- Nguyên nhân khách quan:
+ Phần lớn các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của các đài truyền thanh.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định vai trò, vị trí của thông tin trong đời sống xã hội là: “Nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 đã chỉ rõ: “Phát triển và hiện đại hoá mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản. Đến năm 2010 hoàn thành cơ bản việc phổ cập các phương tiện phát thanh, truyền hình đến mỗi gia đình” [3, tr.25].
Nhận thức rõ quan điểm này, những năm gần đây, nhiều đài truyền thanh huyện, thị trong khu vực đã được huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất chương trình và cộng tác tuyên truyền trên sóng đài PT & TH tỉnh. Qua trao đổi với lãnh đạo đài truyền thanh huyện trong khu vực, cho thấy: từ năm 2003 đến nay, đã có 16 đài truyền thanh huyện được cấp kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở khang trang, thiết kế theo mô hình hoạt động của đài. Hiện có 7 đài đang xúc tiến các dự án xây mới trụ sở làm việc, số còn lại do trụ sở đã xuống cấp, đang đề nghị được xây dựng lại.
Nguồn tài chính cấp cho hoạt động của một số đài truyền thanh huyện, thị ở ĐNB hàng năm cũng khá lớn. Năm 2009, Đài Truyền thanh thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai được giao quyền tự chủ tài chính theo Nghị định 43/NĐ- TTCP với định mức 773 triệu đồng cho hoạt động thường xuyên; Đài Truyền thanh huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 1,760 tỷ đồng; Đài huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương gần 774 triệu đồng; Đài huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xấp xỉ 600 triệu đồng...
Những hội nghị quan trọng của huyện, các cuộc họp báo trước những sự kiện kinh tế - chính trị - xã hội quan trọng do Thành uỷ, Huyện uỷ, UBND huyện, thị tổ chức đều có sự tham dự của lãnh đạo đài. Nhiều sự kiện lớn đều có ban lãnh đạo đài tham gia trong các ban tổ chức. Hầu hết các hoạt động, phong trào có thành lập ban chỉ đạo của huyện cũng đều bố trí ban lãnh đạo đài vào danh sách thành viên.
Ngoài ra, trong các hội nghị có nội dung liên quan đến báo chí, các buổi giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện hay đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình hoạt động của các cơ quan, ban ngành ở địa phương, lãnh đạo, phóng viên đài huyện cũng được mời tham dự. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn đã hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động báo chí, như cung cấp số liệu, văn bản, thông tin kịp thời và chính xác cho phóng viên, nhiệt tình trả lời phỏng vấn khi có yêu cầu...Sự hỗ trợ đó đã giúp cho đài truyền thanh huyện có được những nguồn thông tin chính xác, phản ánh chân thật, kịp thời, sinh động, nhiều chiều, nhiều thông tin về đời sống xã hội.
+ Ban lãnh đạo đài tỉnh thường xuyên chỉ đạo và hỗ trợ các đài truyền thanh huyện, thị trong định hướng tuyên truyền, đầu tư trang bị kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Nhìn chung, tuy không quản lý trực tiếp nhưng các đài PT & TH trong khu vực vẫn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và tư vấn cho các đài truyền thanh huyện về định hướng tuyên truyền, đầu tư trang bị kỹ thuật, đặc biệt là trong việc bồi dưỡng cho đội ngũ công tác ở đài huyện về kỹ năng nghề nghiệp.
Tại cuộc hội thảo ngày 21/5/2009 chuyên đề: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thanh cơ sở tỉnh Bình Phước năm 2009, Giám Đốc Đài PT & TH tỉnh Bình Phước, ông Phan Minh Hoàng cho biết:
Trong các năm từ 2006 đến 2008, Đài tỉnh đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn của trung ương để đầu tư nâng cấp máy phát thanh, phát hình, máy quay phim và trang thiết bị sản xuất chương trình công nghệ số cho đài huyện.... Riêng trong năm 2008, cán bộ kỹ thuật đài tỉnh thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đeo bám, khắc phục sự cố ở các đài huyện và trạm truyền thanh cơ sở [17, tr.4].
Đài PT & TH các tỉnh cũng tích cực trao đổi, tham mưu với lãnh đạo UBND các huyện nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các đài truyền thanh huyện từ vấn đề kinh phí, nhuận bút, nhân sự đến công tác bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ.
