- Về mô hình quản lý:
Vị trí, vai trò của các đài huyện đã được khẳng định ngay từ lúc mới chào đời, cho đến nay và trong thời gian tới chẳng những sẽ không giảm đi mà còn ngày một được nâng cao, cải tiến cho phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, xã hội trong thời kỳ mới.
Trong thực tế, ở các địa phương của nước ta hiện đang tồn tại “ba mô hình” quản lý đối với các đài truyền thanh cấp huyện, thị, cụ thể như sau:
Mô hình 1: Đài PT & TH tỉnh quản lý trực tiếp, toàn diện các đài truyền thanh cấp huyện; UBND huyện quản lý về nội dung chương trình của các đài huyện và có trách nhiệm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho hoạt động của các đài huyện (còn gọi là mô hình quản lý theo chiều dọc).
Mô hình 2: UBND huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh quản lý toàn diện về bộ máy, biên chế nhân sự và kinh phí hoạt động của các đài huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh; Đài tỉnh chỉ tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ; tư vấn, hỗ trợ các huyện đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho đài huyện theo quy hoạch phát triển ngành PT - TH; giúp các đài huyện khắc phục các sự cố kỹ thuật (còn gọi là mô hình quản lý theo chiều ngang).
Mô hình 3: UBND huyện không quản lý trực tiếp mà thông qua phòng Văn hoá và Thông tin để quản lý, điều hành đài huyện. Về thực chất, ở mô hình này thì cả đài tỉnh và UBND huyện đều không quản lý các đài, trạm truyền thanh. Mặt khác, phòng Văn hoá và Thông tin cũng không đủ khả năng quản lý đài huyện, do đó mọi hoạt động của các đài đều gặp khó khăn, trở ngại, hiệu quả kém.
Trong ba mô hình quản lý kể trên đối với các đài truyền thành cấp huyện, thị, các mô hình 1 và 2 là phổ biến nhất, trong đó hầu hết là theo mô hình 2 (Đài huyện do UBND huyện quản lý, chỉ đạo). Về những ưu điểm và hạn chế của hai mô hình này, có thể nhận thấy qua một số điểm sau :
Với mô hình 1, (Đài tỉnh trực tiếp quản lý đài huyện cả về con người, kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật và nghiệp vụ chuyên môn), đài PT & TH tỉnh được UBND cùng cấp giao trách nhiệm quản lý toàn diện đài cấp huyện, kể cả việc điều hành hoạt động của đài huyện ở địa phương.
Ưu điểm của việc tổ chức quản lý theo mô hình này có thể dễ dàng nhận thấy là Đài PT & TH tỉnh sẽ rất thuận lợi trong việc quản lý, điều hành hoạt động các đài truyền thanh cấp huyện theo định hướng, mục tiêu phát triển chung của ngành và của đài tỉnh. Tồn tại trong mô hình này, đài truyền thanh huyện là một tổ chức tương đương cấp phòng, ban của đài tỉnh, có vị trí như một “chân rết” quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chung của ngành từ tỉnh đến địa phương.
Tuy nhiên, hạn chế về kinh phí hoạt động, đầu tư trang thiết bị cho các đài huyện và khả năng quản lý hệ thống truyền thanh cấp huyện gặp khó khăn do bị chi phối nhiều ở hoạt động chuyên môn và bộ máy tổ chức, thường là nguyên nhân khiến các đài PT & TH tỉnh không muốn áp dụng mô hình này.
Với mô hình 2, các đài huyện được coi tương đương với cấp phòng, ban của UBND huyện và chịu sự chỉ đạo về nội dung của Ban Tuyên giáo huyện uỷ. Việc quản lý của đài tỉnh chủ yếu là giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ. Mọi việc đều do huyện quản lý, lại do mỗi huyện làm một cách nên mối quan hệ giữa đài tỉnh và đài huyện thường rời rạc, lỏng lẻo, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các đài huyện.
Ở miền ĐNB, nhìn chung các tỉnh đều áp dụng mô hình 2, tức là: UBND huyện quản lý toàn diện đài truyền thanh. Đài tỉnh chỉ tham gia hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn các đài huyện đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phát triển mạng lưới theo đúng định hướng quy hoạch của ngành, đồng thời tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, xây dựng phong trào thi đua giúp cho các huyện, thị hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao hàng năm.
