Về nội dung và hình thức các chương trình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 42 - 47)

- Nhiều chương trình thiết thực, gần gũi; chú trọng tính giáo dục, định hướng

Chất lượng của chương trình phát thanh được quy định bởi các yếu tố cơ bản: nội dung, hình thức thể hiện, chất lượng sóng và phương tiện chuyển tải.

Khi chất lượng âm thanh, chất lượng làn sóng cao thì chất lượng nội dung và thể hiện chương trình phải tương xứng. Chính vì thế, sự phát triển của kỹ thuật trở thành thách thức lớn với nội dung trong sự phát triển nội tại của ngành phát thanh.

Hiệu quả báo chí là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm nhiều bộ phận cấu thành có quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau. Muốn nâng cao hiệu quả báo chí phải tăng cường sự hợp tác giữa các bộ phận, các yếu tố. Mặt khác, hiệu quả báo chí còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của việc truyền thông tin, cách thể hiện thông tin. Cho nên việc lựa chọn những hình thức biểu hiện thông tin một cách sinh động, gây được những xúc cảm tốt cũng là yêu cầu cần thiết đối với báo chí làm cho báo chí phát huy tác dụng thực sự trong việc hướng dẫn dư luận và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng [48, tr.189]

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sự nghiệp truyền thanh cơ sở cũng vì thế mà phát triển không ngừng. Tuy chưa được công nhận là những nhà báo chính thức, song đội ngũ BTV, PV cấp huyện cũng phải đi cơ sở thu thập tin bài. Công việc hàng ngày của các đài là biên tập sản xuất chương trình thời sự địa phương và phát sóng nội dung chương trình đó trên hệ thống phát thanh, truyền thanh đảm bảo đúng giờ, đúng lịch (đối với vùng cao, vùng sâu, biên giới hải đảo còn có thêm cả truyền hình).

Không chỉ là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân huyện, thị mình, các đài truyền thanh huyện còn là những CTV đắc lực của đài PT & TH tỉnh trên cả hai làn sóng phát thanh và truyền hình. Hình ảnh các PV đài huyện lăn xả cùng PV các đài, báo trong và ngoài tỉnh để có được những tư liệu hay, những đoạn băng ghi âm và những thước phim sống động đã trở thành quen thuộc với mọi người. Vai trò đài cấp huyện vì vậy càng được phát huy và đã trở thành hoạt động thường nhật không thể thiếu được ở các địa phương.

Trong những lần trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo huyện uỷ và UBND huyện ở các tỉnh miền ĐNB, chúng tôi đã thu được nhiều ý kiến đáng chú ý. Ông Ngô Chí Thức - Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành uỷ Biên Hoà nhận xét:

Hoạt động của hệ thống truyền thanh thành phố Biên Hoà được duy trì thường xuyên, đều đặn, ổn định. Nội dung thông tin trên cả hai lĩnh vực phát thanh, truyền hình đều được tăng cường theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền thành phố và của cơ sở. Góp phần ổn định tâm trạng, dư luận xã hội, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (Phụ lục 3, tr.134).

Ông Nguyễn Văn Lỹ- Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh cũng có cùng nhận định về vai trò, vị trí của Đài Truyền thanh huyện mình:

Các cơ quan truyền thông nói chung và Đài Truyền thanh huyện nói riêng có vai trò to lớn trong thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân hăng hái thi đua xây dựng, phát triển huyện nhà. Có thể nói, Đài Truyền thanh huyện là tờ báo nói của địa phương được bạn nghe đài gần xa tin yêu, ủng hộ, Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể tin tưởng....(Phụ lục 3, tr.134)

Trong tổng thể một chương trình truyền thanh hàng ngày ở các đài huyện, thời lượng tin tức thời sự thường chiếm khoảng 3/4 chương trình, trong đó thông tin cơ sở thường từ 50 đến gần 70%. Vì ngay cả những người chịu trách nhiệm thực hiện các chuyên mục, tiết mục hàng ngày cũng luôn hướng đến cập nhật những vấn đề thời sự và tình hình hoạt động ở địa bàn huyện.

Nét nổi bật của các đài truyền thanh huyện là đã tập trung cao cho tuyên truyền phổ biến pháp luật. Đặc biệt, những năm gần đây khi tình hình tai nạn giao thông, vi phạm luật giao thông trở nên đáng báo động thì các đài truyền thanh huyện đều xây dựng đồng loạt các tiết mục, chuyên đề tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông, cảnh báo, nhắc nhở và động viên mọi người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Đài Truyền thanh Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tiết mục Quốc phòng và an toàn giao thông; Đài Truyền thanh Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai có tiết mục Văn minh đô thị; Đài Truyền thanh huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh và nhiều đài truyền thanh huyện khác ở các tỉnh ĐNB đều có chung tên gọi của tiết mục An toàn giao thông.