Tại hội nghị Cụm miền Đông năm 2008, với tham luận chủ đề: Mô hình nào để đài truyền thanh cấp huyện hoạt động hiệu quả?, ông Phan Văn Thảo, Phó Giám Đốc Đài PT & TH tỉnh Bình Phước cho biết:
Trong công tác tuyên truyền, Đài PT & TH tỉnh Bình Phước đã xây dựng chương trình “Tiếng nói từ huyện, thị” trên sóng phát thanh và “Trang truyền hình địa phương” trên sóng truyền hình để tổ chức cho các đài huyện tham gia, nhằm chuyển tải các thông tin, sự kiện của địa phương, đồng thời để tạo cơ hội cho các đài huyện thi đua nâng cao nghiệp vụ chuyên môn… Ngoài ra, hàng năm đài tỉnh còn tổ chức cho lãnh đạo các đài huyện trong tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác truyền thanh cơ sở ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước…[16, tr.3].
Để thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các đài huyện, thị và cơ sở trong tỉnh được sâu sát, đúng theo định hướng của ngành cấp trên và các cấp lãnh đạo địa phương, các đài PT & TH tỉnh tổ chức cho các đài huyện, thị trong tỉnh ký kết thi đua hàng năm, sơ kết đánh giá tình hình các đài huyện mỗi 6 tháng một lần; thường xuyên duy trì hoạt động kiểm tra chéo, chấm điểm phân loại, xếp hạng thi đua giữa các đài huyện vào cuối năm.
So với các tỉnh bạn, Đài PT & TH Đồng Nai có mối quan hệ hỗ trợ và gắn bó chặt chẽ với các đài truyền thanh huyện trên nhiều lĩnh vực. Sự đồng hành đó đã giúp các đài truyền thanh huyện có sự phát triển khá đồng đều và thuận lợi. Đáp lại, các đài truyền thanh huyện
luôn là lực lượng CTV mạnh mẽ, thường xuyên với đài và sẵn sàng sát cánh cùng các PV đài tỉnh trong các hoạt động phối hợp tuyên truyền vào các thời điểm diễn ra các sự kiện, lễ hội quan trọng ở địa phương.
Mỗi năm, các đài tỉnh ở khu vực ĐNB đều mở từ một đến hai lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho PV, BTV và KTV các đài truyền thanh huyện. Với phương pháp truyền đạt coi trọng ứng dụng, thực hành, các lớp bồi dưỡng vừa gọn nhẹ, thiết thực, vừa mang lại hiệu quả khá cao. Bên cạnh đó, các phòng Phát thanh và Truyền hình còn tích cực tham gia hướng dẫn, truyền đạt ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do các đài truyền thanh huyện tổ chức cho lực lượng PV, CTV.
Đài PT & TH Đồng Nai là tỉnh luôn thể hiện tốt vai trò hướng dẫn nghiệp vụ cho các đài truyền thanh huyện, thị và tích cực hỗ trợ các đài huyện trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng CTV huyện, thị hàng năm. Theo ông Mai Sông Bé, Giám đốc Đài PT& TH Đồng Nai: “Hiện Đài đang triển khai kế hoạch phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức lớp cao đẳng phát thanh nhằm nâng cao hơn trình độ chuyên môn cho các đài huyện, dự kiến sẽ khai giảng trong quý 4/2009”.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Cơ sở vật chất của các đài ngày càng được đầu tư theo hướng chuyên môn hóa.
Cơ sở vật chất là điều kiện quan trọng, chi phối chất lượng, hiệu quả sản xuất, nếu không đáp ứng nhu cầu thực tế vừa không đảm bảo sức khoẻ, vừa hạn chế năng lực lao động sáng tạo của đội ngũ. Thời gian qua, nhiều đài truyền thanh trong khu vực không chỉ được đầu tư cơ sở khang trang mà trang thiết bị kỹ thuật cũng được bổ sung, chuyển đổi theo công nghệ kỹ thuật số, phục vụ ngày một tốt hơn cho việc sản xuất chương trình.
