực tế, yêu cầu về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ giữa các đài truyền thanh là như nhau.

Bảng 1.1: So sánh về kinh phí hoạt động của một số đài truyền thanh

cấp huyện, thị

TT

Số đài huyện khảo sát/số huyện của tỉnh Đơn vị có kinh phí hoạt động cao nhất Đơn vị có kinh phí hoạt động thấp nhất Mức chênh lệch 1 (3/7)/ Bà Rịa- Vũng Tàu

Đài TT huyện Côn Đảo: 1,760 tỷ đồng

Đài TT huyện Tân Thành: 360 triệu đồng

4,88 lần

1 (11/11)/ Đồng Nai Đài Tp. Biên Hòa: 773 triệu đồng

Đài TT huyện Nhơn Trạch: 294 triệu đồng

2,62 lần

An:747 triệu đồng Uyên: 312 triệu đồng 4 (8/8)/ Bình Phước Đài TT huyện Bù

Đăng: 520 triệu đ.

Đài TT huyện Phước Long: 245 triệu đồng

2,12 lần

5 (5/9)/ Tây Ninh Đài TT huyện Trảng Bàng: 318 triệu đ.

Đài Thị xã Tây Ninh: 160 triệu đồng

gần 2 lần

Tất nhiên, có những lý giải khác nhau cho mức chênh lệch này, trong đó sự chênh lệch khá cao giữa Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Côn Đảo với các đài huyện trong tỉnh có nguyên nhân là do sự khác biệt về nhiệm vụ được phân công. Mỗi ngày, ngoài thực hiện chương trình phát thanh, tiếp âm chương trình Đài tỉnh và Đài TNVN, Đài huyện Côn Đảo còn chịu trách nhiệm xây dựng chương trình truyền hình huyện 10 phút mỗi ngày. Đài còn là trạm tiếp phát các chương trình truyền hình của Đài quốc gia và khu vực phục vụ nhân dân huyện nhà hàng ngày (gồm 5 kênh: VTV1, VTV2, VTV3, HTV7, VCTV).

Tuy nhiên, phần lớn sự chênh lệch giữa các đài huyện lại diễn ra với những xu hướng khó lý giải:

Nhiều đài huyện tuy có vị thế tương đồng, nhân sự xấp xỉ nhau...nhưng kinh phí hoạt động lại có sự chênh lệch khá xa. Mặt khác, nhuận bút ở mỗi huyện được tính trong kinh phí hoạt động thường xuyên, song nhiều trường hợp nhuận bút cao hay thấp lại không tuỳ thuộc vào nguồn kinh phí được cấp cho hoạt động thường xuyên. Điển hình là tỉnh Bình Phước. Ở tỉnh này, kinh phí hoạt động thấp nhất năm 2009 là Đài Truyền thanh huyện Phước Long - 245 triệu đồng - nhưng lại có nhuận bút bình quân mỗi tháng 4 triệu đồng, cao hơn 1 triệu đồng/tháng so với Đài huyện Lộc Ninh - là đài có kinh phí hoạt động 330 triệu đồng/năm. Đài Truyền thanh huyện Bình Long, kinh phí hoạt động 270 triệu đồng, cao hơn Đài huyện Chơn Thành 20 triệu đồng, nhưng mức chi trả nhuận bút bình quân hàng tháng của Đài Bình Long chỉ 1,2 triệu đồng, trong khi Đài Chơn Thành là 4 triệu đồng nhuận bút/tháng....

Ở tỉnh Tây Ninh, tuy là đài thị xã, nhưng Đài Truyền thanh thị xã Tây Ninh chỉ có 5 biên chế, kinh phí hoạt động thấp nhất tỉnh - 160 triệu đồng và nhuận bút chỉ 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, với số biên chế tương đương, nhưng Đài Truyền thanh huyện Hoà Thành được cấp kinh phí hoạt động 298 triệu đồng và chi trả nhuận bút 2,5 triệu đồng/tháng....

Nếu không tính Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Côn Đảo thì khi so sánh giữa kinh phí của Đài Truyền thanh thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đài Truyền thanh thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai (hai đài có kinh phí hoạt động có thể gọi là cao nhất trong khu vực hiện nay - gần 800 triệu đồng/năm) với đài có kinh phí thấp nhất trong khu vực ĐNB là Đài Truyền thanh thị xã Tây Ninh, mức chênh lệch đã gần gấp 5 lần.

Bên cạnh đó, do một số nguyên nhân, nhiều đài huyện không được UBND duyệt kinh phí mua sắm, đầu tư ngay từ đầu năm nên thường bị động về mặt hồ sơ, thủ tục và việc trang bị phương tiện làm việc cũng không đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác. Trong khi đó, vẫn còn một số đài có nhu cầu đầu tư trang thiết bị nhưng thường xuyên trong tình trạng buộc phải chờ đợi được phân bổ kinh phí từ năm này sang năm khác. Nguyên nhân được lý giải là do giá trị thiết bị quá cao.

