Thực tế cho thấy, vai trò của Đài PT & TH tỉnh đối với các đài truyền thanh là rất lớn. Đối với những nơi mà đài PT & TH tỉnh thể hiện trách nhiệm cao và có sự gắn bó với đài huyện, thì nơi đó hoạt động cộng tác tuyên truyền của đài huyện với đài tỉnh cũng có những tiến bộ rõ rệt.
Ngày 07/06/2009, Đài Truyền thanh thành phố Cà Mau đã đăng cai tổ chức cuộc họp mặt giao lưu các đài truyền thanh thành phố trực thuộc tỉnh (khu vực Tây Nam Bộ lần III - mở rộng), với sự tham gia của 6 đài truyền thanh thành phố khu vực Tây Nam bộ và Đài Truyền thanh thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, đại diện khu vực ĐNB. Trong báo cáo khái quát về tình hình chung của các đài truyền thanh thành phố khu vực này, mô hình quản lý đối với Đài Truyền thanh thành phố Vĩnh Long đã được các đại biểu rất quan tâm và đánh giá cao. Hiện nay, Đài Truyền thanh thành phố Vĩnh Long chịu sự quản lý song trùng của Đài PT & TH tỉnh Vĩnh Long và UBND thành phố Vĩnh Long. Trong đó, Đài PT & TH tỉnh Vĩnh Long quản lý chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn nội dung tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chuyên ngành; đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo kinh phí hoạt động cho bộ máy của Đài. UBND thành phố Vĩnh Long quản lý bộ máy tổ chức cán bộ, nội dung tin bài.
Trong cả khu vực phía Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, Đài Truyền thanh thành phố Vĩnh Long là một đơn vị hiếm hoi được áp dụng mô hình quản lý ngành theo chiều dọc, tức là đài tỉnh trực tiếp quản lý đài huyện cả về con người, kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật và
nghiệp vụ chuyên môn. Với mô hình này, Đài Truyền thanh thành phố Vĩnh Long đã có một sự đầu tư phát triển theo hướng hiện đại hoá rất rõ nét về mặt trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồng thời xây dựng được hệ thống truyền thanh cơ sở tương đối hoàn chỉnh.
Qua định hướng và sự hỗ trợ thường xuyên của Đài PT & TH tỉnh, Đài Truyền thanh thành phố Vĩnh Long đã được trang bị máy phát sóng FM công suất 1000W và một máy dự phòng 300W. Đài này đã đạt đến khả năng sản xuất chương trình hoàn toàn bằng kỹ thuật số; song song nối mạng diện rộng ADSL để khai thác và cập nhật thông tin hàng ngày. Bên cạnh đó, Đài đã đầu tư 4 máy tăng âm có tổng công suất 4800W; 11 xã, phường đều có đài truyền thanh với máy tăng âm được trang bị từ 800 - 1000W; 58/58 ấp, khóm đều được lắp đặt cụm loa không dây, hàng tháng mỗi hộ quản lý cụm loa này được chi trả 150.000 đồng hỗ trợ tiền điện và sửa chữa. Mặt khác, hàng ngày Đài thực hiện ổn định số giờ phát sóng là 8 giờ 30 phút và 13 chuyên mục, tiết mục/tuần...Những số liệu khái quát trên cho thấy sự vượt trội của Đài Truyền thanh thành phố Vĩnh Long về mặt đầu tư trang thiết bị so với nhiều đài truyền thanh huyện, thị khu vực Nam Bộ.
Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận được ở các huyện miền ĐNB, chúng tôi thấy rằng: dù thực hiện mô hình quản lý ngành theo “chiều ngang”(UBND huyện quản lý toàn diện đài huyện; còn đài tỉnh quản lý về nghiệp vụ), các đài truyền thanh huyện cũng đã có những bước phát triển đáng kể, do có vai trò vận động hỗ trợ tích cực từ phía đài tỉnh.
Thông qua những dẫn chứng và phân tích cụ thể về vai trò và các hoạt động hỗ trợ hữu hiệu của Đài PT & TH tỉnh đối với các đài truyền thanh ở ĐNB trong phần phân tích về nguyên nhân của những thành công ở chương 2, chúng tôi cho rằng:
Sự quan tâm tích cực và định hướng thường xuyên của các đài PT & TH tỉnh là yếu tố quan trọng và là điều kiện không thể thiếu, giúp các đài truyền thanh huyện tiếp cận với những tiến bộ của công nghệ thông tin và ngày càng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá chất lượng hoạt động của mình. Vì vậy, nâng cao trách nhiệm hỗ trợ của các đài PT & TH cấp tỉnh là một trong những giải pháp tối ưu đối với sự phát triển của truyền thanh cấp huyện.