Theo hướng quy hoạch và tư vấn của các đài tỉnh, hàng năm ngoài nguồn kinh phí hoạt động phân bổ cho các đài huyện, UBND huyện cũng đã quan tâm vận dụng nhiều nguồn kinh phí khác nhau để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp cho PV, như máy ghi âm kỹ thuật số, máy vi tính … Các đài huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn được đài tỉnh hỗ trợ đầu tư thông qua nhiều dự án, chương trình mục tiêu của ngành phát thanh và nhiều trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành, như: hệ thống thu - phát TVRO, hệ
thống dàn dựng sản xuất chương trình phát thanh công nghệ số...nhằm nâng cao chất lượng cộng tác tuyên truyền của đài huyện trên sóng phát thanh của đài tỉnh.
Trong định hướng phát triển chung đó, từ năm 2002 các đài truyền thanh huyện khu vực ĐNB đã bắt đầu làm quen với hệ thống truyền thanh không dây (còn gọi là truyền thanh vô tuyến).
Việc đầu tư hệ thống truyền thanh không dây nhằm thay thế hệ thống truyền thanh hữu tuyến hiện có, đảm bảo chất lượng truyền dẫn phát sóng chương trình. Bên cạnh đó, còn đáp ứng tốt nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới, mở rộng vùng phủ sóng phát thanh đến người dân.
Về cơ bản, hệ thống truyền thanh không dây hoạt động theo nguyên lý thu- phát sóng FM. Tại trung tâm trang bị một máy phát FM với công suất đủ mạnh để bao quát toàn bộ địa bàn cần phủ sóng. Tại các điểm dân cư sẽ đặt các bộ (cụm) thu truyền thanh không dây (máy thu FM có gắn khuếch đại âm tần và loa phóng thanh). Máy phát FM tại trung tâm và tất cả các bộ thu truyền thanh không dây này hoạt động trên cùng một tần số. Khi nhận tín hiệu từ máy phát FM trung tâm thì các bộ phận khuếch đại truyền thanh không dây sẽ tự động kích hoạt bộ phận công suất âm tần hoạt động và có âm thanh ra loa.
So với công nghệ truyền thanh không dây thông thường, hệ thống truyền thanh công nghệ số đảm bảo hoạt động an toàn hơn, nhờ bộ mã hóa điều khiển từ xa, tránh hiện tượng nhiễu sóng do trùng tần số hoặc do cố ý phá hoại, đồng thời cung cấp tính chủ động điều hành cho toàn bộ hệ thống.
Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó Giám Đốc Đài PT & TH Đồng Nai, tại hội nghị chuyên đề: Hiệu quả của hệ thống truyền thanh không dây khu vực miền Đông Nam bộ, tổ chức vào ngày 25/7/2009, tại Đồng Nai, thì:
Hệ thống truyền thanh vô tuyến ở các đài trong khu vực ĐNB được phát triển khá sớm. Từ năm 2002, các đài đã bắt đầu hướng tới đầu tư hệ thống truyền thanh vô tuyến. Bước đầu công nghệ của truyền thanh không dây chưa hoàn chỉnh, còn bộc lộ nhiều nhược điểm, nên việc đầu tư còn dè dặt, chưa đồng bộ và chỉ mới thật sự phát triển trong 2 năm trở lại đây [22, tr.2]
Từ năm 2007 đến nay, mặc dù vẫn còn một số nhược điểm trong khai thác, vận hành, song tính năng nổi trội với nhiều ưu điểm của kỹ thuật truyền thanh không dây đã khuyến khích lãnh đạo các huyện, thị tăng dần nguồn kinh phí đầu tư cho các đài truyền thanh theo hướng này.
Qua gần 7 năm triển khai, đến nay toàn khu vực ĐNB đã lắp đặt 182 trạm truyền thanh không dây, với gần 3.200 cụm loa (mỗi cụm gồm 1 đầu thu và từ 2- 4 loa). Hệ thống truyền thanh không dây đã phủ sóng hoàn toàn ở 6/41 huyện trong khu vực (gồm 4 huyện của tỉnh Đồng Nai và 2 huyện của tỉnh Bình Dương), chỉ còn 9 huyện hoàn toàn chưa lắp đặt hệ thống này (gồm 5 huyện của Tây Ninh, 4 huyện của Bình Phước và Bà Rịa- Vũng Tàu).