- Về nhân sự, cơ cấu tổ chức:
Qua khảo sát ở 32/41 đài truyền thanh huyện, thị của năm tỉnh miền ĐNB (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh), cho thấy biên chế của các đài chủ yếu được phân bổ theo dân số từng huyện.
Vì vậy, dù vị trí, chức năng và thời lượng xây dựng chương trình của các đài huyện, thị tương tự như nhau, song hiện nay số lượng biên chế giữa các đài truyền thanh huyện cụm ĐNB có sự chênh lệch khá rõ. Cụ thể như sau:
+ Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Biên chế các đài huyện: từ 9 đến 12 biên chế. + Tỉnh Đồng Nai : Biên chế các đài huyện: từ 6 đến 16 biên chế. + TỉnhBình Dương : Biên chế các đài huyện: từ 7 đến 10 người + Tỉnh Bình Phước : Biên chế các đài huyện: từ 4 đến 7 biên chế. + Tỉnh Tây Ninh : Biên chế các đài huyện: từ 5 đến 7 biên chế.
Để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, trên thực tế khảo sát có hơn 93,75% đài phải hợp đồng thêm lao động bổ sung cho các bộ phận nghiệp vụ. Chỉ có 2/32 đài không có lao động hợp đồng, gồm: Đài Thuận An của tỉnh Bình Dương, Đài thị xã Bà Rịa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điểm khác biệt nổi rõ về biên chế của các đài huyện là trường hợp của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Do đặc thù về chức năng và nhiệm vụ khác hẳn so với các đài huyện trong đất liền, biên chế của Đài này hiện nay là 23 người, cao gấp đôi, thậm chí hơn gấp 6 lần so các đài huyện bạn.
Cách bố trí bộ máy tổ chức giữa các đài huyện trong khu vực tương đối giống nhau. Hầu hết các đài đều tổ chức thành 3 bộ phận, gồm :
- Tổ Biên tập (Biên tập - Phóng viên - phát thanh). - Tổ Kỹ thuật.
- Tổ Văn phòng (Ban lãnh đạo và kế toán, văn thư).
Trong đó, Ban lãnh đạo đài (thông thường là 2 người) thường được phân chia trách nhiệm cụ thể: Thủ trưởng đơn vị phụ trách chung, đồng thời chịu trách nhiệm về khâu nội dung, duyệt chương trình; Phó trưởng đài phụ trách kỹ thuật và mạng lưới truyền thanh cơ sở.
Trên tổng thể là vậy, nhưng do biên chế của đài thường quá thấp hoặc chưa tương ứng với mức độ yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn, phải phục vụ đưa tin trên cả hai lĩnh vực phát thanh và truyền hình, đồng thời còn tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền của huyện, thị nên thực tế mỗi CBVC đều phải kiêm nhiệm các phần việc của bộ phận khác.
Hình thức phân công kiêm nhiệm theo hướng đa năng, mỗi CBVC kể cả các bộ phận kỹ thuật, văn phòng đều kiêm công tác PV; hoặc PV (phát thanh) kiêm cả nhiệm vụ quay camera; hay BTV, phát thanh viên (PTV) kiêm công tác PV. Một số đài huyện đã tỏ ra năng động khi áp dụng mô hình “ba trong một” nghĩa là: BTV kiêm PTV, đồng thời vừa đọc chương trình, vừa tự ghi âm, chọn nhạc xen, lồng... tức là từ khâu biên tập đến thu hoàn chỉnh chương trình có thể do một người đảm nhiệm.
Trao đổi trực tiếp với chúng tôi, bà Lý Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đài Truyền thanh huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Qua 6 năm áp dụng, cách làm này đã mang lại hiệu quả cao cho hoạt động của Đài. Trước hết, nó giảm thiểu về mặt huy động nhân lực. Sau nữa, giúp biên tập viên chủ động được công việc, rút ngắn thời gian thực hiện, hoàn chỉnh chương trình”.
Qua khảo sát ở thời điểm tháng 6/2009, tác giả được biết, một số đài truyền thanh huyện, thị như Đài huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Đài Nhơn Trạch và Đài Vĩnh Cữu của tỉnh Đồng Nai chỉ có từ 6 - 8 biên chế. Trong tình hình nhân sự còn quá hạn chế và khá phổ
biến ở các đài huyện như hiện nay, thì mô hình “ba trong một”, hay PV, BTV (bộ phận phát thanh) kiêm cả quay camera, đưa tin truyền hình vẫn là sự lựa chọn tối ưu của các đài huyện trong khu vực.