Tăng cường các mối quan hệ, nâng cao trách nhiệm phối hợp trong thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng, phát huy năng lực cộng tác viên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 90 - 93)

- Tăng cường các mối quan hệ cộng tác

Với tình trạng nhân sự ở phần lớn đài huyện còn nhiều bất cập, việc tăng cường mối quan hệ với các ban ngành, đoàn thể và các đài truyền thanh phường, xã, thị trấn để có nhiều thông tín viên, CTV là yêu cầu rất cần thiết của các đài truyền thanh huyện. Qua tăng cường, mở rộng các mối quan hệ này, đài truyền thanh huyện được cung cấp kịp thời các nguồn tin và lượng thông tin, giúp đài đảm bảo khả năng tuyên truyền nhanh nhạy, đa dạng hoá lĩnh vực đưa tin và cũng nâng cao hơn trách nhiệm phối hợp trong hoạt động tuyên truyền.

Ở các đài truyền thanh huyện ĐNB, lực lượng CTV chiếm đa số là cán bộ phụ trách đài truyền thanh phường, xã. Qua khảo sát, cho thấy một số đài huyện có số lượng CTV cao nhất trong khu vực - xấp xỉ 30 người, gồm: Đài Truyền thanh Thị xã Tây Ninh, Đài huyện Bến Cầu, huyện Hoà Thành (tỉnh Tây Ninh); Đài huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương); Đài thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...Tuy nhiên, với phần lớn đài còn lại số lượng CTV chỉ trên dưới 10 người.

Hiện nay còn rất hiếm đài huyện biết tận dụng các mối quan hệ này để góp thêm thế mạnh cho mình bằng hoạt động phối hợp “khoán chương trình, khoán chuyên đề, chuyên mục” cho các đơn vị, đoàn thể chịu trách nhiệm thực hiện. Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận ở tỉnh Bình Dương, Đài Truyền thanh huyện Dầu Tiếng và Đài Truyền thanh huyện Thuận An đã vận dụng khá linh hoạt hình thức hợp đồng giao khoán một số chương trình, tiết mục như: Chương trình phát thanh Công Đoàn, Chương trình phát thanh Thiếu nhi, Chương trình phát thanh Thanh niên cho Liên đoàn Lao động và Đoàn Thanh niên huyện thực hiện từ khâu nội dung, đến chọn giọng đọc cho phù hợp với các nhóm đối tượng của chương trình.

Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2009 do Đài PT & TH Đồng Nai tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Trưởng Đài Truyền thanh huyện Xuân Lộc, cho biết: “6 tháng qua, 14/15 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn ở huyện Xuân Lộc tiếp tục tham gia chương trình thời sự 10 phút phát trên sóng Đài Truyền thanh huyện Xuân Lộc, đồng thời một số đài cộng tác tin bài với đài huyện khá thường xuyên” [31, tr.3]

Đài Truyền thanh huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cũng thường xuyên duy trì sự cộng tác của các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn qua tin, bài và các chương trình truyền thanh xã, phường phát trên sóng Đài Truyền thanh huyện. Bên cạnh đó, Đài Thống Nhất còn phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ phát động cuộc thi viết về những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác. Những tác phẩm khá, hay được Đài biên tập và bổ sung cho Chuyên mục Sinh hoạt dưới cờ từ 15 - 20 phút, phát vàomỗi sáng thứ hai đầu tuần.

Đây là những cách làm hay, vừa góp phần giúp đài huyện giảm bớt khó khăn về nhân lực, vừa tăng thêm tính phong phú, đa dạng cho chương trình, cần được nhân rộng trong hoạt động của các đài truyền thanh huyện.

- Bồi dưỡng, phát huy năng lực cộng tác viên

Đội ngũ CTV là một lực lượng hết sức quan trọng, nếu tích cực phát huy và bồi dưỡng họ thường xuyên về kỹ năng viết tin, bài họ sẽ đóng góp số lượng lớn tin, bài cho chương trình hàng ngày của các đài huyện. Trên thực tế, họ là những người am hiểu vấn đề, bám sát địa bàn, có khả năng thông tin, phản ánh một cách đa dạng tình hình và những vấn đề nóng hổi xảy ra ở cơ sở mà đội ngũ PV, BTV của đài không thể tìm hiểu, thông tin hết được.

Lực lượng CTV của đài huyện gồm ban ngành, đoàn thể và các đài truyền thanh phường, xã, thị trấn. Các đài truyền thanh huyện nên duy trì thường xuyên các lớp bồi dưỡng kỹ năng viết tin bài. Bởi lẽ, các CTV thường cộng tác với đài trên cơ sở yêu thích hoạt động tuyên truyền báo chí, vì trách nhiệm phối hợp hay do sự phân công của đơn vị mà họ đang công tác. Thực tế, họ không được đào tạo một cách bài bản và những hiểu biết về khả năng trình bày một bản tin, bài báo cũng rất hạn chế.

Do đó, chất lượng tin bài cộng tác từ CTV nhìn chung đang ở mức rất thấp về cả số lượng lẫn chất lượng. Muốn nâng cao chất lượng CTV, cần tăng cường vai trò của BTV trong việc phản hồi trực tiếp với tác giả về những vấn đề trong tin, bài mà họ cộng tác. Nêu những yêu cầu về chất lượng tác phẩm, góp ý những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại để CTV rút kinh nghiệm và thực hiện tác phẩm theo yêu cầu của đài.

Trên cơ sở rút ra những hạn chế, nhược điểm thường thấy từ nguồn tin bài cộng tác, ban biên tập cần chủ động tham mưu với lãnh đạo đơn vị đề ra kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; định hướng đề tài cho lực lượng CTV thường xuyên, tối thiểu mỗi quý một lần, hoặc một năm hai lần. Nội dung bồi dưỡng cần theo hướng từ căn bản đến nâng cao. Vì các CTV ở ban ngành, đoàn thể và phường xã thường không ổn định do bị chi phối bởi công tác điều động, luân chuyển cán bộ.

Các đài huyện cần có cơ chế tạo điều kiện cho các PV, ban biên tập xây dựng mạng lưới CTV cho từng mãng đề tài, từng ngành, lĩnh vực. Mặt khác cần có chế độ nhuận bút khuyến khích, phát huy trách nhiệm cộng tác của lực lượng này.

Bên cạnh nguyên do nhân lực còn quá thiếu thì yêu cầu về tính thời sự, đa dạng và phong phú của một chương trình, đòi hỏi các đài truyền thanh huyện phải luôn xem trọng và tăng cường mối quan hệ phối hợp cộng tác; phát triển lực lượng và nâng cao chất lượng tin bài của đội ngũ này. Cần xem đó là một trong những giải pháp thường xuyên của đài. Xem nhẹ yếu tố này sẽ là sự khiếm khuyết không thể chấp nhận trong định hướng phát triển của từng đài huyện, thị.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 90 - 93)