Khi cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được phát động từ trung ương đến địa phương thì đài truyền thanh huyện cũng trở thành một kênh tuyên truyền hữu hiệu để cuộc vận động đi vào cuộc sống và phát triển sâu rộng. Các chuyên mục, tiết mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã nhanh chóng được các đài truyền thanh huyện ở ĐNB xây dựng và phát sóng hàng tuần.

Đặc biệt ở tỉnh Đồng Nai, địa phương khởi xướng chương trình chào cờ lúc 7 giờ sáng mỗi thứ hai hàng tuần, sau chương trình chào cờ được tiếp âm trên toàn bộ các huyện, nhiều đài truyền thanh đã cho phát sóng tiếp theo chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đài Truyền thanh Biên Hoà ngoài xây dựng tiết mục này, còn mở thêm chuyên mục Nhớ mãi ơn Người phát vào thứ sáu hàng tuần.

Một trong những thành công của các đài truyền thanh huyện là đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân thông qua việc tuyên truyền đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào cuộc sống một cách cụ thể, có chiều sâu. Những kinh nghiệm làm giàu, những mô hình làm ăn mới, những điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi được giới thiệu, phổ biến qua đài đã trở thành tấm gương cho nông dân học tập, áp dụng vào thực tế sản xuất để nâng cao hiệu quả lao động. Đài truyền thanh huyện đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nông dân.

Gia đình tôi thường nghe chương trình của Đài truyền thanh, nhất là tiết mục: Nông nghiệp- nông thôn; Khuyến nông, đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Nhờ theo dõi những tiết mục này mà gia đình tôi học hỏi được nhiều cách làm hay, áp dụng vào vườn nhà thì thu được kết quả tốt lắm. Năng suất vườn điều, vườn tiêu của gia đình tôi năm nào cũng đạt yêu cầu. Tôi trở thành nông dân sản xuất giỏi cũng một phần là nhờ Đài đó [33].

Một điểm nổi bật của các đài truyền thanh trong vùng ĐNB là đã xây dựng nhiều tiết mục, hoặc lồng vào chương trình thời sự hàng ngày những bài viết, mẫu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo, xã hội sâu sắc. Đài Truyền thanh huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương có chuyên mục

Nhịp cầu nhân ái; Đài Truyền thanh huyện Dầu Tiếng có tiết mục Trái tim nhân ái; Đài Truyền thanh huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh là tiết mục Vòng tay nhân ái… Thông qua những chương trình này, rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, neo đơn đã được chia sẻ, hỗ trợ, động viên, được giúp đỡ về vật chất, tinh thần để vươn lên. Chính những ý nghĩa thiết thực như trên đã góp phần làm chương trình phát sóng của các đài thêm đa dạng, gần gũi, tăng lượng công chúng theo dõi chương trình.

- Thể hiện tính địa phương cao:

Bản sắc của một tờ báo địa phương không thể thoát ly khỏi bản sắc của địa phương đó. Chỉ có trên cơ sở gắn bó chặt chẽ với bản sắc, truyền thống của quê hương mình, tờ báo mới hy vọng có thể tạo được bản sắc. Mỗi địa phương đều có những truyền thống và đặc điểm riêng về đời sống kinh tế - xã hội, có sắc thái riêng trong tâm lý của công chúng báo chí [13, tr.105].

Ở địa phương, báo chí nói chung, đài truyền thanh nói riêng có ưu thế lớn là thể hiện được tính địa phương cao. Các chương trình thời sự hay chuyên mục, tiết mục phần lớn đều hướng đến việc lựa chọn những thông tin, sự kiện ở tỉnh, huyện, thị, phường xã mình hoặc những sự kiện, thông tin ít nhiều có liên quan đến địa bàn mình, đáp ứng nhu cầu của công chúng địa phương.

So với các Đài PT & TH ở Trung ương hay khu vực, đài truyền thanh huyện có lợi thế nổi bật là nắm chắc hoàn cảnh cụ thể, phong tục tập quán, đối tượng, ngôn ngữ địa phương… nên có thể đi sâu vào từng đối tượng riêng biệt, vào phong tục tập quán của địa phương. Vì vậy,

thông tin gần gũi người dân hơn và tác động vào tư tưởng, tình cảm của người dân huyện nhà một cách trực tiếp. Kịp thời thông tin về tình hình của địa phương, cổ vũ, động viên phong trào hành động cách mạng của quần chúng nên hiệu quả tuyên truyền của các đài truyền thanh huyện nhờ vậy cũng cao hơn.