Triển khai mạnh mẽ nhất trong khu vực về chủ trương chuyển sang đầu tư truyền thanh không dây là tỉnh Đồng Nai. Đến thời điểm cuối tháng 6/2009, toàn bộ 11 đài truyền thanh của tỉnh này đều có hệ thống truyền thanh không dây, tổng cộng đến nay đã phát triển 103 trạm (chiếm tỷ lệ 56,6% so toàn khu vực), với gần 2.050 cụm (bằng 64,8% tỷ lệ phát triển toàn khu vực). Đồng Nai cũng chiếm đến 4/6 huyện của toàn khu vực đã thực hiện 100% truyền thanh không dây ở huyện mình, bao gồm các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Định Quán.
Xu hướng chung của các đài là tăng cường hơn việc lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây, thu hẹp dần hệ thống truyền thanh có dây nhằm nâng cao chất lượng truyền phủ sóng và giảm tình trạng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị do việc lắp đặt đường dây hữu tuyến.
Cũng cần phải nói thêm, bên cạnh tăng cường đầu tư, chuyển đổi công nghệ phát thanh, thời gian qua các đài truyền thanh huyện đã có bước phát triển khá rõ nét trong đầu tư cho hoạt động ở lĩnh vực truyền hình. Thông qua nguồn ngân sách của huyện và sự tích cực vận dụng của các đài PT & TH tỉnh từ các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia, hầu hết các đài truyền thanh huyện ở miền ĐNB đều được đầu tư camera, máy vi tính, hệ thống dựng hình phi tuyến kết nối truyền dẫn tin bài, hình ảnh qua đường truyền internet ADSL... nhằm nâng cao chất lượng cộng tác tuyên truyền của đài huyện trên sóng truyền hình của đài tỉnh. Khi trao đổi với chúng tôi, đa số lãnh đạo các đài truyền thanh huyện, thị ở ĐNB đều có chung nhận định: “Quá trình tác nghiệp trên các phương tiện truyền hình thời gian qua đã hỗ trợ
rất nhiều cho các phóng viên và biên tập viên đài huyện trong việc bổ sung tin, bài cho chương trình phát thanh - truyền thanh hàng ngày của đài”.
+ Lãnh đạo các đài huyện, thị quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ Biên tập viên, phóng viên, nhân viên đơn vị tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn
Để chuẩn hoá lực lượng, thời gian qua lãnh đạo các đài truyền thanh huyện luôn quan tâm và tạo điều kiện cho CBVC tham gia các lớp đào tạo trình độ từ trung cấp, cao đẳng đến đại học chuyên ngành. Một số tham gia các lớp đào tạo tại chức do Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên Truyền tổ chức tại chỗ, hoặc phối hợp Hội Nhà báo các tỉnh ĐNB tổ chức, số khác theo học tại các trường đại học chính quy ở thành phố Hồ Chí Minh.
Qua khảo sát của chúng tôi, cho đến thời điểm này, Đài Truyền thanh thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai có 12/16 CBVC trình độ đại học, đạt tỷ lệ 75% (dẫn đầu trong số 32/41 đài truyền thanh cấp huyện mà chúng tôi đã khảo sát ở khu vực ĐNB); Đài huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương: có 6/10 CBVC có trình độ đại học (tỷ lệ 60%); Đài huyện Dầu Tiếng - tỉnh Bình Dương: 4/7 CBVC có trình độ đại học (tỷ lệ 57,1%); Đài huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai: 9/17 CBVC trình độ đại học (tỷ lệ 52,94%); Đài huyện Cẩm Mỹ; Đài huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cùng có 6/12 CBVC trình độ đại học (tỷ lệ 50%). Hầu hết các đài còn lại tuy tỷ lệ người có bằng đại học dưới mức trung bình, song nhiều đài trong số này đang có một bộ phận CBVC theo học các lớp đại học chuyên ngành.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo các đài huyện cũng tích cực tạo điều kiện để CBVC đều được tham gia các lớp bồi dưỡng, bổ sung nghiệp vụ do Đài PT & TH tỉnh tổ chức hàng năm. Đánh giá về vai trò của lãnh đạo các đài huyện ở hoạt động này, trong Báo cáo về hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên đài huyện và cộng tác viên năm 2008, ông Hoàng Công Minh, Trưởng Phòng Thời sự Đài PT& TH tỉnh Đồng Nai, Thư ký Chi hội Nhà báo tỉnh đã khẳng định:
Thực tế cho thấy, chỉ cố gắng của Chi hội trong việc nâng cao chất lượng, số lượng các lớp tập huấn nghiệp vụ là không