- Chưa được công nhận là cơ quan báo chí, nên lực lượng làm nhiệm vụ đưa tin ở các đài huyện còn mang nặng mặc cảm tự ti; khả năng cạnh tranh trong khai thác thông tin với các đài, báo tỉnh, trung ương có nhiều hạn chế

Do chưa có sự công nhận cho nghề nghiệp của mình nên dẫn đến tình trạng khi có những sự kiện lớn ở tỉnh nhà, như các hội nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh, các cuộc họp báo do UBND, các ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức...thường vắng bóng lực lượng PV đài huyện dù rằng các hoạt động đó diễn ra ngay trên địa bàn huyện nhà. Trong khi đó, với trách nhiệm tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, các đài này vẫn phải đưa các nội dung, sự kiện quan trọng đó vào trong chương trình thời sự hàng ngày, nhưng lại phải khai thác qua báo in hoặc báo mạng... và thời gian đưa tin tất nhiên là chậm hơn so với tự khai thác.

Luật Báo chí nước ta quy định các cơ quan báo chí bao gồm: báo in, báo nói, báo hình. Đài truyền thanh cấp huyện không phải là cơ quan báo chí, nhưng vẫn phát sóng hàng ngày, diện phủ sóng có nơi tới hàng chục km và số lượng người nghe đài khá đông. Nội dung phát

sóng phần lớn là tốt, có tác dụng phản ánh thông tin, động viên cổ vũ các hoạt động ở địa phương. Nhưng liệu có ai dám chắc là sẽ không có những sai phạm. Nếu có sai phạm thì xử lý thế nào? Vấn đề đặt ra là bên cạnh Luật Báo chí, Nhà nước cần có văn bản quy định cụ thể về hoạt động phát thanh, truyền thanh, làm cơ sở pháp lý cho các đài truyền thanh trong quá trình hoạt động.

PV ở đài huyện tác nghiệp với những phương tiện làm việc như những nhà báo chuyên nghiệp, tuy nhiên bản thân họ không được cấp một loại giấy tùy thân hành nghề nào cả. Điều đó đã tạo ra những bất công trong nghề báo (vì nếu chiếu theo Luật Báo chí thì số anh chị em làm PV đài truyền thanh cấp huyện đều vi phạm luật vì không có cơ sở pháp lý là Thẻ nhà báo trong khi hành nghề).

Do chưa có một mô hình quản lý và quy chế, định mức thống nhất trong cả nước, nên hiện nay mỗi huyện, thị tự đề ra một phương thức quản lý, hoạt động cho riêng mình. Trong khi đó, các cơ quan quản lý cấp trên lại thiếu những hướng dẫn sâu sát, kịp thời đã dẫn đến nhiều bất cập trong việc xây dựng bộ máy tổ chức, biên chế và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của những người làm công tác truyền thanh cơ sở. Hoặc tạo ra nhiều lãng phí, bất cập trong việc quy hoạch, đào tạo, phân công bố trí nhân lực và đầu tư phát triển ngành....

Bên cạnh đó là những nguyên nhân hạn chế về mặt chủ quan, như: trình độ cán bộ, BTV, PV chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; một số cá nhân còn xem nhẹ vai trò, trách nhiệm xã hội, thiếu tinh thần phấn đấu vươn lên...

Việc đầu tư nhỏ giọt trang thiết bị kỹ thuật, đồng thời với tận dụng những thiết bị cũ kỹ, lỗi thời đã tạo nên tình trạng thiết bị kỹ thuật của một số đài huyện ở ĐNB vừa xuống cấp, vừa thiếu đồng bộ. Thiết bị chưa được số hoá cơ bản, phương tiện tác nghiệp của PV chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, cộng với tình trạng thiếu nhân lực tồn tại quá lâu dẫn đến việc thực hiện cách thức sáng tạo tác phẩm không đúng quy trình, không tuân thủ tính hợp lý và khoa học trong sản xuất.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1 này, chúng tôi đã giới thiệu khái quát về diện mạo truyền thanh cấp huyện, thị miền ĐNB. Được hình thành và phát triển ở một khu vực có những điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội và phát triển năng động, đồng thời truyền tải thông tin trên cả hai làn sóng

hữu tuyếnvô tuyến - các đài truyền thanh huyện đã phát huy mạnh mẽ ưu thế của báo phát thanh: Thông tin được truyền tải nhanh nhất, đối tượng tiếp nhận thông tin đông đảo và cuối cùng là đỡ tốn kém nhất.

Mặc dù cho đến nay, các đài truyền thanh cấp huyện, thị vẫn chưa được công nhận là một cơ quan báo chí, nhưng không vì thế mà phủ nhận sự tồn tại và những hoạt động hữu ích của loại hình truyền thông đại chúng này. Đài cấp huyện, thị vẫn tồn tại và phát triển với tư cách là một cơ quan nhà nước, một cơ quan hành chính sự nghiệp dù điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Trong sự phát triển chung của ngành PT - TH miền ĐNB, các đài truyền thanh huyện, thị đã khẳng định vai trò quan trọng của mình, là công cụ lãnh đạo, điều hành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và là diễn đàn của nhân dân.

Đi sâu vào thực trạng hoạt động, làm rõ những mặt thành công và hạn chế, nhằm đưa ra những kiến giải về các yếu tố liên quan đến chất lượng hoạt động của các đài truyền thanh cấp huyện, thị ở miền ĐNB, là những nội dung sẽ được đề cập trong chương tiếp theo của luận văn này.

Chương 2

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 25 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)