Để trở thành người bạn đồng hành của bạn nghe đài, các đài huyện luôn cố gắng thể hiện tính gần gũi trong các bản tin phát thanh, để khi đọc lên tạo cho người nghe có cảm giác như PTV đang kể cho họ nghe những gì đã xảy ra. Ban lãnh đạo các đài huyện yêu cầu PV phải luôn chú ý trau dồi cách viết sao cho bài viết thu hút được sự quan tâm của thính giả và giữ được họ bằng một ngôn ngữ tự nhiên cho dù phản ánh về bất cứ nội dung gì.

Về vấn đề chọn lọc từ ngữ cho phù hợp, gần gũi các nhóm đối tượng, bà Lê Thị Thiện, Trưởng Đài Truyền thanh huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương dẫn chứng:

Vào ngày chủ nhật hàng tuần, Đài Thuận An thường xuyên phát sóng hai chương trình dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, đó là Chương trình Phát thanh Thiếu nhi và Chương trình Thanh niên. Trong các chương trình dành cho thính giả ở lứa tuổi này, Đài chú ý sử dụng biệt ngữ ở những lĩnh vực mà các em nhỏ ở lứa tuổi đó ưa thích. Ngay ở phần nhạc hiệu, rồi nhạc xen, nhạc lồng hay các câu chào mời của chương trình, chuyên mục dành cho nhóm đối tượng này cũng đã có sự cân nhấc, chọn lựa cho phù hợp. Các chương trình này đều do Ban chấp hành Huyện Đoàn tự xây dựng nội dung, cử các em có giọng đọc tốt tham gia phát thanh viên. Ban biên tập của Đài chỉ làm nhiệm vụ biên tập và đạo diễn (Phụ lục 2, tr.129).

Còn chương trình dành cho thính giả lớn tuổi lại không làm như vậy. Loại chương trình này các đài phải lựa chọn từ ngữ chính xác và cẩn thận hơn. Vấn đề then chốt là phải rõ ràng. Thính giả phải biết và hiểu những từ mà đài sử dụng.

Quan niệm: viết bài cho phát thanh, đặc biệt là viết cho các đài huyện có nghĩa là viết cho riêng một nhóm thính giả và phải tuân theo ngôn ngữ, sử dụng các thành ngữ của những thính giả đặc biệt đó, phải nói theo kiểu tiếng địa phương, không sửa đổi…là cách mà các đài truyền thanh huyện thể hiện trong các sản phẩm, chương trình hàng ngày.

Qua khảo sát cho thấy, dù là chương trình thời sự hay văn nghệ giải trí (ở các đài truyền thanh cấp huyện vùng ĐNB, thể loại Câu chuyện truyền thanh thường được sử dụng trong các chuyên mục lẫn chương trình văn nghệ) thì hầu hết từ ngữ sử dụng trong chương trình đều đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với cách nói, cách nghĩ của người địa phương do sử dụng nhiều từ ngữ địa phương.

- Khai thác các tính chất, thế mạnh đặc trưng của loại hình báo nói:

Về xu hướng phát triển của báo chí phát thanh hiện đại, trong cuốn sách Truyền thông đại chúng (NXB Chính trị quốc gia, năm 2001), tác giả Tạ Ngọc Tấn cho rằng: “Đưa tin nhanh, các chương trình âm nhạc sinh động, tác động đồng loạt trong diện rất rộng một cách tức thời - đó là xu hướng chính trong sự phát triển của phát thanh hiện nay. Đó là con đường để phát thanh giữ lại thính giả của mình, để tiếp tục tồn tại và khẳng định mình” [52, tr.108].

Do tính chất đặc trưng bao trùm của ngành phát thanh là tờ báo âm thanh tổng hợp nên trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí phát thanh, PV, BTV các đài truyền thanh huyện luôn chú ý kỹ năng khai thác và sử dụng tiếng động phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người nghe.

Đưa tiếng động vào chương trình là tiêu chí hàng đầu trong các chương trình phát thanh hàng ngày của các đài huyện. Thông thường các PV, BTV sử dụng tiếng động vào các thể loại: ghi nhanh, tường thuật, bài phản ảnh, phóng sự, điều tra. Nhiều trường hợp sử dụng băng ghi âm ý kiến phát biểu tại hiện trường. Tiếng động và âm nhạc cũng luôn được sử dụng trong chương trình phát thanh của các đài cấp huyện, thị.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)